Bài báo của Washington Post ám chỉ Kiev có hành động phá hoại, nhưng không bác bỏ giả thuyết do nhà báo Seymour Hersh đưa ra cho rằng Mỹ đã phá hủy các đường ống nói trên.
Bong bóng sủi trên Biển Baltic sau sự cố rò rỉ đường ông Dòng chảy phương Bắc. Ảnh: Getty
Các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đã bị phá hủy trong một loạt vụ nổ gần như đồng thời ngoài khơi đảo Bornholm của Đan Mạch vào tháng 9/2022. Các vụ nổ đã cắt đứt đường dẫn khí đốt tự nhiên quan trọng của Nga tới châu Âu, loại bỏ khả năng các nước châu Âu dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Moscow và khởi động lại việc mua khí đốt.
3 tháng trước đó, Washington Post đưa tin, “chính quyền Biden biết được từ một đồng minh thân cận rằng quân đội Ukraine đã lên kế hoạch cho một cuộc tấn công bí mật vào mạng lưới dưới biển, sử dụng một nhóm nhỏ thợ lặn đã báo cáo trực tiếp với tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine (Tướng Valery Zaluzhny)”. CIA đã biết về âm mưu này từ một cơ quan tình báo châu Âu giấu tên với một đặc vụ ở Ukraine.
Giới chức Ukraine không phản hồi đề nghị bình luận của Washington Post. CIA cũng giữ im lặng, Nhà Trắng từ chối trả lời khi được hỏi “liệu các quan chức Mỹ có cố gắng ngăn chặn kế hoạch [của Ukraine] hay không”.
Bài báo của Washington Post tương tự như những gì New York Times đã tuyên bố hồi tháng 3/2023 rằng một “nhóm thân Ukraine” đã phá hủy các đường ống dẫn khí đốt. Báo Der Spiegel của Đức cũng đưa ra thông tin tương tự, đồng thời cho biết thêm nhóm này đã sử dụng một chiếc du thuyền thuê để vận chuyển chất nổ đến hiện trường vụ nổ.
Những giả thuyết này mâu thuẫn với nhận định của phóng viên người Mỹ Seymour Hersh. Hồi tháng 2/2023, Hersh cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Biden đã ra lệnh cho CIA đánh bom các đường ống dẫn khí đốt với sự trợ giúp của Hải quân Na Uy. Phóng viên này sau đó cho biết, câu chuyện về chiếc du thuyền đi thuê đã được CIA và đối tác Đức, BND, gieo rắc trên các phương tiện truyền thông của Mỹ và Đức nhằm đánh lạc hướng.
Chiếc du thuyền lại xuất hiện trong bài báo mới nhất của tờ Washington Post, theo đó, những kẻ đánh bom đã lên kế hoạch thuê nó từ một cảng châu Âu. Bài báo không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào chứng minh rằng Mỹ cuối cùng đã thực hiện vụ đánh bom.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 cho biết ông “hoàn toàn đồng ý” với kết luận của Hersh. Trước khi bài báo của Hersh được công bố, Tổng thống Putin đổ lỗi các vụ nổ cho liên minh xuyên Đại Tây Dương Mỹ-Anh. Tổng thống Nga lập luận rằng Mỹ đặc biệt được hưởng lợi từ vụ tấn công do vị thế là nhà cung cấp khí đốt cạnh tranh cho châu Âu.