Tuyên bố làm phương Tây giật mình của ông Putin và cáo buộc của Mỹ về chương trình vũ khí bí ẩn ở Nga

Ngọc Nguyễn |

Trong lần vận động tranh cử tổng thống năm 2012, thủ tướng Nga Vladimir Putin khiến các chuyên gia quân sự Mỹ giật mình khi tuyên bố kế hoạch phát triển các loại vũ khí mới.

Thông điệp ông Putin đưa ra là để ứng phó với ưu thế công nghệ của phương Tây. Theo ông, quân đội của tương lai sẽ cần loại vũ khí "dựa trên các nguyên tắc vật lý mới", bao gồm khoa học "di truyền" và "tâm lý học".

"Các hệ thống vũ khí công nghệ cao như vậy sẽ có sức mạnh tương đương với vũ khí hạt nhân nhưng sẽ dễ chấp nhận hơn về mặt chính trị và quân sự," ông Putin chia sẻ trong 1 bài báo đăng trên tờ Rossiyskaya Gazeta (Nga).

Theo tờ Washington Post (WaPo), đó là khởi đầu cho làn sóng nghiên cứu vũ khí tại các phòng thí nghiệm quân sự và dân sự trên khắp nước Nga - những nơi vốn luôn được canh gác cẩn mật.

WaPo cho rằng, dưới thời của tổng thống Putin, nhiều cơ sở thí nghiệm đã được xây mới hoặc cải tạo, trong đó có nhiều phòng thí nghiệm mật Bộ Quốc phòng Nga nằm trong vòng nghi ngờ có những hoạt động vi phạm hiệp ước vũ khí.

Các quan chức Nga nhấn mạnh rằng những nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm của chính phủ nhằm mục tiêu quốc phòng và hoàn toàn hợp pháp. Tuy nhiên, phương Tây đang kêu gọi tăng cường kiểm soát các phòng thí nghiệm dạng này, sau khi Anh lên tiếng cáo buộc Moskva dính líu vụ ám cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái tại Anh hôm 4/3 bằng Novichok - chất độc thần kinh gây chết người được phát triển từ thời Liên Xô.

Raymond Zilinskas, chuyên gia về vũ khí sinh hóa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin ở bang California, cùng cộng sự Philippe Mauger phân tích hàng trăm tài liệu hợp đồng và các hồ sơ, qua đó họ tin rằng giới chức Nga ngày càng quan tâm tới nhiều lĩnh vực khác nhau, từ các tác nhân biến đổi gen đến các vũ khí hoá học không gây tử vong nhằm kiểm soát đám đông.

Đại sứ Nga tại LHQ Vassily A. Nebenzia phủ nhận bất kỳ sự can thiệp nào của Kremlin trong vụ Skripal và cho rằng đó là Mỹ và Anh, chứ không phải Nga, đang tiếp tục tiến hành các nghiên cứu bất hợp pháp để tạo ra "các chất độc mới".

Bộ ngoại giao Mỹ khá quan tâm nghiên cứu của Zilinskas và Mauger. Những năm gần đây, Mỹ thường chỉ trích Nga thiếu minh bạch trong nghiên cứu sinh hóa liên quan đến quân sự. Từ năm 2012, các quan chức ngoại giao Mỹ đã đưa ra một loạt báo cáo chỉ trích Moskva vì từ chối mở cửa các phòng nghiên cứu trên cho thanh sát viên quốc tế, và không cung cấp bằng chứng Nga đã phá hủy các kho vũ khí gây chết người được tạo ra từ thời Liên Xô.

Thomas Countryman, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về an ninh quốc tế và kiểm soát vũ khí trong chính quyền Barack Obama, nói rằng ngay cả trước thời tổng thống Putin, các quan chức Mỹ đã đặt câu hỏi liệu Kremlin đã tiến hành giải trừ kho vũ khí Liên Xô một cách "triệt để và minh bạch" chưa. 

Trong 6 năm qua, sự nghi ngờ ngày càng tăng lên khi Moskva áp dụng chính sách đối ngoại cứng rắn hơn và đối đầu Mỹ trong nhiều sự vụ quốc tế, ví dụ như sự ủng hộ tuyệt đối chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chính phủ Syria cũng bị Mỹ cáo buộc thực hiện một số vụ tấn công hóa học nhằm vào dân thường.

Tuyên bố làm phương Tây giật mình của ông Putin và cáo buộc của Mỹ về chương trình vũ khí bí ẩn ở Nga - Ảnh 2.

Các binh sĩ Anh mặc trang phục bảo hộ ở Gillingham khi điều tra vụ cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị ám sát bằng chất độc Novichok (Ảnh: PA)

Các mầm bệnh chiến tranh lạnh

WaPo cho hay, khi Liên Xô tan rã năm 1991, Liên bang Nga đã trở thành quốc gia kế thừa kho vũ khí sinh hóa nguy hiểm nhất trong lịch sử. Báo Mỹ cho rằng, trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, các lãnh đạo Liên Xô đầu tư khổng lồ để tạo ra 11 loại mầm bệnh khác nhau - bao gồm các vi khuẩn gây ra bệnh than, bệnh đậu mùa và bệnh dịch hạch - trong khi cũng thử nghiệm những loại vi khuẩn biến đổi gien. Họ tạo ra các loại chất độc hóa học mới, bao gồm Novichok.

Novichok luôn là thứ vũ khí bí ẩn. Moskva phủ nhận từng nghiên cứu hoặc sản xuất ra chất cực độc này.

Theo WaPo, chương trình chế tạo chất độc của Liên Xô khởi nguồn từ sự cạnh tranh với Mỹ. Washington duy trì kho dự trữ các chất độc thần kinh trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và sản xuất vũ khí sinh học cho đến năm 1969, khi Tổng thống Richard Nixon hủy bỏ chương trình. Nhưng Kremlin vẫn tiếp tục và cho rằng Lầu Năm Góc vẫn bí mật nghiên cứu vũ khí sinh học. Cuối cùng, cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin vào năm 1992 đã thừa nhận với các quan chức Mỹ sự tồn tại của chương trình mật và khẳng định tất cả các vũ khí sinh học của Liên Xô đã bị phá hủy.

Trong những năm ngay sau Chiến tranh Lạnh, việc kiểm soát và phá hủy vũ khí hủy diệt hàng loạt thời Liên Xô đều có sự hợp tác của cả Mỹ và Nga. Mỹ đã giúp Nga xây dựng lò đốt để phá hủy vũ khí hoá học và tài trợ cho các chương trình phối hợp giữa các nhà khoa học về vũ khí sinh học của Liên Xô cũ với các công ty phương Tây nhằm giúp họ có việc làm trong quá trình chuyển đổi kinh tế tại Nga.

Mối hợp tác Mỹ-Nga bắt đầu suy yếu sau khi ông Putin đắc cử năm 2000, và chính thức biến mất khi ông tái đắc cử năm 2012. Nhưng ngay cả dưới thời Yeltsin, Nga vẫn từ chối cấp phép cho các nhà khoa học bên ngoài tiếp cận những cơ sở chế tạo vũ khí chính - bao gồm 4 phòng thí nghiệm sinh học của quân đội Nga, và thường xuyên giới hạn các chuyến viếng thăm từ bên ngoài.

"Chúng tôi luôn tò mò tự hỏi có phải phía Nga xấu hổ vì quy mô phòng thí nghiệm hay là họ đang che giấu một thứ gì đó?" - Laura Holgate, cố vấn cao cấp của cựu Tổng thống Barack Obama chuyên về ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố sinh học, hóa học và hạt nhân, cho biết.

Holgate cho rằng việc này có thể phản ánh "sự hoang tưởng về những gì phía Mỹ có thể tìm thấy" về năng lực quân sự của Nga.

Các quan chức quen thuộc phía Nga cho biết, động thái mở rộng tại các phòng thí nghiệm quân sự có thể giúp Nga sở hữu một loạt các công cụ đối phó với các kẻ thù mà vẫn không vi phạm những hiệp ước đã kí kết.

Tuyên bố làm phương Tây giật mình của ông Putin và cáo buộc của Mỹ về chương trình vũ khí bí ẩn ở Nga - Ảnh 3.

Hình ảnh vệ tinh Trung tâm các vấn đề kỹ thuật quân sự về bảo vệ sinh học trong nghiên cứu vi sinh (The Center for Military Technical Problems of Biological Defense of the Scientific Research of Microbiolog) ở Ekaterinaburg, Nga, chụp năm 2015. Các ô khoanh vàng là những khu vực được cho là thay đổi đáng kể từ sau năm 2005. (Ảnh: Raymond Zilinskas/Center for Nonproliferation Studies)

Bằng chứng vệ tinh

Dữ liệu do Zilinskas và Mauger thu thập bao gồm các bản hợp đồng, báo cáo tiếng Nga và hình ảnh vệ tinh cho thấy sự mở rộng đáng kể tại 4 phòng thí nghiệm bí mật của Bộ Quốc phòng và nhiều trung tâm nghiên cứu dân sự do chính phủ Nga điều hành trên toàn quốc.

Tại một khu phức hợp quân sự tại Yekaterinburg, các nhà kho với tường bao quanh đang được xây dựng mới. Hoạt động cải tạo có thể được quan sát thấy trong các tòa nhà cũ hơn.

Tại Viện Nghiên cứu Nghiên cứu Trung ương Số 33 ở Shikhany - trước đây là một thành phố quân sự ngầm của Nga trên sông Volga ở tây nam nước Nga - ghi nhận hoạt động mua sắm các thiết bị chuyên dụng gia tăng như máy sấy đông khô sử dụng trong sản xuất vi sinh. Các nhân viên phòng thí nghiệm đưa ra những hồ sơ thầu công khai để sửa chữa một đường hầm gió, loại dùng để thử nghiệm các vi khuẩn và vi trùng đã được làm sạch, cũng như nâng cấp một vùng lưu trữ mà các nhà nghiên cứu cho biết có thể dùng cho các vụ nổ thử nghiệm ngoài trời.

Lầu Năm góc sử dụng các thiết bị tương tự tại các cơ sở nghiên cứu về sinh học ở bang Maryland và Utah. Tuy nhiên, Zilinskas và Mauger cho biết việc mở rộng của phía Nga thu hút sự quan tâm của phương Tây do ông Putin tuyên bố công khai về việc chế tạo các loại vũ khí mới, mang yếu tố "di truyền".

Sau khi bài báo đăng tuyên bố của ông Putin công khai, một số quan chức quân sự cao cấp, kể cả Bộ trưởng Quốc phòng Nga lúc đó Anatoly Serdyukov, đã công khai ủng hộ lời kêu gọi và hứa sẽ bắt đầu lên kế hoạch thực hiện. Ông Serdyukov cam kết cụ thể kết hợp các hoạt động nghiên cứu "di truyền" trong việc chế tạo các loại vũ khí thế hệ mới của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại