Câu hỏi:
Tôi đọc báo thấy nhiều thông tin trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ngoài đường, trước cổng chùa… Không hiểu vì sao con mình mang nặng đẻ đau mà họ đành lòng bỏ con mình như vậy.
Xin cho hỏi, trường hợp người mẹ bỏ rơi con cái của mình như vậy có vi phạm pháp luật không? Nếu đứa trẻ qua đời vì nguyên nhân bị người mẹ bỏ rơi, vậy người mẹ sẽ bị xử lý thế nào?
Ảnh minh họa.
Trả lời:
Theo Luật sư Trần Công Tú - Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, Điều 19, Hiến pháp 2013 quy định: “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật”.
Trẻ em là đối tượng đặc biệt được bảo vệ, “trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển”.
Những năm gần đây, không ít vụ việc xảy ra khi nhiều người có hành vi vứt trẻ sơ sinh nơi đồng hoang, trước cửa nhà dân, cổng chùa... Đây là hành vi không những vi phạm tiêu chuẩn đạo đức truyền thống mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền con người, quyền trẻ em.
Trở lại câu hỏi của bạn, trường hợp người mẹ bỏ rơi con cái của mình có vi phạm pháp luật không? Nếu đứa trẻ qua đời vì nguyên nhân người mẹ bỏ rơi, vậy người mẹ bị xử lý như thế nào?
- Nếu người mẹ bỏ rơi con, hậu quả đứa trẻ vẫn khỏe mạnh, người mẹ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em. Cụ thể, căn cứ quy định tại khoản 2, Điều 21 Nghị định số 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em, mức xử phạt đối với hành vi mà cha, mẹ cố ý bỏ rơi trẻ em là từ 20 triệu đến 25 triệu đồng.
- Nếu người mẹ bỏ rơi con mà đứa trẻ không may qua đời, có thể bị xử lý hình sự về tội “Giết hoặc vứt con mới đẻ” được quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Cụ thể, tại khoản 2, Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau: Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình sinh ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Dấu hiệu cấu thành tội “Giết hoặc vứt con mới đẻ”, cụ thể về hành vi phạm tội “Vứt con mới đẻ” như sau:
Về mặt chủ thể: Tội “Giết hoặc vứt con mới đẻ” là chủ thể đặc biệt, đó là mẹ của nạn nhân và chỉ được coi là chủ thể của tội vứt bỏ con mới đẻ nếu người mẹ đó chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà buộc phải vứt bỏ đứa con do mình đẻ ra, còn vì lý do khác mà người mẹ vứt bỏ con mới đẻ thì sẽ không cấu thành tội phạm này mà có thể cấu thành tội phạm khác.
Về mặt chủ quan: Người mẹ thực hiện hành vi vứt con mới đẻ với lỗi cố ý.
Về mặt khách quan: Là hành vi vứt con mới đẻ như bỏ rơi hoặc để lại một địa điểm nào đó, hành vi này mang tính nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sống của con người, hậu quả là đứa trẻ bị chết, nếu đứa trẻ chưa bị chết thì chưa cấu thành tội này.
Về mặt khách thể: Đối tượng tác động của tội phạm là con mới đẻ trong vòng 7 ngày tuổi, nếu vứt con mới đẻ là 8 ngày tuổi trở lên thì không phải là đối tượng tác động của tội phạm này mà sẽ chuyển sang tội phạm khác.
Như vậy, người mẹ sẽ bị xử lý hình sự về hành vi vứt con mới đẻ nếu có đủ 4 yếu tố cấu thành tội phạm nêu trên. Khung hình phạt cao nhất khi xử lý hình sự về hành vi vứt con mới đẻ là 2 năm tù.