Mối quan hệ nồng ấm trở lại
Mọi sự so sánh đều khập khiễng nhưng chuyến thăm Trung Quốc không chính thức vừa qua của ông Kim Jong-un khiến liên tưởng đến bối cảnh tình hình hồi năm 1950.
Khi ấy, sau khi quân đội Mỹ tấn công chiếm Bình Nhưỡng, Trung Quốc đã can dự vào cuộc chiến tranh và quân đội Mỹ phải rút về vĩ tuyến 38.
Triều Tiên sắp bước vào hai cuộc gặp cấp cao với ý nghĩa có thể quyết định số phận tương lai của bán đảo Triều Tiên.
Trong quá trình dẫn dắt đến cả hai sự kiện ấy, vai trò và đóng góp của Trung Quốc rất mờ nhạt thì bây giờ Trung Quốc lại nổi bật thông qua chuyến thăm nói trên của ông Kim Jong-un.
Thời gian vừa qua, mối quan hệ giữa hai nước láng giềng này không được êm đẹp như trước đó cho dù Trung Quốc vẫn là đồng minh và đối tác chiến lược quan trọng nhất của Triều Tiên.
Những gì đang xảy ra giữa Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ buộc hai láng giềng này phải nhanh chóng khôi phục mối quan hệ gắn bó và tin cậy như xưa.
Ông Kim Jong-un cần sự hậu thuẫn của Trung Quốc để bước vào các cuộc gặp với tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự kiến vào cuối tháng 4 tới và với tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tháng 5 này.
Trung Quốc muốn có phần trực tiếp chứ không bị đứng ở ngoài cuộc và càng không muốn để bị phớt lờ. Và cả hai bên đều chủ ý cũng như có lợi ích thể hiện công khai điều đó.
Thông điệp này họ đều phát đi nhằm tới Mỹ và Hàn Quốc. Sau thống nhất quan điểm là phối hợp hành động, Triều Tiên muốn cho thế giới bên ngoài thấy Triều Tiên không bị cô lập, làm cho phía Hàn Quốc và Mỹ thấy rằng chuyện thương thảo tới đây của Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc đã được Trung Quốc tham vấn trước đó và đã nhận được sự ủng hộ của Bắc Kinh.
Thông qua sự kiện này và thông qua Trung Quốc, Triều Tiên muốn cho hai đối tác kia và cả thế giới bên ngoài hiểu là Triều Tiên kiên định ý muốn tiến hành hai cuộc gặp cấp cao và sẵn sàng phi hạt nhân hoá bán đảo nếu phía bên kia cam kết đảm bảo an ninh.
Cho nên nếu rồi đây hai cuộc gặp không được tiến hành thì không phải do Triều Tiên và nếu hai sự kiện ấy thất bại thì Mỹ và đồng minh cũng phải dè chừng Trung Quốc trước khi làm gì đó mới với Triều Tiên.
Bình Nhưỡng phân rẽ Trung Quốc với Mỹ và Hàn Quốc như thế nào thì Bắc Kinh cũng tìm cách như vậy để có được vai trò cùng quyết định mọi chuyện chính trị an ninh liên quan đến Triều Tiên và khu vực.
Điều này không có gì là khó hiểu bởi Triều Tiên là một trong những con chủ bài chiến lược đắc dụng của Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ và với các nước khác ở khu vực; bởi Trung Quốc bị ảnh hưởng, bị tác động trực tiếp bởi mọi chiều hướng biến động của các mối quan hệ giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Lãnh đạo Triều Tiên và đại diện Hàn Quốc dự tiệc tối
Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc
Lợi ích chiến lược của Trung Quốc là không để cho Mỹ-Hàn-Triều tự giải quyết những vấn đề chính trị an ninh ấy với nhau mà không có sự tham gia của Bắc Kinh.
Không phải vì xã giao thuần tuý và cũng chẳng phải vì để tranh thủ Mỹ và Hàn Quốc mà Trung Quốc đã thông báo trước cho hai đối tác này biết trước về chuyến thăm của ông Kim Jong-un.
Trung Quốc muốn khẳng định tầm ảnh hưởng đối với Triều Tiên và yêu cầu có mặt trong cuộc chơi tới.
Nhìn nhận như thế sẽ thấy chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un với diễn biến và kết quả như đã được hai bên chính thức công bố - cho dù không hoàn toàn giống nhau - là thành công ngoại giao của cả hai bên, đặc biệt đối với Triều Tiên.
Hai láng giềng này đã trở lại cùng thuyền cho dù chưa hẳn hoàn toàn cùng hội. Có thể rút ra từ đó ba nhận thức quan trọng cho thời gian tới ở khu vực này và liên quan đến khu vực này.
Thứ nhất, càng ngày càng có thêm nhiều động thái giúp cho và cho thấy cuộc thượng đỉnh liên Triều thứ ba và cuộc thượng đỉnh đầu tiên giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ diễn ra. Tất cả các bên liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đều tỏ ra kiên định chủ ý thực hiện và tham gia thực hiện hai sự kiện trọng đại ấy.
Thứ hai, sự can dự trở lại của Trung Quốc sẽ làm cho Mỹ và Hàn Quốc nhận ra rằng Trung Quốc có ảnh hưởng rất quyết định đối với Triều Tiên và vì thế nên lôi kéo Trung Quốc vào cuộc ngay từ đầu.
Hai nước này sẽ dùng Trung Quốc làm sự đảm bảo cho những cam kết của Triều Tiên và cho việc Triều Tiên tới đây thực hiện những gì đã thoả thuận với họ.
Thứ ba, sau hai cuộc gặp cấp cao song phương nói trên sẽ có thêm những cuộc gặp cấp cao khác nữa giữa Triều Tiên và các đối tác khác cũng như cấp cao đa phương với Triều Tiên.
Ông Moon Jae-in đã gợi ý có cuộc gặp cấp cao ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Báo chí Nhật Bản đã tung tin thủ tướng nước này Shinzo Abe đang thăm dò khả năng gặp ông Kim Jong-un và tiến hành đăng cai tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga với Triều Tiên.
Cũng rất có thể khuôn khổ diễn đàn đối thoại 6 bên ở Bắc Kinh sẽ trở lại.
Những ngày tháng tới xem ra không chỉ rất sôi động ở khu vực mà còn rất quyết định đối với tương lai của nó.
*Tiêu đề do tòa soạn đặt lại