Vượng Râu tự nhận anh không phải nghệ sĩ, cũng không hề quan tâm tới các danh hiệu nghệ sĩ, anh chỉ là 1 "công nhân nghệ thuật" với mục đích duy nhất: Làm hài lòng khán giả.
Về tiêu chí phục vụ khán giả, Vượng Râu cho rằng, các nghệ sĩ hài phía Nam "được lòng" khán giả hơn hẳn so với các nghệ sĩ miền Bắc là điều rất dễ hiểu.
Vừa là diễn viên, vừa đảm nhiệm vai trò người sản xuất và đạo diễn, anh nghĩ sao về nhận xét hài Nam là "chiếu dưới" còn hài Bắc "chiếu trên"?
Ai mà nhận xét như vậy là sai hoàn toàn. Tôi thấy, phong cách hài của mỗi miền đều có cái hay, nhưng tôi đánh giá cao hài miền Nam hơn.
Rõ ràng hài miền Nam có nhiều tiểu phẩm hay hơn, nhiều nghệ sĩ năng động hơn, nhiều người phục vụ khán giả tốt hơn. Còn hài miền Bắc đại đa số là những nghệ sĩ khó có thể bán vé phục vụ khán giả được.
Vượng râu: "Tôi đánh giá cao hài miền Nam hơn".
Nói về chuyện bán vé, MC Thành Trung mới có nhận xét gây tranh cãi rằng: "Thực sự bất ngờ khi trời mưa mà khán giả vẫn đến rất đông để ủng hộ các nghệ sĩ. Trong khi ở ngoài Bắc, mọi người xem hài ở Nhà hát, có máy lạnh nhưng khán giả chỉ có 3 hàng". Anh nghĩ sao?
Khi bị khán giả thờ ơ, người nghệ sĩ và đơn vị sản xuất phải xem lại chính mình. Anh đưa cho khán giả 1 chương trình không có chất lượng, không đảm bảo nội dung nghệ thuật, nghệ sĩ cũng chẳng biết tôi luyện chính mình thì làm sao có thể thu hút được công chúng!
Điều quan trọng nhất làm nên sự thành công của 1 chương trình hài không phải là chuyện hài Nam hay hài Bắc mà do trình độ của người nghệ sĩ.
Nhiều nghệ sĩ hài miền Bắc diễn như 1 cái máy chỉ biết thoại và diễn theo tư duy của đạo diễn, họ vô cùng thụ động với lối diễn như cách đây cả trăm năm rồi.
"Rất nhiều nghệ sĩ miền Bắc diễn thụ động".
Hài miền Bắc, 10 người diễn thì 9 người cố tình chọc cười khán giả bằng những thứ bề ngoài: Đầu tóc bù xù, quần áo xộc xệch, mặt mũi méo xẹo… Diễn hài đâu phải chỉ có thế, nó phải là hài hước từ cách nhả đài từ, hài từ phong thái của người diễn chứ!
Thậm chí, nhiều nghệ sĩ diễn nhưng không hề biết phản ứng của khán giả như thế nào. Thế thì làm sao khán giả có thể thích thú mà đi xem được.
Nhưng trong Nam thì khác, nghệ sĩ vô cùng nhanh nhạy, họ vừa diễn vừa nhìn thái độ của khán giả. Thấy khán giả không hài lòng, họ lập tức đổi tuồng.
Hài là 1 loại hình nghệ thuật giải trí, phải đánh giá bằng hiệu quả sân khấu chứ không phải bằng vài ba nhận xét hay giải thưởng phiến diện.
Có phải vì thế mà anh không đầu quân cho nhà hát nào?
Chính xác! Tôi thấy nếu về nhà hát nào đó, tôi chẳng khác nào 1 cái máy: Cơm ăn 3 bữa, suốt ngày tập, tập và tập để cho 1 ông đạo diễn nào đó thể nghiệm.
Tập tháng này qua tháng khác để ông đạo diễn có những vở diễn chỉ để phục vụ cho việc đem đi công diễn 1 buổi rồi xếp xó, không thể chiếu cho khán giả xem được.
Vượng râu khẳng định, khi bị khán giả thờ ơ, nghệ sĩ hãy xem lại chính mình.
Tôi có sĩ diện cao lắm, nên tôi không thể làm thế được. Tôi đi diễn là để phục vụ khán giả, nếu khán giả chê là tôi bỏ nghề ngay chứ không thể tiếp tục đi diễn ăn lương được.
Anh là nghệ sĩ hài miền Bắc, anh không ngại những nhận xét này sẽ "đụng chạm" sao?
Tôi không ngại, vì tôi đang nói thẳng và nói thật. Mục đích cao nhất của 1 tiết mục, của 1 người nghệ sĩ hay của cả 1 chương trình phải là sự hài lòng của khán giả.
Mà muốn khán giả hài lòng, anh phải hết lòng phục vụ họ chứ không phải phục vụ cái tôi của mình.
Những lời mắng mỏ, đắng đót sẽ khiến chúng ta đau nhưng phải như thế mới biết mình hay dở ở chỗ nào để mà sửa đổi, mà tiến bộ.
Thực trạng khán giả quay lưng với các nhà hát là có. Nó cho thấy chúng ta đã ngủ quên quá lâu rồi, đã đến lúc phải thức dậy, phải có nhận định đúng đắn về bản thân mình và về cách mà mình phục vụ khán giả.