Vừa tiếp xúc cấp cao với Nga, nước NATO sát sườn Ukraine bị "đòi" vũ khí phòng thủ

Thi Anh |

Quyết định rút hệ thống phòng không của Italy khiến Thủ tướng Slovakia lo ngại về vấn đề an ninh của đất nước.

Italy rút hệ thống phòng không khỏi Slovakia

Italy dự định rút hệ thống phòng không của mình khỏi Slovakia, RBC (Ukraine) dẫn lời Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết. Hồi năm ngoái, Italy đã tạm thời chuyển giao hệ thống này cho Slovakia trong vòng 1 năm để thay thế hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.

Nhà lãnh đạo Slovakia cho hay, ông đã nhận được thông tin từ chính phủ Italy về việc rút hệ thống phòng không khỏi Slovakia vì họ cần nó ở nơi khác. Động thái này khiến ông Fico đặt ra câu hỏi: Ai sẽ bảo vệ các nhà máy điện hạt nhân và các mục tiêu chiến lược khác ở Slovakia?

"Ban đầu, chính phủ trước đã viện trợ cho Ukraine một hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga. Sau đó, chúng tôi có hệ thống Patriot của Mỹ ở đây một thời gian, nhưng họ đã rời đi và giờ người Italy cũng sẽ rời đi", ông Fico nói.

Theo trang tin Aktuality.sk (Slovakia), hiện nay 145 binh lính Italy cùng hệ thống phòng không SAMP/T Mamba đang hoạt động tại căn cứ quân sự Malacky-Kuchyna như một phần trong nhóm hiện diện tiền phương của NATO ở Slovakia.

Hệ thống tên lửa đất đối không SAMP/T của quân đội Italy được triển khai tới Slovakia hồi tháng 3/2023 và được NATO coi là động thái nhằm tăng khả năng tương tác và phòng vệ tập thể của khối ở thời điểm đó.

Cuộc gặp cấp cao hiếm hoi

Thông tin này được ông Fico công bố ngay sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Juraj Blanar tiến hành cuộc thảo luận với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề một diễn đàn ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sự kiện này được Reuters nhận định là cuộc gặp cấp cao hiếm hoi giữa một quốc gia thành viên của Liên minh Châu Âu và một quốc gia mà EU tìm cách cô lập.

Vừa tiếp xúc cấp cao với Nga, nước NATO sát sườn Ukraine bị

Bộ trưởng Ngoại giao Slovakia Juraj Blanar gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề một diễn đàn ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters


Nhận định về cuộc gặp, Thủ tướng Fico cho rằng, đây "là một ví dụ về chính sách đối ngoại cân bằng" của Slovakia. Tuy nhiên, cuộc gặp này đã vấp phải làn sóng chỉ trích từ các đảng đối lập của nước này.

Theo ông Fico, Ngoại trưởng 2 nước Nga và Slovakia đã bàn về những khả năng mà một hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine tại Thụy Sĩ có thể mang lại.

Blanar cho biết trong một tuyên bố rằng ông đã nhắc lại lập trường của Slovakia rằng, xung đột giữa Ukraine và Nga không có giải pháp quân sự, đồng thời kêu gọi đối thoại hòa bình. Trong cuộc gặp diễn ra theo yêu cầu của Nga, nhà ngoại giao Slovakia đã nói với ông Lavrov rằng, Slovakia phản đối việc tạo ra một "bức màn sắt" giữa Nga và EU.

Sau cuộc gặp, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra thông cáo cho biết, hai bên đã thảo luận nhiều vấn đề, bao gồm Ukraine, và tuyên bố Nga "xác nhận sẵn sàng khôi phục quan hệ với Slovakia".

Lập trường của Slovakia về viện trợ quốc phòng cho Ukraine

Trước đây, Thủ tướng Robert Fico tuyên bố rằng, Bratislava sẽ không hỗ trợ việc cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine. 

Sau đó, Slovakia đã đưa ra một lý do để từ chối cung cấp viện trợ quốc phòng cho Ukraine: Bratislava được cho là không thể tham gia hỗ trợ bởi nước này cần phải duy trì năng lực quốc phòng của mình.

Ngày 8/11/2023, chính phủ Slovakia (lúc đó mới nhậm chức) đã từ chối cung cấp cho Ukraine gói viện trợ quân sự thứ 14 trị giá 40,3 triệu euro dù gói viện trợ này đã được Bộ Quốc phòng của chính phủ tiền nhiệm phê duyệt.

Chính phủ của ông Fico tuyên bố rằng, Ukraine đã nhận được 13 gói viện trợ trị giá tổng cộng 671 triệu euro. Ngoài viện trợ quân sự, chính phủ tiền nhiệm còn đưa ra viện trợ nhân đạo gồm vật tư y tế và nhiên liệu.

Hồi tháng 1, Chủ tịch Quốc hội Slovakia Peter Pellegrini tuyên bố rằng, đất nước sẽ tiếp tục thực hiện các hợp đồng tư nhân trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, Slovakia sẽ không gửi viện trợ quân sự cho Ukraine từ các kho quân sự của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại