Ngày 17/6, trong cuộc gặp gỡ với phái đoàn nghị viện châu Âu, bà Thái Anh Văn - lãnh đạo Đài Loan tuyên bố, đảo này sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc đại lục, không thay đổi thành ý giao lưu kết nối nhưng "tuyệt đối sẽ không khuất phục trước áp lực [từ Bắc Kinh]".
"Trung Quốc đại lục là mối đe dọa đối với cả khu vực và toàn thế giới. Không chỉ Đài Loan mới đang đối diện vấn đề này, mà khu vực hoặc toàn bộ cộng đồng quốc tế, nếu không phải bây giờ thì trong tương lai cũng sẽ nhất định đối mặt với sức ảnh hưởng bành trướng của Đại lục", báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo dẫn lời bà Thái.
Trong bài phỏng vấn mới đây với truyền thông Pháp, nhắc tới "áp lực từ Đại lục", bà Thái cũng cho hay, "tuy cũng có lúc cảm thấy thất bại nhưng quyết không bỏ cuộc".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) gặp cựu Chủ tịch Quốc dân đảng Liên Chiến tại Trung Nam Hải. Ảnh: Tân Hoa Xã
"Lá bài cảm xúc"
Tuy nhiên, tại cuộc gặp với cựu Chủ tịch Quốc dân đảng Liên Chiến hôm 13/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại được cho là đã có những phát biểu mềm mỏng hơn về vấn đề Đài Loan.
"Chúng tôi có đủ sự tự tin và năng lực, đi đúng phương hướng, luôn kiên định thúc đẩy tiến trình phát triển hòa bình và thống nhất hòa bình của tổ quốc. Hy vọng đồng bào hai bờ cùng nỗ lực, tuân thủ Đồng thuận 1992, phản đối và ngăn chặn ''phong trào ủng hộ Đài Loan độc lập', mở rộng hợp tác giao lưu các lĩnh vực giữa hai bờ", ông Tập nói.
Các nhà quan sát quân sự ở Bắc Kinh và Đài Bắc cho biết ông Tập đang cố gắng làm dịu bớt những phát ngôn "đe dọa đến an ninh của đảo này từ Bắc Kinh" và ngăn chặn ảnh hưởng của nó tới quan hệ hai bờ eo biển, đặc biệt trong bối cảnh tàu chiến Mỹ vừa đi qua eo biển Đài Loan.
"Quan hệ giữa hai bờ đã đối mặt với nhiều thách thức kể từ đầu năm nay, đặc biệt là khi Washington gửi hai tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan ngày 7/7 khiến nhiều tiếng nói từ Đại lục kêu gọi sử dụng vũ lực để giành lại Đài Loan", Giáo sư Li Zhengguang, Viện phó Viện nghiên cứu Đài Loan, Đại học liên hợp Bắc Kinh bình luận.
"Tuy nhiên, xu hướng như vậy sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển lâu dài và ổn định của mối quan hệ eo biển. Là một nhà lãnh đạo công tác [tại Phúc Kiến] - giáp eo biển Đài Loan trong 17 năm, ông Tập muốn sử dụng 'lá bài cảm xúc' của mình để thuyết phục người dân Đài Loan rằng Bắc Kinh sẽ không sử dụng vũ lực để lấy lại hòn đảo này", ông Li nói.
Trong khi đó, ông Andrew Yang Nien-dzu, từng đứng đầu cơ quan quốc phòng Đài Loan cho rằng, ông Tập đang gửi một thông điệp tới cả Đài Bắc và Washington rằng, Bắc Kinh sẽ "bình tĩnh" trước động thái của các tàu khu trục Mỹ, cũng như sự khiêu khích khác, bao gồm việc Tổng thống Donald Trump phê chuẩn Đạo luật lữ hành Đài Loan hồi tháng 3 vừa qua.
"Chính quyền đại lục đã trở nên tinh tế hơn trong việc đối phó với Đài Bắc và Washington, bởi vì họ rất muốn giành được sự ủng hộ của người dân tại Đài Loan, bên cạnh đó Bắc Kinh vẫn chỉ trích mạnh mẽ lực lượng ủng hộ phong trào đòi Đài Loan độc lập," ông Yang nói thêm.
Joyce Huang, một nhà bình luận chính trị người Đài Loan tham dự cuộc họp hôm thứ Sáu 13/7, cho biết, ông Tập đã sử dụng cơ hội này để đưa ra "tối hậu thư" cho bà Thái Văn Anh và lực lượng ủng hộ Đài Loan độc lập.
"Ông Tập không chỉ muốn nói chuyện với ông Liên Chiến... Cuộc họp này còn nhằm gửi một thông điệp mạnh mẽ, đó là tối hậu thư cho các lực lượng độc lập của Đài Loan," bà Huang bình luận.
Bà cho biết ông Tập đã thể hiện "những cảm xúc sâu sắc" của mình về Đài Loan sau hơn 17 năm làm việc tại tỉnh Phúc Kiến, ngay bên kia eo biển Đài Loan.
"Trong cuộc họp, ông Tập chia sẻ niềm tự hào về những thành tựu của Phúc Kiến trong những thập kỷ qua nhưng ông cũng cảm thấy quan ngại khi Đài Loan đang ở tình trạng trì trệ về kinh tế", bà Huang viết.
Trong khi đó, ông Lưu Kết Nhất - Chủ nhiệm Văn phòng sự vụ Đài Loan Quốc vụ viện vẫn đưa ra cảnh cáo cứng rắn trong một bài viết trên Tân Hoa Xã sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và cựu lãnh đạo Quốc dân đảng Liên Chiến.
Ông này nói: "Chính quyền Đài Loan đang đi xa hơn và tiến theo con đường nguy hiểm. Lực lượng ly khai ủng hộ Đài Loan độc lập đi ngược lại xu hướng lịch sử sẽ chỉ đi vào ngõ cụt".