Mạng ảo, hậu quả thật
Internet và mạng xã hội ra đời đã tạo ra định nghĩa "thế giới phẳng", kết nối giữa người với người trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn bao giờ hết. Người ta dễ dàng trở nên nổi tiếng và khẳng định bản thân qua việc thể hiện quan điểm riêng hoặc phát ngôn gây chú ý. Tuy mạng xã hội được cộng đồng xem như "ảo" nhưng những phát ngôn thiếu suy nghĩ lại mang đến hậu quả "thật" và đáng suy ngẫm.
Những ngày qua, mạng xã hội dậy sóng với những những clip có nội dung nhạy cảm, gây tranh cãi liên quan đến người dân Đà Nẵng. Giữa lúc cả nước hướng về Đà Nẵng, lan tỏa thông điệp #SavedulichDaNang (giải cứu du lịch Đà Nẵng) với lời hứa sẽ trở lại thành phố Cầu Rồng sau khi hết dịch thì một nhóm các cô gái đăng tải đoạn clip mô phỏng hành động kỳ thị, xua đuổi người Đà Nẵng.
Ngay lập tức, các nhân vật xuất hiện trong đoạn phim, đặc biệt là cô gái vào vai "chủ tịch" bị cộng đồng mạng chỉ trích gay gắt. .
Đoạn clip gây bão của cô gái với tài khoản tiktok có tên Thúy Kami
Không lâu sau đó, nữ doanh nhân Thúy Kami – nhân vật chính trong clip đã đăng tải lời xin lỗi trên trang cá nhân và cho biết cô rất hối hận về những hành động thiếu suy nghĩ của mình.
Mới đây, cô xuất hiện trên một đoạn phóng sự với tư cách là một cá nhân từng phạm sai lầm, dũng cảm đứng ra nhận lỗi và tự nêu gương để cảnh tỉnh mọi người hãy cẩn trọng với lời nói và động thái trên mạng xã hội. Đừng để đến khi sự việc vượt quá tầm kiểm soát, gây ra những hậu quả nặng nề mới hối hận thì đã muộn.
Việc chúng ta cần làm bây giờ…
Trong thời gian tâm lý bị ảnh hưởng bởi các thông tin về tình hình dịch bệnh, cộng đồng sẽ cảm thấy thoải mái và thư giãn hơn với những thông tin tích cực, vui vẻ.
Những tin tức này tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng, giúp họ mạnh mẽ và vững vàng hơn trước tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp. Lo sợ và cảm xúc tiêu cực không giúp được gì cho chúng ta mà chỉ khiến tinh thần tồi tệ hơn.
Lời xin lỗi đăng tải trên trang cá nhân của Thúy Kami
Thông tin tích cực sẽ tạo ra tác động thực tiễn, thúc đẩy hành động trong khi thông tin tiêu cực chỉ làm suy giảm sức chú ý của con người. Trong khi nước nhà đang đứng trước rất nhiều vấn đề cần giải quyết, từ cứu doanh nghiệp, cứu du lịch, phòng dịch, giữ công ăn việc làm, cân đối chi tiêu và đầu tư... thì lại có những người mải mê đắm chìm trong những tin tức giả mạo và "ném đá" quyết liệt khi nhận ra đó là tin giả.
Tương tự, nhiều người chăm chăm chửi bới, soi mói cô gái đăng tải clip kỳ thị Đà Nẵng dù chính chủ đã lên tiếng xin lỗi và chịu trách nhiệm hành chính với cơ quan nhà nước theo đúng pháp luật. Thậm chí, nhiều tin nhắn và bình luận xúc phạm đến gia đình, nhục mạ đến nhân phẩm, tẩy chay công việc kinh doanh, đe dọa đến tính mạng liên tiếp được gửi đến Thúy Kami.
Trong tâm lý học, việc trút giận lên một ai đó sẽ khiến con người áp chế lo âu và nỗi sợ của bản thân. Nhưng liệu "liều thuốc" tạm thời này sẽ có tác dụng đến khi nào? Đánh kẻ chạy đi đã đành, nhưng đánh cả kẻ chạy lại, dùng những lời lẽ miệt thị, xúc phạm và tàn ác để công kích người khác liệu có đem lại một cái kết như mong muốn?
Đừng dùng cái sai này để sửa chữa một cái sai khác! Thiết nghĩ, việc lên án, góp ý một hành vi sai trái là cần thiết, nhưng cần sự văn minh, có lý có tình chứ không phải nấp sau bàn phím để dìm một người xuống tận cùng.
Chúng ta gõ ra một bình luận chửi bới chỉ mất vài giây, nhưng tổn thương mà nó gây ra cho người khác có thể phải mất rất lâu để chữa lành. Giữa lúc Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung đang gấp rút trong công tác phòng dịch thì sự động viên, cổ vũ, giúp đỡ lẫn nhau mới là điều cần làm lúc này.
Hy vọng rằng, Thúy Kami đã có một bài học sâu sắc để đời sau vụ việc này, các bạn trẻ lấy đó làm gương để không lặp lại những sai lầm tương tự.