Ngày 28/11 vừa qua, Tân Hoa Xã đưa tin, nguyên Ủy viên Quân ủy trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, nguyên Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy trung ương, Thượng tướng Trương Dương đã sợ tội treo cổ tự sát tại nhà riêng vào ngày 23/11 trong quá trình tiếp nhận điều tra do cáo buộc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
Tờ Diplomat (Nhật Bản) cho rằng, những vụ tự sát của các quan chức cấp cao hiếm khi xảy ra trên chính trường Trung Quốc sau thời Mao Trạch Đông đến nay và khẳng định, cái chết của Trương Dương là lời cảnh cáo trong quân đội rằng chiến dịch chống tham nhũng của Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.
Trương Dương từng là Ủy viên Quân ủy trung ương - cơ quan quyền lực điều kiển mọi hoạt động của quân đội Trung Quốc và với tư cách là người đứng đầu Bộ Công tác Chính trị Quân ủy trung ương, ông này chịu trách nhiệm đảm bảo độ tin cậy chính trị của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA thông qua hình thức tuyên truyền và giáo dục ý thức hệ.
Sau khi thông tin Trương Dương tự sát được thông báo công khai, báo Giải phóng quân đã chỉ trích đây là hành vi hèn hạ nhằm trốn tránh sự trừng trị của pháp luật. Trương Dương đang trong quá trình tiếp nhận điều tra những liên quan tới vụ án tham nhũng của hai cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu trước khi qua đời.
Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu là hai tướng lĩnh quân đội cấp cao bị "ngã ngựa" trong chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập khởi xướng.
Bên cạnh việc xử lý các tướng lĩnh vi phạm kỷ luật, ông Tập đã củng cố quyền lực bằng cách đẩy mạnh thế hệ lãnh đạo mới. Ông Tập thông qua chiến dịch chống tham nhũng để thúc đẩy hiện đại hóa quân sự Trung Quốc, khiến các tướng lĩnh từ bỏ tham nhũng mang tính cục bộ, nâng cao trình độ chuyên môn hóa, thay thế tướng lĩnh cao tuổi bằng đội ngũ sĩ quan trẻ, ủng hộ cải cách.
Chỉ trong năm 2017, các tướng lĩnh đứng đầu của hầu hết các tổ chức thuộc PLA đã được điều chỉnh như vị trí Tổng tham mưu trưởng quân đội (hiện nay là Thượng tướng Lý Tác Thành), Tư lệnh Không quân (Trung tướng Đinh Lai Hàng), Tư lệnh lục quân (Thượng tướng Hàn Vệ Quốc).
Bên cạnh đó, ba trong số năm đại chiến khu cũng được bổ nhiệm lãnh đạo mới. Hơn nữa, đoàn đại biểu PLA tham dự Đại hội Đảng lần thứ 19 có đến hơn nửa là những thành viên mới.
Ngoài việc kiểm soát nhân sự, ông Tập còn củng cố vị trí trong PLA nhằm giành quyền lực tuyệt đối. Hiện nay, trong PLA, ông Tập đang giữ chức Chủ tịch Quân ủy trung ương ĐCSTQ, Chủ tịch Quân ủy trung ương nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Ông trở thành Tổng Chỉ huy liên hợp quân ủy - tương đương với vị trí "tổng tư lệnh" của quân đội phương Tây hồi tháng 4/2016, với chức danh này ông Tập đang nắm hai trọng quyền: Chỉ huy và tư lệnh trong quân đội Trung Quốc.
Thời gian gần đây, ông được báo đảng Trung Quốc Nhân dân nhật báo và Tân Hoa Xã nhắc đến nhiều lần với chức danh "chỉ huy tối cao" - danh xưng đặc biệt sau 2 thập kỷ từ thời Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình. Ngoài ra, các binh sĩ tại căn cứ Chu Nhật Hòa hay lực lượng PLA ở Hồng Kông chào ông là "Chỉ huy tối cao" và "Chủ tịch" thay vì "Thủ trưởng".
Theo Diplomat, những điều này khác với cách điều hành của hai cựu Chủ tịch quân ủy Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân khi cả hai được cho đã chia sẻ quyền lực với hai Phó Chủ tịch và không tham gia vào các công việc hàng ngày của PLA.
Một biện pháp khác giúp ông Tập củng cố quyền lực là thu nhỏ bộ máy Quân ủy trung ương Trung Quốc khóa mới với tất cả 7 thành viên thay vì cơ cấu 11 thành viên trước đây, đây là bộ máy lãnh đạo quy mô nhỏ nhất trong suốt lịch sử của PLA.