Vụ trưởng Quang thừa nhận trình bày chưa chuẩn vụ công dân bắt buộc hiến máu 1 năm/lần

Hoàng Đan |

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang đã có những giải thích xung quanh việc đưa ra phương án đề xuất hiến máu bắt buộc vào tờ trình dự thảo luật máu và tế bào gốc.

Chiều 9/1, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã có những trao đổi với báo chí xung quanh thông tin bắt buộc người dân hiến máu trong báo cáo đánh giá dự án Luật máu và tế bào gốc.

Ông Nguyễn Huy Quang thừa nhận, cách trình bày của ban soạn thảo trong báo cáo đánh giá tác động  chưa được chuẩn. Ông Quang khẳng định, cơ quan soạn thảo của Bộ Y tế trong dự thảo Luật này chưa đề cập đến việc bắt buộc công dân hiến máu 1 năm/lần mà chủ yếu vẫn là giải pháp trên cơ sở hiến máu tự nguyện từ các phong trào, vận động tháng mùa hè...

Cụ thể, theo ông Quang, lẽ ra, giải pháp hiến máu tự nguyện nên để ở giải pháp 1 còn hiến máu bắt buộc để ở giải pháp 2. 

Sau khi đưa ra các lập luận, chứng minh, Bộ Y tế chọn giải pháp 1 là hiến máu tự nguyện, bác bỏ giải pháp 2 là bắt buộc hiến máu thì ở đây lại ngược lại.

"Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc về việc này", ông Quang nêu rõ.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng lý giải, việc xây dựng luật phải dựa trên bằng chứng khoa học pháp lý, có tính thuyết phục cao và rộng đường ý kiến dư luận.

"Ở đây, trong luật đề nghị phải có hiến máu tự nguyện nhưng nếu hiến máu tự nguyện mà không đáp ứng được nhu cầu thì lúc đó cần phải bắt buộc.

Do đó, mình đưa ra phương án giả định là bắt buộc người dân hiến máu 1 lần/ năm để rộng đường cho dư luận cùng bàn thảo.

Sau đó, tham khảo các quy định của Hiến pháp, pháp luật và tham khảo pháp luật quốc tế cho thấy, toàn bộ các quốc gia có ban hành Luật về máu thì không có quốc gia nào quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân, kể cả Trung Quốc là một nước dân đông, có quy định chặt chẽ.

Bên cạnh đó, việc sử dụng giải pháp bắt buộc cũng làm tăng chi phí của xã hội lên gấp đôi cho với việc sử dụng giải pháp tự nguyện.

Từ những phân tích đó để chứng minh rằng việc hiến máu tình nguyện là giải pháp tối ưu, tốt nhất cả về quyền con người, về kinh tế và bác bỏ luận điểm cho rằng cần bắt buộc người dân hiến máu", ông Quang nêu rõ.

Ông Quang cũng thông tin thêm, khi soạn thảo, những nhà làm luật đã nghiên cứu rất rõ những tác động về mọi mặt trong trường hợp áp dụng hai phương án trên.

Ví dụ như việc áp dụng phương án bắt buộc người dân hiến máu 1 lần/năm, thì mỗi năm nước ta có khoảng 46 triệu người hiến máu, như vậy lượng máu sẽ đủ cho nhu cầu chữa bệnh, thậm chí là dư thừa (lãng phí) và chi phí thực hiện phương án này là 4.160 tỷ đồng.

Còn nếu chọn phương án như đang thực hiện hiện nay đó là hiến máu tình nguyện thì mỗi năm có khoảng 18 triệu người hiến máu và chi phí thực hiện phương án này là khoảng 2000 tỷ.

Với số lượng người hiến máu này, chúng ta đã đáp ứng đủ nhu cầu hiến máu ở tuyến trung ương, tuyến tỉnh và chỉ thiếu ở một tuyến huyện hoặc vùng sâu vùng sa (khoảng 20%).

Trong trường hợp đó, đã có những phương án điều trị và giải pháp thực hiện đó là thành lập ngân hàng máu sống ở những nơi khó khăn như biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại