Giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 11 năm nay, dư luận Trung Quốc liên tục dấy lên tin đồn Trương Dương "ngã ngựa", đặc biệt sau khi ông này thôi giữ chức Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Theo Báo Giải phóng quân (Trung Quốc), Trương Dương đã không tham gia một hội nghị tổ chức do Ban Tuyên giáo kết hợp với Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương và Trung ương Đoàn tại Đại lễ đường Nhân dân ngày 7/9 vừa qua.
Đồng thời, trong danh sách Đại biểu Đại hội toàn quốc lần thứ 19 đảng Cộng sản Trung Quốc do Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc công bố ngày 6/9 cũng không có tên của Trương.
Từ chiến sĩ bình thường tới Ủy viên Quân ủy trung ương
Ông Trương Dương (trái) và Phòng Phong Huy (phải) trong một hội nghị hồi tháng 3/2017 tại Đại lễ đường Nhân dân Bắc Kinh. Ảnh: AP
Theo hồ sơ công khai, Trương Dương sinh năm 1951, người Hà Bắc, Trung Quốc, tốt nghiệp chuyên ngành Quản lý Hành chính Trường đảng Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc thuộc Đại học Quốc phòng.
Trương Dương gia nhập quân đội năm 1968 và vào đảng tháng 5/1969. Trong quân ngũ, ông này chủ yếu phụ trách các công việc liên quan đến công tác chính trị như đội trưởng, cán bộ kỹ thuật, chủ nhiệm chính trị ban ngành... đến Ủy viên Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương.
Năm 2000, Trương Dương nhậm chức Chủ nhiệm Bộ Chính trị Quân đoàn 42 Binh chủng Lục quân, hai năm sau lại trở thành Chính ủy của quân đoàn này. Tháng 12/2004, Trương Dương khi này 53 tuổi tiếp tục được thăng chức, trở thành Chủ nhiệm Bộ Chính trị Quân khu Quảng Châu, tức Phó Tư lệnh đại quân khu.
Ngoài ra, ông này có thời gian làm việc với nguyên Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Liên hợp Quân ủy Phòng Phong Huy trong ba năm khi hai người cùng công tác tại Quảng Châu.
Trước đây, Trương Dương từng nhận được đánh giá cao về thành tích trên các cương vị công tác. Theo tờ Nhân vật Hoàn cầu, ông này đã thực hiện tiến hành cải cách, tái cơ cấu đưa sư đoàn bộ binh cơ giới nhẹ thành sư đoàn bộ binh cơ giới nặng bằng cách đào tạo nhân lực với khẩu hiệu nổi tiếng khi đó là "thà để nhân tài đợi trang thiết bị chứ không thể để trang thiết bị đợi nhân tài".
Năm 2008, khi Quảng Châu gặp hiện tượng thời tiết băng giá, Trương đã đích thân tới hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ. Sau này, Trương cũng hoàn thành các nhiệm vụ khác như hỗ trợ cứu trợ động đất Tứ Xuyên, tham gia tập trận chung chống khủng bố Trung Quốc - Thái Lan.
Thăng Thượng tướng ở "độ tuổi trẻ"
Tháng 7/2010, nhóm tướng lĩnh 11 người, trong đó có Trương Dương, Phòng Phong Huy được thăng hàm Thượng tướng tại Lầu Bát Nhất, Bắc Kinh. Đây là sự kiện có số tướng lĩnh được thăng hàm Thượng tướng nhiều nhất từ tháng 9/2004 đến nay tại Trung Quốc.
Khi đó, Trương Dương, Phòng Phong Huy mới 58 tuổi, trong khi các tướng lĩnh khác trong đợt thăng hàm cùng ông này đều đã ngoài 60 tuổi. Kể từ năm này, hiện tượng các quân nhân sinh vào những năm 50 được thăng hàm Thượng tướng không còn thông lệ hiếm hoi.
Tại Trung Quốc thời điểm này, giới phân tích từng nhận định, khác với các quan chức cấp tỉnh bộ sinh vào những năm 50 dần đến tuổi về hưu thì các Thượng tướng sinh năm 50 trong quân đội được xếp vào "đội ngũ trẻ tuổi", bởi để được thăng hàm Thượng tướng, các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc cần trải qua thời gian dài phấn đấu.
Tờ Nhân vật Hoàn cầu cho biết, theo hệ thống cấp bậc trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc PLA, từ Thiếu úy tới Đại tá gồm 7 cấp với 6 lần thăng cấp, do thời hạn thăng cấp tối thiểu 4 năm nên để từ Thiếu úy lên Đại tá, một quân nhân Trung Quốc cần 24 năm, (không tính những trường hợp thăng cấp đặc biệt).
Từ Đại tá lên Thiếu tướng sẽ không bị hạn chế về thời gian và được quyết định dựa trên tình hình công tác thực tế. Thời hạn thăng hàm từ Thiếu tướng lên tới Thượng tướng càng khó xác định mà sẽ được đưa ra dựa vào thời gian công tác tương ứng, thông thường cần từ 10-15 năm nhưng cũng có thể nhanh hoặc lâu hơn.
Tháng 10/2012, Bốn Tổng bộ của PLA đồng loạt thay tướng. Lúc này, Trương Dương được bổ nhiệm vị trí Chủ nhiệm Bộ Tổng Chính trị. Sau đó, ông này trúng cử Ủy viên Quân ủy Trung ương, vị trí cấp cao trong PLA.
"Thăng tiến" sau lần xem kịch cùng Từ Tài Hậu
Ông Từ Tài Hậu (trước), Trương Dương (sau) bắt tay diễn viên đoàn kịch nói hồi tháng 10/2012.
Theo Kênh truyền hình quốc phòng Trung Quốc CCTV7 ngày 21/10/2012 đưa tin, tối 20/10, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương bấy giờ là Từ Tài Hậu đã tới xem vở kịch nói do Học viện Chính trị Nam Kinh và Đoàn Kịch nói Bộ Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương biểu diễn.
Bản tin phát sóng cho thấy, sau khi kết thúc vở diễn, Chính ủy Quân khu Quảng Châu Trương Dương theo sát Từ Tài Hậu để bắt tay với dàn diễn viên đoàn kịch nói đồng thời hai ông đã tham gia buổi tọa đàm sau đó.
Bốn ngày sau tức 25/10, theo cơ sở dữ liệu mới cập nhật của website Bộ Quốc phòng, Trương Dương được bổ nhiệm vị trí Chủ nhiệm Bộ Tổng Chính trị.
Tháng 1/2016, khi quân đội Trung Quốc tiến hành tái cơ cấu, 4 tổng bộ chia thành 15 cơ quan đơn vị chức năng, Trương Dương nhậm chức Chủ nhiệm Bộ Công tác Chính trị Quân ủy nên ông này được coi là Chủ nhiệm cuối cùng của Bộ Tổng Chính trị nhưng là Chủ nhiệm đầu tiên của Bộ Công tác Chính trị Quân ủy.
Đặc biệt, sau khi Từ Tài Hậu "ngã ngựa", Trương Dương liên tiếp đưa ra những chỉ trích mạnh mẽ đối với Từ.
Tháng 8/2016, tại hội nghị của tiểu tổ lãnh đạo công đoàn do Trương làm tổ trưởng, ông này đã dành phần lớn nội dung bài phát biểu để chỉ trích vấn đề của Từ Tài Hậu, điều này hiếm khi xảy ra trong các cuộc họp trước đây của quân đội hay đảng, chính phủ Trung Quốc.
Theo truyền thông Trung Quốc, trên thực tế trong 3 tháng từ tháng 1-3/2015, Trương Dương đã ít nhất 6 lần công khai yêu cầu thanh lọc triệt để ảnh hưởng của Từ Tài Hậu.
Lần cuối cùng Trương Dương xuất hiện trước truyền thông là ngày 7/8/2017 trong lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Khu tự trị Nội Mông. Tuy nhiên, 20 ngày sau sự kiện này, Trương Dương chính thức tiếp nhận "buổi nói chuyện" của quân ủy và ba tháng sau thì sợ tội tự sát.
Chiều 28/11, ngay sau khi thông tin Trương Dương sợ tội tự sát được công bố, phóng viên Báo Tân Kinh (Trung Quốc) đã về quê nhà của ông này ở huyện Vũ Cường, Hà Bắc phóng vấn người dân trong huyện. Tuy nhiên, đa phần những người được phỏng vấn đều cảm thấy bất ngờ và ngạc nhiên trước vụ việc của Trương.
Theo lời kể, gia đình Trương đã sớm rời khỏi quê sau khi ông này gia nhập quân đội, sau này gia đình ông cũng rất ít về thăm quê.
"Hầu hết mọi người đều biết đến vị tướng này nhưng những người gặp trực tiếp ông ấy thì không nhiều mà chỉ nhìn thấy trên truyền hình", Bí thư thôn Trương Thiết Lộc cho biết.