Vụ đền 5 tỉ ở Cà Mau: ‘Ở nhà thuê, tiền đâu mà đền?’

CHÍ HẠO - GIA TUỆ |

Ngoài việc than không có tiền bồi thường vì thực hiện sai công vụ, các cán bộ liên quan còn cho là thanh tra đã ngắt khúc.

Lần đầu tiên Cà Mau có một kết luận thanh tra buộc những cán bộ thực thi công vụ sai phải móc tiền túi ra đền đến hơn 5,5 tỉ đồng, trong đó có người phải gánh đến 1,4 tỉ đồng.

Đó chỉ là con số dự kiến vì nếu người dân không đồng tình, đòi tính đất theo thời giá, số tiền còn có thể cao hơn.

Nhiều lãnh đạo Sở TN&MT, từng là lãnh đạo TP Cà Mau… nói gì về kết luận này?

Cấp sổ đỏ cho phần đất đã bồi thường

Như chúng tôi đã thông tin, đầu tháng 11-2018, Thanh tra tỉnh Cà Mau công bố kết luận thanh tra việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân thuộc năm tuyến đường trong TP Cà Mau thời kỳ 2014-2016.

Theo kết luận, có 134 hồ sơ sai phạm nhưng qua xem xét, thanh tra chấp nhận cho tồn tại 30 sổ đỏ, chỉ thu thêm tiền sử dụng đất của dân do trước đây thu chưa đúng, chưa đủ. Còn lại 104 hồ sơ thuộc hai đường Hải Thượng Lãn Ông và đường Quản lộ - Phụng Hiệp, thanh tra đề nghị thu sổ đỏ để thu hồi phần đất công trước nhà dân đã giao sai, cấp lại sổ khác cho dân.

Về việc thu hồi số đất đã cấp sai, thanh tra ghi: “Trường hợp dân không chấp nhận theo giá đất tại thời điểm đã nộp tiền, mà yêu cầu hoàn trả theo giá hiện hành, khoản chênh lệch này, cá nhân sai phạm phải chịu trách nhiệm”.

Kèm theo kết luận này là danh sách 16 cá nhân phải móc tiền túi hơn 5 , 5 tỉ đồng (người ít nhất 40 triệu đồng, nhiều nhất 1,4 tỉ đồng) trả cho dân.

Theo thanh tra, khi chưa có chủ trương của tỉnh mà UBND TP Cà Mau và Sở TN&MT đã cấp cho dân trong khi các phần đất này trước đây đã bồi thường, Nhà nước quản lý.

Vụ đền 5 tỉ ở Cà Mau: ‘Ở nhà thuê, tiền đâu mà đền?’ - Ảnh 1.

Nếu thu hồi phần đất công đã giao cho dân trên tuyến Quản lộ - Phụng Hiệp, nhiều nhà dân phải đập bỏ những hàng rào kiên cố thế này. Ảnh: C.HẠO

Người trong cuộc nói gì?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong quá trình thanh tra cũng như đến khi công bố kết luận, đối tượng bị thanh tra không đồng thuận, cho rằng cuộc thanh tra này thiếu khách quan, chưa rõ ràng.

Ông Hồ Trung Việt, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau (trước đây là chủ tịch UBND TP Cà Mau), nói: “Cá nhân tôi không đồng tình với kết luận thanh tra vừa công bố. 

Bởi nếu kết luận việc làm đó của tôi là sai phạm thì cái sai phạm đó đã kéo dài từ nhiều đời chủ tịch chứ không chỉ ở thời tôi và ông Hứa Minh Hữu, Chủ tịch UBND TP Cà Mau, nhiệm kỳ kế tiếp.

Thanh tra chỉ chọn thời kỳ tôi và anh Hữu làm chủ tịch để thanh tra là không ổn về nguyên tắc khách quan, toàn diện trong thanh tra. Trước tôi và anh Hữu, có 2-3 đời chủ tịch UBND TP Cà Mau đã làm như vậy”.

Ông Việt nêu điều này vì Thanh tra tỉnh Cà Mau cũng xác định trong quá trình thanh tra có nhận được chín hồ sơ với tính chất sai phạm tương tự nhưng do nằm ngoài thời kỳ thanh tra (2014-2016) nên không đưa vào.

Trong khi trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Phước, trưởng đoàn cuộc thanh tra nói trên, cho biết: “Đây là cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của UBND tỉnh, thời kỳ thanh tra theo chỉ đạo là 2014-2016. Nếu là cuộc thanh tra bình thường theo kế hoạch, chúng tôi có quyền mở rộng phạm vi, thời kỳ…”.

Hồ sơ cho thấy ngày 9-5-2018, Phó Chủ tịch tỉnh Cà Mau, ông Lâm Văn Bi, ký công văn chỉ đạo thanh tra đột xuất theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Cà Mau về những sai phạm trong việc giao đất, cấp quyền sử dụng đất tại năm tuyến đường thời điểm 2014-2016.

Trong khi đó, ông Bi là chủ tịch UBND TP Cà Mau nhiệm kỳ liền kề trước ông Hồ Trung Việt.

Chúng tôi đã đặt câu hỏi qua điện thoại với ông Bi là “có hay không việc chỉ đạo thời kỳ thanh tra né thời kỳ ông làm chủ tịch UBND TP Cà Mau?”, ông Bi nói: “Đề nghị hỏi bên UBND tỉnh” và chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND tỉnh Cà Mau yêu cầu chúng tôi gửi câu hỏi sẽ trả lời bằng văn bản sau.

Trả lời chúng tôi về ý kiến của mình đối với kết luận thanh tra, ông Hứa Minh Hữu, nguyên Chủ tịch UBND TP Cà Mau (đã chuyển sang làm phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Cà Mau - người có tên trong danh sách phải bỏ tiền túi bồi thường đến 1,4 tỉ đồng), nói: "Tôi có đọc kết luận nhưng chưa hiểu lắm nên chưa có ý kiến".

Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Cà Mau (người mà theo danh sách phải trả 68 triệu đồng), nói: "Có danh sách vậy nhưng theo tôi thấy thì kết luận đó chưa có bắt buộc mình bồi thường số tiền như vậy. Mà phải chờ ý kiến của UBND tỉnh".

Một cán bộ khác bị đề nghị bồi thường cho dân gần 1 tỉ đồng nói: "Tôi đang còn ở nhà mướn, không có nhà để bán mà đền cho dân số tiền đó đâu!"…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại