Vụ nữ sinh dùng sách photo bị kỷ luật: "Còn cái nghĩa thầy trò, đâu chỉ có mỗi quan hệ mua bán"

MINH NHÂN |

Xung quanh vụ việc nữ sinh viên trường Đại học Luật bị kỷ luật vì dùng giáo trình photo, bác sĩ Võ Xuân Sơn (Giám đốc Bệnh viện quốc tế Exson) đã có những chia sẻ, bày tỏ quan điểm của mình: "Dù sao thì cũng còn cái nghĩa thầy trò, chứ đâu chỉ có mỗi quan hệ mua bán".

Giữa tháng 1/2017, sinh viên N.T.N.A. mang 11 cuốn tài liệu trong đó có 8 cuốn photo trái phép các giáo trình khác nhau vào trường và đã bị bảo vệ phát hiện, nhận quyết định kỉ luật đình chỉ học 1 năm.

Vụ việc này đã tạo nên nhiều luồng quan điểm trái chiều những ngày gần đây, có người đồng tình với những nội quy của nhà trường nhưng cũng có những ý kiến cho rằng chế tài xử phạt trên là quá nặng.

Ngay sau đó, hội đồng kỉ luật của trường Đại học Luật đã hủy quyết định kỷ luật dừng học một năm và giảm xuống chỉ còn mức cảnh cáo.

Trên trang facebook cá nhân, bác sĩ Võ Xuân Sơn đã bày tỏ quan điểm về vụ việc trên. Ông cho rằng: "Dù sao thì cũng còn cái tình người đi trước và người đi sau, còn cái nghĩa thầy trò, chứ đâu chỉ có mỗi quan hệ mua bán".

Vụ nữ sinh dùng sách photo bị kỷ luật: Còn cái nghĩa thầy trò, đâu chỉ có mỗi quan hệ mua bán - Ảnh 1.

Đoạn chia sẻ của bác sĩ Võ Xuân Sơn trên trang cá nhân

"Tôi đến Fujita Health University. Cái phức hợp bệnh viện, trường học với cả chục block nhà mấy chục tầng không gây ấn tượng mạnh cho tôi.

Phòng mổ với những trang thiết bị hiện đại nhất, dù có gây ấn tượng dữ dội, nhưng vẫn không bằng cái thư viện của trường.

Không thể ngờ là những bài báo mà tôi đang rất cần, và theo những trang truy cập mà hồi ấy tôi có thể tìm được, tôi phải trả cỡ hơn 50 ngàn USD, lại có ở đó. Hoàn toàn miễn phí.

Tôi miệt mài photo. Photo cũng miễn phí, chỉ mất công đứng bấm máy mà thôi. Hết giấy thì xin họ, hết mực thì báo họ thay.

2 ngày, tôi photo khoảng 1.500 trang tài liệu. Chỉ có khoảng 10 bài là không tìm thấy. Sau khi tra cứu nhân viên thư viện cho tôi biết, thư viện của Đại học Kyoto cùng một số thư viện khác của Nhật, có vài bài.

Còn lại thì trong nước Nhật không đâu có, thậm chí, có bài chỉ có ở thư viện Hoàng Gia Anh Quốc.

Xong những bài báo cần, tôi bắt đầu xem đến sách. Những quyển sách mơ ước mà khi đọc các bài trích dẫn, tôi đã mê mẩn.

Nhưng khi photo thì thư viện không cho photo toàn bộ. Photo vài bài thì được. Rất may là GS Kato ở khoa Ngoại Thần kinh can thiệp cho tôi photo tại khoa của bà, với điều kiện không được photo các trang bìa.

Hôm đó, khi tôi photo xong phần chính của cuốn sách mà tôi thích nhất, xem giờ thì đã hơn 10 giờ tối. Khi tôi dọn dẹp và đi ra, thì thấy cô thư kí vẫn ngồi chờ ở phòng ngoài. Tội nghiệp cô, chỉ vì tôi ham photo mà cô phải ở lại quá trễ.

Vụ nữ sinh dùng sách photo bị kỷ luật: Còn cái nghĩa thầy trò, đâu chỉ có mỗi quan hệ mua bán - Ảnh 2.

Đại học Luật TPHCM.

Sau này, khi đến Kyoto University, tôi mượn sách về nơi ở gần bệnh viện Marumo, và xin phép sử dụng máy photocopy của họ.

Chỉ trong 1 tuần, tôi đã photo hết hơn 4.000 trang sách, bao gồm hơn trăm trang photo màu. Giống như ở Fujita Health University, tôi phải cam kết không photo trang bìa.

Khi sang Mỹ, đến Barrow Neurosurgical Institute, tôi được đặc cách vô phòng VIP của thư viện. Tại đây, tôi tìm được những tài liệu mà ở Nhật họ bảo chỉ có trong Thư viện Hoàng Gia Anh Quốc.

Thì ra tài liệu ở khu vực VIP này không được cập nhật trên hệ thống. Ở đây, tôi lại được photo tài liệu và sách sau khi cam kết không được photo trang bìa. Và, những cuốn sách tôi photo đều có các bác sĩ của cái Institute đó tham gia viết.

Sau này, tôi không còn phải photo sách mang về, mà có tiền mua những cuốn sách dày cộp, nặng chình chịch, cầm mỏi cả tay. Khi muốn đọc bài nào, tôi lại photo phần đó ra để đọc.

Ngoại trừ một số sách tham khảo, chỉ cần đọc một mục nào trong đó khi gặp vấn đề cần thiết mà không cần đọc toàn bộ, hầu như những cuốn khác, tôi có bản photo gần đủ, chỉ thiếu trang bìa, giống như những cuốn sách mà tôi photo trước đây.

Vụ nữ sinh dùng sách photo bị kỷ luật: Còn cái nghĩa thầy trò, đâu chỉ có mỗi quan hệ mua bán - Ảnh 3.

Bác sĩ Võ Xuân Sơn.

Biết là mình may mắn hơn nhiều bạn, nên khi mua được sách, tôi vẫn thường cho các bạn mượn để photo lại.

Sau này, sách điện tử dễ lưu trữ, dễ đọc, dễ truyền cho người khác, tôi chỉ còn đọc sách in những cuốn thật chuyên biệt mà chưa có bản điện tử mà thôi.

Hôm nay, đọc được việc em sinh viên trường Luật bị đình chỉ học 1 năm vì mang sách photo vào trường, tôi không khỏi bùi ngùi nhớ lại chuyện của mình cách đây 20 năm.

Nếu các đồng nghiệp Nhật, Mỹ, nghiêm khắc với tôi, nếu những thủ thư ở các thư viện Nhật, Mỹ, khắt khe với tôi, nếu không có những bài báo photo lại, những cuốn sách photo chỉ thiếu bìa, liệu tôi có được ngày hôm nay? Và bao nhiêu bệnh nhân phải chịu thiệt thòi vì việc ấy?

Để viết được cuốn sách, nếu thực sự các thầy nghiêm túc, công sức phải bỏ ra rất nhiều. Việc photo mà không mua sách làm cho sách các thầy in ra không bán được, làm thất thu. Tuy nhiên, chúng ta còn khá nhiều sinh viên nghèo.

Nếu có cách gì giúp cho các em có thể có sách với mức phí vừa phải, điều đó có phải là sẽ tốt hơn không?

Nếu nhà trường có một thư viện, mà các em sinh viên nghèo có thể đến đó mượn sách học tại chỗ, thì điều đó tốt hơn biết chừng nào. Biết rằng sách các thầy viết ra chỉ bán cho sinh viên trong trường, nhưng các thầy hoàn toàn có thể chịu thất thu một chút, để duy trì cái tình thầy trò.

Dù sao thì cũng còn cái tình người đi trước và người đi sau, còn cái nghĩa thầy trò, chứ đâu chỉ có mỗi quan hệ mua bán".

Lời chia sẻ từ bác sĩ Xuân Sơn đã nhận được rất nhiều quan tâm từ cộng đồng mạng, một vài người dùng mạng đồng tình với quan điểm nên cho thuê giáo trình hoặc những cách khác đảm bảo được quyền lợi học tập của các em sinh viên cũng như quyền lợi của các nhà viết sách.

Bên cạnh đó nhiều người vẫn cho rằng nếu nhà trường đã có quy định không được mang bản photo giáo trình vào trường thì các em phải tuân thủ nghiêm chỉnh chứ không nên hành động như thế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại