Sau 29 tháng nằm viện với 24 ca mổ, cộng với sự góp sức của các Giáo sư, bác sỹ giỏi nhất của Viện Bỏng Quốc gia, các viện ở trong, ngoài nước, đến nay, Thượng úy Đinh Văn Dương, người sống sót duy nhất sau vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc năm 2014 đã được xuất viện.
Và trong những ngày cuối cùng của năm 2016, Thượng úy Dương đã cùng mẹ, một số người thân lên lại khu vực máy bay rơi tại cánh đồng thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội thắp hương cho 20 đồng đội đã hy sinh tại đây.
Do cơ thể không còn lành lặn, không thể trực tiếp thắp hương nên anh Dương chỉ có thể ngồi trên xe lăn, dõi mắt nhìn từng khuôn mặt trong khung ảnh của 20 đồng đội đang được phụng thờ ở đây.
Ảnh: Nam Trần.
Ngay khi biết anh Dương đến, khá đông người dân đã có mặt để cùng gặp, động viên người chiến sỹ may mắn sống sót duy nhất sau vụ tai nạn đáng tiếc này.
Chia sẻ với mọi người, anh Dương đã không khỏi xúc động, bồi hồi khi vì lý do sức khỏe nên đây là lần đầu tiên sau hơn 29 tháng vụ tai nạn xảy ra, anh mới thực hiện được nguyện ước quay trở lại thăm, thắp hương cho các đồng đội.
Thượng úy Dương cũng cho hay, nếu đủ điều kiện sức khỏe, anh sẽ tiếp tục đến thăm, thắp hương cho đồng đội và mong ước lớn nhất của anh là có thể sớm xây dựng một đền thờ, tưởng nhớ đồng đội.
Bởi hiện nay, ở đây, gọi là nơi thờ phụng, tưởng niệm nhưng thực chất mới chỉ là một ngôi nhà được lợp tôn trên khu đất nơi xảy ra vụ tai nạn.
"20 đồng đội của tôi đã hy sinh tại đây, trong đó, 10 người là bạn tôi, 10 người là đồng đội, đồng chí của tôi nên tôi mong có thể xây dựng một đền thờ để tưởng nhớ các anh nhưng một mình tôi chắc không thể làm được, bởi việc làm vượt ngoài khả năng", anh Dương bộc bạch.
Ảnh: Nam Trần.
Cũng theo Thượng úy Dương, sau khi được ra Viện Bỏng Quốc gia, anh đã được chuyển về nằm điều dưỡng tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) và được hưởng các chế độ thương binh nặng, mất 99% sức khỏe.
Theo người thân của Thượng úy, hiện sức khỏe của anh tốt, ăn uống bình thường, tuy nhiên, thân thể không còn lành lặn như xưa.
Anh không còn hai bàn tay, hai chân, nhiều phần da trên cơ thể biến dạng, phần mũi, tai và nhiều phần da trên khuôn mặt co lại nhưng trí não hoàn toàn bình thường, thính giác, khứu giác, khả năng ngôn ngữ của anh đã trở về ổn định. Một bên mắt của thị lực còn 1/10, một bên 7/10.
Trong suốt quá trình điều trị, anh Dương từng bị sốc nhược, 2 lần ngừng tim, biến chứng, nôn ra máu, niêm mạc đường thở bong tróc, nhiều lần các bác sĩ thông báo khó qua khỏi.
"Nên có được như ngày hôm nay đã là một điều quá may mắn với con trai tôi, người tưởng chừng đã về với thế giới bên kia", bà Trịnh Thị Đông, mẹ anh Dương bùi ngùi.
Bà Đông cũng cho biết thêm, sau khi ra viện, ước mơ của anh Dương và gia đình là sớm mua được chân, tay giả để giúp có thể sinh hoạt được bình thường.
"Dương không còn chân, còn tay, tôi cũng mong cho con mình có được chân, tay để tự lo cho cuộc sống", bà Đông nói.
Người thân cũng cho biết thêm, hiện nay, một số cá nhân hảo tâm cũng đang kêu gọi để mua tặng một chiếc xe lăn điện cho anh Dương.
Anh Dương (ngồi xe lăn) chụp ảnh chung cùng mọi người. Ảnh: Nam Trần.
Còn người thương binh đã mất đến 99% sức khỏe khi được hỏi về ước mơ đã cho rằng, ham muốn của con người là vô biên và anh may mắn hơn 20 đồng đội ngã xuống.
"Tôi đã được Đảng, Nhà nước chăm sóc cho tôi có một sự sống, một cuộc đời như ngày hôm nay là một điều rất may mắn.
Tôi chỉ ước mong, một ngày nào đó có thể tự lo cho bản thân mình. Tôi có thể tự xúc cơm ăn, tự bưng nước uống, tự có thể vệ sinh cá nhân không cần phiền mẹ tôi", anh Dương mong muốn.
Trước đó, các bác sĩ Viện Bỏng Quốc gia cho biết, trường hợp chiến sĩ Dương bình phục sau gần 3 năm điều trị bỏng sâu, rộng, bỏng hô hấp, đa chấn thương, hội chứng sóng nổ cực kỳ đặc biệt.
Chiến sĩ Dương cũng được coi là bệnh nhân nằm viện điều trị lâu nhất từ trước tới nay.
Ngày 7/7/2014, máy bay trực thăng Mi-171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân chở 21 cán bộ, chiến sĩ bay huấn luyện nhảy dù đã cất cánh từ sân bay Hòa Lạc, Hà Nội.
Đến khoảng 7h46' cùng ngày, do sự cố kỹ thuật, máy bay rơi tại địa phận thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội, cách sân bay khoảng 3km và bốc cháy dữ dội. Phi công được cho là đã cố gắng điều khiển máy bay ra xa khu vực đông dân cư trước khi máy bay rơi xuống đất.
Vụ tai nạn máy bay ở Hòa Lạc khiến 20 chiến sĩ hy sinh, còn thượng úy Đinh Văn Dương bị thương rất nặng và được đưa về điều trị tích cực tại Viện Bỏng Quốc gia.