Tối 10/6, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Giáo dục và Đào tạo do có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Vụ việc này đã gây chấn động dư luận dù những ồn ào, nghi vấn về việc lộ đề môn Sinh học đã được công luận phản ánh ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 kết thúc. Hai cán bộ nguyên là giáo viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đã bị khởi tố, bắt tạm giam. Hai cán bộ đó là bà Phạm Thị My, Tổ trưởng Tổ ra đề môn Sinh và ông Bùi Văn Sâm, thành viên Tổ thẩm định đề môn Sinh.
Trao đổi với PV Báo CAND, TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD & ĐT) cho biết, ông rất buồn về việc này vì sau vụ gian lận thi cử tại một loạt tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, những tưởng giáo viên được giao nhiệm vụ làm thi nếu có ý định “biến chất” thì họ sẽ phải biết sợ. Nào ngờ, lại xảy ra sai phạm nghiêm trọng với thủ đoạn hết sức tinh vi.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2021.
“Qua theo dõi báo chí thì tôi thấy đây có thể là hiện tượng “gài đề”. Khi Bộ Công an, Bộ GD & ĐT vào cuộc xác minh, đánh giá câu hỏi trong 4 mã đề duyệt chốt để đưa vào đề thi chính thức, với các câu hỏi xuất hiện trong các nội dung ôn tập của thầy Phan Khắc Nghệ (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) thì thấy, trong tổng số 40 câu của từng mã đề duyệt chốt có 37 câu trùng, tỉ lệ 92,5% với các câu trong nội dung ôn tập của thầy Nghệ. Tôi cho rằng, nếu Bộ Công an làm rõ đây là hiện tượng “gài đề” thì vụ việc này cho thấy một thủ đoạn mới trong thi cử mà Bộ GD & ĐT phải quán triệt nghiêm túc để siết lại kỷ cương khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 chỉ còn ít ngày nữa là diễn ra”, TS Quách Tuấn Ngọc bày tỏ.
Cũng theo TS Quách Tuấn Ngọc: "Quy chế thi tốt nghiệpTHPT 2021 có các quy định về đề thi tương đối “khép kín”. Do đó, vụ án này chính là ở khâu cán bộ, khâu con người. Công nghệ hiện đại mấy, quy trình có chặt chẽ đến mấy nhưng giáo viên tha hóa thì rất khó kiểm soát. Do đó, theo tôi, khâu lựa chọn cán bộ vẫn là khâu quan trọng nhất. Thời tôi làm kỳ thi “3 chung”, tuyệt đối cấm cán bộ ra đề về “khoe” là tôi ở ban ra đề, tuyệt đối cấm luyện thi, ôn thi. Chúng tôi nhắc nhở, quán triệt thường xuyên cán bộ để họ giác ngộ, nhận thức được vai trò của mình”, TS Quách Tuấn Ngọc cho hay.
Còn nhớ sau gian lận thi cử tại nhiều tỉnh, thành vào năm 2018, GS Phùng Xuân Nhạ, khi đó là Bộ trưởng Bộ GD & ĐT cũng đã nói rằng, kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật hiện đại đến mấy cũng có thể bị làm sai lệch kết quả. Như vậy, khâu con người, khâu lựa chọn cán bộ vào những vị trí quan trọng của kỳ thi vẫn là khâu quan trọng nhất. Chung quan điểm, một PGS đang công tác ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho chúng tôi biết, những người được chọn tham gia kỳ thi thì tiêu chí thứ nhất phải là “liêm chính”, tiêu chí thứ hai mới là “năng lực”.
Chia sẻ với PV Báo CAND, thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) cho hay, bài học đau đớn từ tiêu cực, gian lận thi cử tày đình năm 2018 đã bị phanh phui và xử lý, vậy mà một số cá nhân có trách nhiệm chỉ vì lợi ích trước mắt đã coi như không biết và vẫn tiếp tục sai phạm nghiêm trọng.
Còn một số giáo viên đang giảng dạy môn Sinh học cũng đặt vấn đề: Việc đề thi môn Sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 bị lộ, lọt có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến điểm chuẩn của khối ngành Y, Dược. Học sinh thi môn Sinh phần lớn có mục tiêu vào các trường Y, Dược, điểm chuẩn rất cao, trong khi chỉ tiêu rất ít. Đỗ được một suất học vào trường Y, Dược là hoài bão, ước mơ của bao thí sinh. Vì vậy, sai phạm liên quan đến đề thi môn Sinh học trong kỳ thi THPT năm 2021 được phanh phui cũng là một cách để đòi lại công bằng cho hàng triệu học sinh đã dày công khổ luyện trong nhiều năm để mong có thể đạt được nguyện vọng, ước mơ, hoài bão của mình.
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định, quy trình làm đề thi ở đây có gì đó chưa thật ổn. Thực tế, nếu các câu hỏi của môn Sinh học được rút ngẫu nhiên từ ngân hàng đề thi thì chắc chắn sẽ không thể có sự trùng lặp cao như vậy. Cũng theo ông Khuyến, Bộ GD&ĐT cần rà soát quy trình làm đề thi ở tất cả các môn thi để xem có sơ suất, sai sót ở khâu nào và kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện bởi kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi có quy mô lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu học sinh nên không thể có sai sót ở bất kỳ khâu nào…
Tại hội nghị về công tác thi tốt nghiệp THPT 2022 vừa được Bộ GD & ĐT tổ chức vào ngày 8/6, Bộ GD&ĐT cho biết: Đối với công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, chuẩn bị ra đề thi sẽ thực hiện nguyên tắc độc lập và phân định rõ trách nhiệm giữa các khâu trong xây dựng, quản lý ngân hàng câu hỏi thi (biên soạn, biên tập, thẩm định, định cỡ, lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi). Bộ sẽ thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12.
Ngân hàng câu hỏi thi được rà soát, hoàn thiện; lựa chọn câu hỏi đã có trong ngân hàng câu hỏi thi theo ma trận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và viết bổ sung câu hỏi mới. Đến tháng 6/2022, ngân hàng câu hỏi cơ bản bảo đảm cả về số lượng và chất lượng. Các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu, nhất là lựa chọn và nhập dữ liệu vào ngân hàng câu hỏi thi được thực hiện nghiêm. Bộ GD&ĐT cũng đã hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để thực hiện các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia Hội đồng ra đề thi…