Vụ lập biên bản xử phạt người dân về quê: Tin mới nhất từ Đại tá công an

PV |

Đại tá Hùng cho biết, công an tỉnh đã trình Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận xem xét không xử lý vi phạm hành chính đối với những người dân đã về quê bằng xe máy trong thời gian qua.

Ảnh minh họa: Người lao động

Ảnh minh họa: Người lao động

Đại tá Nguyễn Thế Hùng (Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận) hôm nay cho biết trên tờ Lao động, công an tỉnh đã dừng việc lập hồ sơ, xử phạt người dân về quê bằng xe máy, sau khi có công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh đưa đón người dân về.

Ông nói, công an tỉnh đã trình Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận xem xét không xử lý vi phạm hành chính đối với những người dân đã về quê bằng xe máy trong thời gian qua. Với các trường hợp đã đóng phạt thì do là hành vi vi phạm pháp luật nên theo quy định không thể hồi tố, trả lại tiền.

Hiện, đơn vị đang chờ ý kiến chỉ đạo từ Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận, nếu có hướng dẫn sẽ thông báo cho người dân.

Theo nguồn trên, công an tỉnh trước đó đánh giá số lượng người về rất lớn và báo cáo lãnh đạo tỉnh xin ý kiến về việc xử lý, sau đó nhận được chỉ đạo việc vi phạm pháp luật phải được xử lý theo quy định. Các trường hợp lập biên bản xử lý đều theo quy định không tuân thủ phòng, chống dịch Covid-19. Lượng người về quê cùng lúc quá lớn nên công an chỉ tạm thời ghi nhận biên bản tại huyện Thuận Nam, có trường hợp đã nộp phạt.

Đại tá Hùng khi đó bày tỏ, việc lập biên bản xử phạt người dân về quê chỉ là động tác kỹ thuật. Công an tỉnh sau đó sẽ được hướng dẫn những người nghèo, những người không có thu nhập làm đơn xin gia hạn hoặc giảm, miễn nộp phạt.

Chia sẻ trên tờ Pháp luật TP.HCM, TS Cao Vũ Minh (Giảng viên Khoa Luật Hành Chính – Nhà Nước, ĐH Luật TP.HCM) cho rằng, trong số 74 nghị định xử phạt vi phạm hành chính đang có hiệu lực hiện nay, với hơn 300.000 hành vi vi phạm, chính quyền địa phương sẽ không khó khăn trong việc tìm cơ sở pháp lý để xử phạt những người về quê.

Tuy nhiên, người dân hiện giờ đã quá khó khăn, lại phải tốn kém chi phí về quê và chịu phí cách ly tập trung. Nếu họ phải chịu thêm khoản tiền phạt vi phạm hành chính nữa thì họ sẽ càng thêm cơ cực.

"Hãy thử đặt mình vào vị trí bốn tháng ròng sống trong tuyệt vọng mới thấu hiểu được nguyện vọng to lớn và chính đáng của người dân. Xin đừng xử phạt người tự ý về quê vì đây là nhu cầu thiết yếu và to lớn nhất của họ trong thời điểm này", TS Minh nói với tờ Pháp luật TP.HCM.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại