Ngành bảo hiểm là một câu chuyện đôi bên cùng có lợi giữa bên bán và bên mua. Bên bảo hiểm sẽ nhận được tiền để đầu tư, kiếm lãi, trong khi người mua được đảm bảo sẽ có tiền chi trả khi sự cố xảy ra, và nhận về một khoản lãi nho nhỏ sau khi hết hợp đồng.
Nhưng tất nhiên, chuyện đó còn tùy vào loại bảo hiểm được mua và việc không bên nào cố tình gian lận. Trên thực tế, đã từng có nhiều trường hợp công ty bảo hiểm cài cắm điều khoản khiến họ rất ít khi phải trả cho khách hàng, hoặc khách hàng tìm được cách nào đó để gian lận tiền bảo hiểm. Như câu chuyện về vụ kiện "IQ vô cực" đang được chia sẻ dữ dội thời gian gần đây là một ví dụ.
Người đàn ông tự kiện chính mình
Đó là câu chuyện của Larry Rutman, một người đàn ông ở bang Kentucky (Mỹ). Chuyện là một buổi chiều tháng 8 của năm 1996, Rutman đã luyện tập ném boomerang - một loại vũ khí có xuất xứ từ Úc, sau khi ném có thể quay về tay người sử dụng. Nhưng khi chiếc boomerang quay lại, ánh Mặt trời khiến Rutman lóa mắt, không thể tóm được và bị nó văng trúng đầu.
Bài báo về câu chuyện của Larry Rutman
Vụ tai nạn đã khiến Rutman gặp khá nhiều rắc rối: Từ việc bị mất trí nhớ, mất khả năng tập trung, cho đến trở nên nghiện rượu bia và không thể kiểm soát được bản năng tình dục. Tức giận, Rutman quyết định đi kiện. Nhưng theo các luật sư, ông không thể nào thắng kiện được công ty sản xuất boomerang.
Vậy là ông đi đến quyết định gây bất ngờ nhất: Kiện chính mình!
Nghe đến đây, sẽ có nhiều người sẽ nghĩ rằng vụ tai nạn chắc cũng khiến thần kinh của ông trở nên bất ổn. Nhưng không, đó hóa ra lại là một quyết định với IQ khá... vô cực, theo ngôn ngữ thời nay. Ông kiện chính mình, thắng kiện với mức tuyên án là 300.000 USD. Và toàn bộ số tiền này sẽ do... công ty bảo hiểm chi trả.
Và hóa ra, việc kiện chính mình của Rutman không phải là trường hợp duy nhất. Số liệu từ các công ty bảo hiểm từng chứng kiến khoảng 7000 ngàn vụ người mua tự kiện mình ở thời điểm năm 1996. "Với các vụ kiện vô ý gây thương tích, công ty bảo hiểm thường khó thắng. Nhưng nếu cố tình gây thương tích nhiều lần, người kiện có thể bị kết tội lừa đảo, gian lận tiền bảo hiểm," - một người trong ngành chia sẻ với truyền thông vào thời điểm đó.
Nói về Rutman, số tiền thu được dần giúp ông trở lại cuộc sống bình thường. Âu cũng phải, 300.000 đô thì đến tận lúc này cũng vẫn là một khoản tiền khổng lồ, dù ông cũng thổ lộ rằng "chẳng tiền nào có thể bù đắp được những tổn thương tôi từng trải qua."
Cú twist gây ngã ngửa
Vụ kiện này quả thực xứng đáng với cái danh "IQ vô cực". Nhưng cú twist ở đây là nhiều khả năng, nó... không có thật!
Theo Snope - website chuyên lật tẩy những câu chuyện giả dối trên internet, câu chuyện này bắt nguồn từ bài báo của tờ Weekly World News vào năm 1996, sau đó lần đầu được lan rộng trong cộng đồng mạng vào năm 2015, trên một fanpage Facebook. Vấn đề nằm ở chỗ, Weekly World News khi đó là một tờ báo siêu lá cải, chuyên đăng tải những câu chuyện hư cấu và giàu tưởng tượng nhất. Có thể kể đến như bài báo về một người trông vườn thú bị... phân voi giết chết, rồi nhà khoa học tìm cách phá hủy Mặt trời, cây mọc ra thịt... cùng nhiều tin tương tự.
Cũng trong năm 1996, trang SCMP của Trung Quốc có đăng tải lại tin này, nhưng kèm theo cảnh báo "thông tin chưa xác thực". Vậy nên, câu chuyện chỉ dừng mở mức đọc cho vui thôi, chớ dại làm theo kẻo tiền mất tật mang.
Nguồn: Snopes