Vụ kiện giữa Việt Tú và công ty của "chúa đảo" Tuần Châu: Kéo dài gần 10 tiếng, lùi ngày tuyên án

Gia Linh |

Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKS đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên quyết định của bản án cấp sơ thẩm trong đó có việc: "Xác định vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ là vở diễn phái sinh từ vở diễn thực cảnh Ngày xưa".

Sáng 15/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp kinh doanh thương mại giữa nguyên đơn là công ty giải trí Tuần Châu Hà Nội (công ty Tuần Châu) và bị đơn là công ty DS (do đạo diễn Nguyễn Việt Tú làm chủ). 

Trước đó, vào ngày 10/10, phiên sơ thẩm bị tạm hoãn do đại diện ủy quyền của Công ty Tuần Châu "bị sốt virut", xin vắng mặt và hoãn phiên tòa.

Trong phiên tòa ngày 15/11, phía công ty Tuần Châu rút kháng cao yêu cầu bồi thường thiệt hại hơn 6 tỷ đồng với công ty DS và vẫn giữ nguyên các kháng cáo còn lại. Đồng thời đề nghị bác nội dung do cấp sơ thẩm đã tuyên - "Tinh hoa Bắc Bộ là tác phẩm phái sinh của vở diễn Ngày xưa" vì theo đại diện của Tuần Châu "đây là danh dự của công ty và đối tác".

Vị đại diện của Tuần Châu còn nhấn mạnh mong muốn được hòa giải "giống như ngày đầu hợp tác cùng nhau".

Vụ kiện giữa Việt Tú và công ty của chúa đảo Tuần Châu: Kéo dài gần 10 tiếng, lùi ngày tuyên án - Ảnh 1.

Đạo diễn Việt Tú.

Về phía công ty DS vẫn giữ nguyên các yêu cầu kháng cáo gồm: Buộc công ty Tuần Châu thừa nhận vở diễn Tinh hoa Bắc bộ được xây dựng dựa trên sự kế thừa, dựa trên nền tảng có trước đó là vở diễn Ngày xưa.

Buộc công ty Tuần châu trả công ty DS số tiền trên 900 triệu bao gồm tiền lãi chậm trả, 10% doanh thu bán vé các buổi biểu diễn và chi phí phát sinh từ tháng 1 đến tháng 5/2017.

Buộc công ty tuần châu đền bù thiệt hại phát sinh do hành vi vi phạm nghĩa vụ làm giảm sút lợi nhuận và tổn thất về cơ hội kinh doanh cho công ty DS là hơn 6 tỷ đồng.

Vụ kiện giữa Việt Tú và công ty của chúa đảo Tuần Châu: Kéo dài gần 10 tiếng, lùi ngày tuyên án - Ảnh 2.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam.

Tại phiên phúc thẩm lần này, tác giả của vở Tinh hoa Bắc Bộ - đạo diễn Hoàng Nhật Nam cũng có mặt.

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam chia sẻ, ông đã nhiều lần từ chối hợp tác với phía Tuần Châu vì biết đạo diễn Việt Tú có cộng tác trước đó. Nhưng vì sự năn nỉ, cầu xin của phía đối tác và lời khẳng định là đã kết thúc hợp đồng với đạo diễn Việt Tú nên ông Nam mới nhận lời và "bỏ vợ bỏ con" để bay ra Hà Nội làm.

"Tôi không sao chép kịch bản, copy, không xài gì của đạo diễn Việt Tú", đạo diễn Hoàng Nhật Nam khẳng định. Vị đạo diễn này còn so sánh Tinh hoa Bắc Bộ và Ngày xưa đều là 2 người đàn bà đẹp.

"Đó là 2 người đàn bà đẹp và có trái tim. Và 2 trái tim đó đều có nhịp đập, hơi thở riêng, có sự khác nhau dù cùng 1 người cha sinh ra 2 đứa con đó".

Đạo diễn Hoàng Nhật Nam cũng khẳng định, tại phiên tòa 15/11, ông sẽ không khóc giống như phiên tòa tạm hoãn ngày 10/10. Ông Nam cũng cho biết, giọt nước mắt tại tại phiên tòa phúc thẩm bị hoãn là "từ trái tim" chứ không phải là diễn theo dàn dựng.

Về phía công ty DS, đạo diễn Việt Tú vẫn giữ vững lập trường, khẳng định tác phẩm Ngày xưa do mình ông sáng tạo ra và không dựa trên bất cứ tài liệu nào từ công ty Tuần Châu. Do vậy, khi "đứa con" bị "xào nấu" thành một tác phẩm khác khiến đạo diễn Việt Tú không thể im lặng.

Đạo diễn Việt Tú cho biết, vào một ngày đẹp trời, ông được "chúa đảo" Phạm Hồng Tuyển gọi điện tới Xã Đoài, chỉ vào mảnh đất trống và đặt vấn đề: "Hãy làm một cái gì đó, bất cứ cái gì bán được vé, thu tiền của khách du lịch..." mà không hề quan tâm đến nội dung, kịch bản hay định hướng, giao đề tài.

Phiên phúc thẩm kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ với tranh luận khá căng thẳng từ phía nguyên đơn và bị đơn. 

Sau phần tranh luận, đại diện viện kiểm soát (VKS) đã đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên quyết định của bản án cấp sơ thẩm trong đó có việc: "Xác định vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ là vở diễn phái sinh từ vở diễn thực cảnh Ngày xưa".

Về phía hội đồng xét xử sau khi trao đổi nhanh đã quyết định lùi phần tuyên án sang ngày 18/11.

Ngày 16/11/2015, Công ty TCHN ký hợp đồng thuê Công ty DS tư vấn, thiết kế mỹ thuật, sáng tạo kịch bản, dàn dựng vở diễn thực cảnh Ngày xưa hay còn có tên gọi khác là Thủa ấy xứ Đoài).

Tháng 6/2016, Thủa ấy xứ Đoài (Ngày xưa) được công diễn cho khán giả và khách mời. Tuy nhiên sau đó phía đầu tư là Công ty TCHN đột ngột dừng biểu diễn.

Tháng 10/2017, vở Tinh hoa Bắc Bộ do đạo diễn Hoàng Nhật Nam dàn dựng được ra mắt trên đúng địa điểm trước đó đã diễn ra vở Thủa ấy xứ Đoài.

Tháng 3/2018, phía Công ty CP Tuần Châu Hà Nội cho biết TAND Hà Nội đã thụ lý đơn kiện đạo diễn Việt Tú, đòi bồi thường số tiền hơn 6 tỷ đồng với cáo buộc đạo diễn Việt Tú vi phạm nhiều nguyên tắc thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên như: Cố tình xâm phạm, chiếm đoạt quyền sở hữu khi tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với kịch bản vở diễn.

Tháng 5/2018, TAND Hà Nội đã thụ lý đơn khởi kiện của phía Việt Tú phản tố Công ty CP Tuần Châu Hà Nội yêu cầu doanh nghiệp này và Sen Vàng (bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với kịch bản Thuở ấy xứ Đoài và trả nợ, bồi thường thiệt hại tổng cộng 7,2 tỷ đồng.




Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại