Vũ khí tinh vi của Mỹ rơi vào tay IS, gậy ông đập lưng ông?

Vũ Thu Hương |

Báo cáo 200 trang của tổ chức nghiên cứu xung đột vũ trang mới đây đã hé lộ sự thực bất ngờ: Một phần không nhỏ vũ khí tinh vi mà Mỹ phân phát cho các lực lượng đối lập ở Syria đã rơi vào tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), thậm chí chỉ 2 tháng sau khi được cung cấp. Việc IS sở hữu số vũ khí này thực sự là mối đe dọa lớn.

Những vũ khí tinh vi nhất mà nhóm khủng bố nguy hiểm hàng đầu thế giới IS sử dụng đến từ số vũ khí khổng lồ mà Mỹ mua từ các nước châu Âu.

Hơn 1/3 số vũ khí IS sử dụng ở các chiến trường Iraq và Syria đến từ những nhà máy của các nước Liên minh châu Âu (EU) như Bulgaria, Romania, Hungary và Đức, báo cáo của tổ chức nghiên cứu xung đột vũ trang (CAR) công bố hôm 14/12 cho thấy.

Gói vũ khí hàng tỷ USD do Mỹ và Arab Saudi mua từ các nước EU để cung cấp cho các lực lượng đối lập ở Syria cũng đã rơi vào tay IS. Từ đó, 2 nước đi đầu trong liên minh chống IS đã gián tiếp cho phép nhóm khủng bố này có được một số lượng đáng kể vũ khí chống thiết giáp, gồm cả tên lửa chống tăng cùng nhiều hỏa tiễn mang đầu đạn kép.

Đặc biệt, một số lượng vũ khí lớn có cả tên lửa chống tăng của Mỹ đã rơi vào tay IS chỉ 2 tháng sau khi chúng được giao cho các nhóm vũ trang Syria. Cụ thể theo báo cáo, vào ngày 12/12/2015, Bulgaria xuất khẩu tên lửa chống tăng cho quân đội Mỹ thông qua một công ty ở bang Indiana có tên Kiesler Police Supply.

Chỉ 59 ngày sau, cảnh sát Iraq thu giữ một mẫu tên lửa này trong kho vũ khí chiếm được của IS sau trận đánh ở Ramadi.

Điều này cho thấy rõ tình thế "gậy ông đập lưng ông", khi vũ khí do Mỹ cung cấp quay lại chống chính những đồng minh của Mỹ và đe dọa cả những lực lượng đặc nhiệm Mỹ ở Syria, lực lượng thường xuyên di chuyển trên những phương tiện không được thiết kế để chịu đựng vũ khí chống tăng.

"Hoạt động cung cấp vũ khí vào cuộc chiến ở Syria do các nước ngoài, cụ thể là Mỹ và Arab Saudi, thực hiện đã gián tiếp cho phép IS có được một số lượng đáng kể vũ khí hiện đại.

Chúng bao gồm các loại tên lửa chống tăng và các loại rocket có nhiều loại đầu đạn khác nhau, được thiết kế để xuyên phá các loại giáp phản ứng hiện đại trên các loại xe bọc thép", báo cáo của CAR cho biết.

Rõ ràng, việc các nước cung cấp vũ khí cho lực lượng nổi dậy nhằm lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad "đã nâng cao đáng kể số lượng và chất lượng vũ khí mà IS sở hữu".

Mỹ hiện vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí hỗ trợ cho lực lượng Syria Tự do (SDF), một lực lượng có thành phần chủ yếu là binh lính người Kurd hoạt động biệt lập với quân chính quyền Assad, quân nổi dậy và tập trung chống lại IS. Nguy cơ vũ khí Mỹ rơi vào tay IS vì thế vẫn tiếp tục xảy ra.

Dù cho cuộc điều tra tiến hành với 40.000 vũ khí của IS chưa làm rõ được việc tổ chức khủng bố này có được số vũ khí này là do chiếm được từ các chiến trường, hay đơn giản mua lại từ các nhóm nổi dậy Syria song kết quả điều tra thực sự gây nhiều lo ngại.

Việc IS sở hữu vũ khí do Mỹ bí mật cung cấp cho các lực lượng chống Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad là mối đe dọa lớn đối với liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu ở Syria. IS không chỉ dùng số vũ khí này để chống lại Mỹ và các nước trong liên minh chống IS mà còn bắt chước công nghệ, sản xuất các vũ khí tinh vi dựa trên các vũ khí có được.

Nhiều dấu hiệu cho thấy, một chiến dịch hậu cần lớn của IS nhằm cung cấp nguyên liệu thô cho bộ phận nghiên cứu và kỹ sư của nhóm khủng bố IS, với mục đích phát triển những máy móc công nghiệp chiếm được và sản xuất nhanh các loại vũ khí, đạn dược, báo cáo khẳng định.

Theo ông Damien Spleeters, người đứng đầu cơ quan của CAR ở Iraq và Syria, IS đang lùng sục những nguyên liệu thô với số lượng lớn để sản xuất vũ khí. Và nhóm khủng bố này còn biến cải một số rocket vác vai bằng cách dùng các nguyên liệu thô để giảm thiểu sức nóng khi phóng rocket vốn rất nguy hiểm với người dùng ở những không gian hẹp như trong các đô thị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại