Việc Lực lượng ly khai người Kurd nắm giữ trong tay nhiều loại vũ khí hiện đại là điều không có gì bất ngờ, tuy nhiên đa phần vũ khí của họ có nguồn gốc xuất xứ từ Nga, Mỹ hay Trung Quốc, vì vậy súng chống tăng tối tân Panzerfaust 3 do Đức chế tạo xuất hiện trong trang bị là điều gây ra sự ngạc nhiên thú vị.
Một thủ lĩnh dân quân người Kurd với khẩu Panzerfaust 3 trên tay
Súng chống tăng Panzerfaust 3 (PzF 3) được nghiên cứu trong giai đoạn 1978 - 1985 và chính thức được chấp nhận đưa vào trang bị của Quân đội Cộng hòa Liên bang Đức từ năm 1992 với vai trò thay thế khẩu PzF 44 đời cũ cũng như Carl Gustaf do Thụy Điển sản xuất.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự, PzF 3 là một trong những phương tiện chống tăng mang vác trang bị cho bộ binh hiệu quả nhất hiện nay.
Vũ khí này mang đặc tính của súng không giật, nhưng khác với RPG-7 là nó không sử dụng cơ chế cân bằng thông qua luồn phụt mạnh về phía vốn sau tiềm ần nguy cơ gây hại cho binh sĩ mà lại triển khai cơ cấu khối lùi (kích hoạt sau khi bóp cò) kết hợp với động cơ chính kích hoạt sau khi đạn đã rời nòng một khoảng cách an toàn.
Các biến thể khác nhau của súng chống tăng Panzerfaust 3
Tuy nhiên giữa Panzerfaust 3 với RPG-7 cũng có nét tương đồng đó là bắn đạn có đường kính lớn hơn cỡ nòng. Cụ thể, ống phóng cả PzF 3 cỡ 60 mm nhưng đạn của nó lại là loại 110 mm cung cấp mức độ sát thương rất cao.
Khi lắp loại đạn xuyên lõm tiêu chuẩn, PzF 3 có chiều dài tổng thể 1.250 mm (súng dài 950 mm) với khối lượng chiến đấu 15,9 kg (đạn nặng 3,9 kg), sơ tốc đầu nòng 160 m/s và tăng lên đến 243 m/s khi động cơ chính kích hoạt đầy đủ.
Nhờ được tích hợp kính ngắm hỗ trợ mà tầm bắn hiệu quả của Panzerfaust 3 lên tới 400 khi chống lại mục tiêu cố định hoặc 300 m khi bắn mục tiêu di động, trong khi tầm bắn tối thiểu là 20 m.
Đáng chú ý nhất là sức xuyên của Panzerfaust 3 lên tới 700 mm thép đồng nhất (RHA) hoặc đục thủng được tường bê tông cốt thép dày tới 1.600 mm. Đối với đạn xuyên lõm 2 tầng chống giáp phản ứng nổ PzF 3-IT thì con số này lên tới 900 mm RHA, cao hơn hẳn RPG-29.
Ngoài ra súng còn được trang bị đạn đa mục đích PzF 3 Bunkerfaust có tác dụng tiêu diệt cả xe thiết giáp nhẹ, boong ke bê tông cốt thép lẫn sát thương các loại mục tiêu mềm.
Một chiếc xe tăng M1 Abrams bị tiêu diệt bởi hỏa lực chống tăng
Cần lưu ý rằng thực tế chiến trường cho thấy nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực M1 Abrams của Quân đội Iraq đã bị thiêu cháy bởi súng chống tăng RPG-7 hoặc RPG-29. Việc bị tiêu hao quá nhiều đã khiến Iraq quay sang đặt hàng dòng T-90S/SK của Nga.
Nhưng với sức xuyên siêu khủng của Panzerfaust 3 thì thậm chí cả T-90 cũng chẳng được đảm bảo an toàn vì trong cuộc thử nghiệm tiến hành tại trường bắn TsNIIO 643a của Nga, xe tăng T-90 đã bị RPG-29 xuyên thủng giáp trước tới 3 lần sau 5 phát bắn.