Vũ khí khiến Mỹ e sợ hơn cả tên lửa đạn đạo

Nhật Minh |

Sự phổ biến của các tên lửa hành trình đang trở thành mối đe dọa mà giới lãnh đạo quân sự Mỹ chưa tìm ra câu trả lời.

Theo Business Insider, hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ xưa nay tập trung ngăn chặn các loại tên lửa đạn đạo với quỹ đạo có thể đoán trước. Nhưng gần đây, Washington đang phải đối mặt với mối đe dọa mới đến từ tên lửa hành trình, mà chưa có giải pháp đối phó.

"Trong khi hiện nay, 'phòng thủ tên lửa đạn đạo' đã trở thành một khả năng quan trọng (của quân đội Mỹ) thì các biện pháp đối phó với tên lửa hành trình vẫn chưa được ưu tiên nhanh chóng" - Thomas Karako, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định hồi năm ngoái.

"Có lẽ điều này tùy vào mức độ phức tạp của mối đe dọa, nhưng các công nghệ tên lửa hành trình tinh vi hiện nay sẽ không dự dưng biến mất và chúng ta phải tìm cách đối phó chúng, không chỉ cho chúng ta, mà còn đồng minh, các đối tác nước ngoài và các chỉ huy tác chiến trong khu vực" - ông Karako nói.

Vũ khí khiến Mỹ e sợ hơn cả tên lửa đạn đạo - Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ.

Hiện nay, các đối thủ lớn của Mỹ, như Nga và Trung Quốc, đều đã phát triển tên lửa hành trình tầm xa, có thể tạo ra mối đe dọa thực sự đối với các mục tiêu nằm ngay trong lục địa Mỹ.

Thách thức lớn nhất để phát hiện tên lửa hành trình là cần có hệ thống giám sát trên không.

Do tên lửa đạn đạo tấn công mục tiêu từ trên cao nên các hệ thống cảm biến trên mặt đất có thể quan sát chúng. Tuy nhiên, đối với các loại tên lửa hành trình bay thấp thì đòi hỏi phải có hệ thống trên không để phát hiện và theo dõi.

Vũ khí khiến Mỹ e sợ hơn cả tên lửa đạn đạo - Ảnh 2.

Tên lửa hành trình Kalibr tấn công mục tiêu ở Syria

Một số giải pháp đã được đề xuất để giải quyết vấn đề này, với từng ưu/nhược điểm riêng.

Trong số đó có phương án lắp đặt các pod chỉ thị mục tiêu trên máy bay chiến đấu F-16 hoặc UAV tuần tra để tìm kiếm/phát hiện tên lửa hành trình. Tuy nhiên, chúng bị giới hạn về thời gian bay và phạm vi hoạt động.

Một cách khác là sử dụng khí cầu do thám khổng lồ, với các radar tinh vi để theo dõi chuyển động của các phương tiện bay cỡ nhỏ ngoài khơi nước Mỹ. Song giải pháp này được đánh giá là khá tốn kém.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại