Vũ khí hạt nhân ở châu Âu vô giá trị về mặt quân sự, Mỹ vẫn "bơm" tiền nâng cấp

Anh Tuấn |

Hãng tin RT đưa tin, Mỹ đang có kế hoạch chi tiêu 10 tỉ USD để nâng cấp 150 tên lửa hạt nhân có từ thời Chiến tranh Lạnh ở châu Âu, mặc dù theo các chuyên gia quân sự, chúng đang trở thành hiểm họa an ninh hơn là vũ khí chiến lược.

Một báo cáo của tổ chức phòng chống hiểm họa hạt nhân Nuclear Threat Initiative (NTI) cho biết, độ an toàn và tin cậy của các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ đặt tại Italy, Hà Lan, Bỉ, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đang trở nên yếu kém trong lúc “các vụ tấn công khủng bố và tình hình chính trị bất ổn” đang diễn ra.

Một trong những địa điểm mà Mỹ đang lưu giữ vũ khí hạt nhân là Căn cứ Không quân Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ), nơi đã bị phe đảo chính kiểm soát khi âm mưu lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan diễn ra vào năm 2016. Sĩ quan chỉ huy của căn cứ sau đó đã bị bắt do bị nghi có liên quan đến âm mưu đảo chính này.

Báo cáo của NTI nhận định rằng “các loại vũ khí hạt nhân của Mỹ được triển khai đến châu Âu đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn, sai phạm hay các vụ khủng bố gây hậu quả thảm khốc. Trước những nguy cơ này, đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại rằng liệu các loại vũ khí này có phù hợp để bảo vệ an ninh và đảm bảo tình hình chính trị khu vực hay không”.

Cũng trong báo cáo này, loại bom hạt nhân B61 có thể sẽ không có giá trị chiến lược nào do nó được triển khai trên các máy bay của NATO và Mỹ không thể đơn phương sử dụng vũ khí này khi cần thiết.

“Một số cựu quan chức cấp cao và tướng Mỹ đã nói rằng các loại vũ khí hạt nhân ở châu Âu của Mỹ gần như không có tác dụng về mặt quân sự. Những khác biệt về chính trị trong quá trình ra quyết định của NATO đã khiến nhiều người nghi ngại rằng các nước thành viên khó có thể chấp thuận sự dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp khẩn cấp”, báo cáo NTI cho biết.

“Rất khó để tưởng tượng được sự kiện nào có thể khiến một Tổng thống Mỹ chấp thuận sử dụng vũ khí hạt nhân, được trang bị trên các máy bay NATO do các phi công không phải người Mỹ lái, lần đầu tiên sau hơn 70 năm”, báo cáo này kết luận.

Trong quá khứ, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có ý định đưa toàn bộ các loại vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh tại châu Âu về nước theo khuôn khổ của một hiệp ước giải giáp vũ khí hạt nhân với Nga, song kế hoạch này đã bị hủy bỏ sau khi quan hệ giữa Washington và Moscow đi xuống trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ của ông. Thay vào đó, chính quyền đã chấp thuận một chương trình có trị giá 10 tỉ USD nhằm nâng cấp các loại vũ khí hạt nhân ở châu Âu để đảm bảo độ chính xác của chúng.

Tổng thống Donald Trump cũng tỏ ra đồng tình với kế hoạch này. Trong một bài phát biểu vào tháng trước, ông Trump nói rằng: “Chúng ta phải nâng cấp và phát triển lại vũ khí hạt nhân với hi vọng rằng sẽ không phải dùng đến chúng, nhưng chúng cũng phải có sức mạnh đủ lớn để có thể ngăn ngừa bất kỳ hành động gây hấn nào của các nước trên thế giới”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại