"Vũ khí đặc biệt" của Tổng thống Putin khiến phương Tây không thể phớt lờ Nga

Kiều Anh |

Dù là lực lượng tập trung ở biên giới với Ukraine hay các xe tăng đang di chuyển khắp đất nước, sức mạnh quân sự đã khiến thế giới phải lắng nghe những yêu cầu của Nga khi nước này muốn định nghĩa lại về an ninh châu Âu.

Tổng thống Putin đã biến hiện đại hóa quân đội là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông. Sau những năm bị xem nhẹ thời hậu Liên Xô, lực lượng vũ trang Nga đã nhận được những chiến đấu cơ, xe tăng và tên lửa mới nhất, cũng như xây dựng được các căn cứ mới ở Bắc Cực và nối lại các cuộc tuần tra máy bay ném bom chiến lược.

Hiện nay, các chuyên gia nhận định, việc hiện đại hóa quân đội Nga đã trở thành một công cụ quan trọng trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Putin. Dmitri Trenin, giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow đánh giá, ông Putin là một người biết "nghĩ lớn".

"Cuộc khủng hoảng Ukraine đã cho thấy, lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga sẵn sàng sử dụng lực lượng quân sự để ngăn cản sự mở rộng của NATO sang các nước từng thuộc Liên Xô", chuyên gia này cho hay.

“Không thể bị đánh bại”

Trong nhiều tháng qua, hình ảnh xe tăng Nga tập trung gần biên giới với Ukraine hoặc các đoàn tàu chở các bệ phóng tên lửa cùng các phương tiện khác xuất hiện liên tục trên truyền thông.

Ngoài ra, Nga cũng phô diễn sức mạnh quân sự của mình trong cuộc tập trận với Belarus với sự xuất hiện của các hệ thống vũ khí hiện đại như hệ thống tên lửa đất đối không S-400 và hệ thống phòng không Pantsir.

Tháng trước, Nga cũng thông báo sẽ tiến hành một loạt các cuộc tập trận hải quân ở Đại Tây Dương, Bắc Băng Dương, Thái Bình Dương, Địa Trung Hải và một số nơi khác.

Với khoảng 1 triệu quân nhân thường trực và các vũ khí tiên tiến nhất, quân đội Nga là một trong những lực lượng mạnh nhất và lớn nhất trên thế giới.

Nga cũng có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ hai thế giới và số lượng lớn tên lửa đạn đạo.

Tổng thống Putin thậm chí từng nhắc đến việc phát triển một số loại vũ khí "không thể bị đánh bại" có thể vượt qua các hệ thống hiện nay, trong đó có các tên lửa liên lục địa Sarmat và tên lửa hành trình Burevestnik.

Trong những năm gần đây Nga đã tận dụng sức mạnh quân sự để đạt được những lợi thế về đối ngoại nhằm gia tăng vị thế và ảnh hưởng của mình. Hồi tháng 1, Nga điều động binh lính tới Kazakhstan như một phần trong chiến dịch gìn giữ hòa bình giữa bối cảnh quốc gia Trung Á này đối mặt với tình trạng bất ổn tồi tệ nhất trong 3 thập kỷ.

Năm 2015, Nga từng hỗ trợ chiến dịch không kích ở Syria, đảo chiều cuộc xung đột phức tạp ở nước này theo hướng có lợi cho chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Sự can thiệp của Nga sau đó đã giúp Tổng thống Assad giành lại phần lớn lãnh thổ từng rơi vào tay IS và lực lượng đối lập. Syria cũng là một khu vực huấn luyện giá trị của quân đội Nga.

“Đánh động” với phương Tây

Các nhà quan sát và các quan chức phương Tây đánh giá, Tổng thống Putin đã cho thấy những dấu hiệu khác nhau về kế hoạch tấn công Ukraine, khi mà các lực lượng quân sự của Nga tiếp tục tiến hành các hoạt động cho thấy lực lượng này không chỉ sẵn sàng chiến đấu mà còn cản trở bất kỳ nỗ lực can thiệp nào của Mỹ và NATO.

Tổng thống Biden, người cảnh báo hôm 15/2 rằng số lượng binh lính Nga tập trung quanh Ukraine đã lên đến con số 150.000, đã loại trừ khả năng triển khai quân đội Mỹ để tham chiến. Theo nhà lãnh đạo này, một động thái như vậy có nguy cơ gây ra một cuộc chiến tranh thế giới. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đưa ra những nhận định tương tự về khả năng can thiệp quân sự của phương Tây.

Khả năng tập trận hạt nhân trên quy mô lớn, sự hiện diện của các hệ thống phòng không tiên tiến tại Belarus cùng một số nơi khác, cũng như các vũ khí hải quân đầy uy lực ở Biển Đen và Địa Trung Hải của Nga đã khiến phương Tây hiểu rõ mức độ khó khăn và nguy hiểm nếu can thiệp vào cuộc xung đột này.

Một quan chức tình báo cấp cao của phương Tây nhận định, ý định của Nga khi tiến hành tập trận là "gửi đi một thông điệp tới phương Tây rằng, Nga có những khả năng chiến lược và nếu bị đẩy đi quá xa, Moscow có lẽ sẽ sử dụng chúng".

Nhà quan sát Mathieu Boulègue, học giả nghiên cứu về chương trình Nga và Á - Âu tại Chatham House cũng có cùng quan điểm khi cho rằng: "Đó là dấu hiệu gửi tới phương Tây và NATO. Nga muốn nói rằng: 'Đừng có bất kỳ động thái gì. Đừng làm bất kỳ điều gì ngu ngốc bởi chúng tôi có thể nhanh chóng leo thang tới ngưỡng chiến tranh hạt nhân nếu cần".

Nga khẳng định sức mạnh hải quân của mình bằng cuộc tập trận trên quy mô lớn ngày 15/2 ở Địa Trung Hải. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã giám sát cuộc tập trận với sự tham gia của hơn 15 tàu chiến từ hạm đội Thái Bình Dương, hạm đội phương Bắc và hạm đội Biển Đen.

Nga cũng đã di chuyển một hạm đội tàu hải quân tới Biển Đen, trong đó có các tàu đổ bộ lớp Ropucha. Một tàu ngầm lớp Kilo của Nga cũng được phát hiện đi qua eo biển Bosporus để vào Biển Đen trong tuần này. Washington Post đánh giá, thông báo về việc đóng cửa phần lớn Biển Azov được đưa ra mặc dù sau đó đã bị dỡ bỏ, cho thấy khả năng Nga có thể phong tỏa Ukraine.

"Đó là dấu hiệu cho thấy Nga sẽ kết hợp một chiến dịch trên đất liền, trên không và trên biển", Đô đốc đã nghỉ hưu James G. Foggo III, cựu chỉ huy Lực lượng Hải quân Mỹ ở châu Âu - châu Phi nhận định.

Cựu quan chức này cũng cho rằng, bên cạnh khả năng tấn công Ukraine, sự hiện diện trên biển ở quy mô lớn cho thấy Nga có thể khiến 3 nước NATO ở Biển Đen đứng ngồi không yên.

Công cụ hiệu quả

"Quân đội là một công cụ hiệu quả để gây ảnh hưởng", Vasily Kashin, nhà phân tích quân sự tại Trường Đại học Kinh tế Moscow nhận định với AFP.

Một số nhà phân tích phương Tây chỉ ra rằng, ngoài việc phô diễn lực lượng, Nga hầu như có rất ít công cụ quyền lực để củng cố ảnh hưởng trên trường quốc tế.

Dù vậy, nhà quan sát Kashin cho rằng, dù đáng gờm đến đâu, quân đội Nga khó cạnh tranh với Mỹ và nếu chiến tranh nổ ra, sẽ không có bên nào giành chiến thắng.

"Về lý thuyết, quân đội Nga có thể chống lại các lực lượng của NATO tại châu Âu một thời gian nhưng đối với các vũ khí theo quy ước, Mỹ có ưu thế đáng kể so với Nga".

Nhà quan sát này cũng cho rằng: "Bất kỳ cuộc xung đột quân sự trực tiếp nào với NATO ở châu Âu đều sẽ dẫn đến sự leo thang căng thẳng không thê kiểm soát và biến thành một cuộc chiến tranh hạt nhân".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại