Vũ khí châu Á: Có một "ông trùm" mới đang vươn lên mạnh mẽ

QS |

Báo cáo năm nay của SIPRI đặc biệt ghi nhận sự vươn lên của Hàn Quốc trong vai trò nước sản xuất vũ khí quan trọng trên thế giới.

Trong bản báo cáo thường niên về tình hình buôn bán vũ khí trên toàn thế giới được công bố hôm 11/12 tại Stockholm, Thụy Điển, Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI) ghi nhận rằng sau 5 năm sụt giảm, hoạt động buôn bán vũ khí đã gia tăng trở lại trong năm 2016.

Danh sách các "đại gia" vũ khí vẫn không thay đổi, với Mỹ đi đầu, bán ra 57,9% lượng vũ khí trên toàn cầu, đứng thứ nhì là Anh, nhưng rất xa đằng sau với 9,6%, bám sát là Nga với 7,1%, và Pháp đứng thứ tư với 5%.

Một trong những nguyên nhân thúc đẩy các thương vụ vũ khí, theo Viện SIPRI, là tình hình căng thẳng gia tăng tại một số khu vực, đứng đầu là tại châu Á, mà cụ thể là ở bán đảo Triều Tiên, với mối đe dọa tên lửa và hạt nhân Bình Nhưỡng ngày càng rõ nét, và ở Biển Đông, nơi các hành động bành trướng của Trung Quốc buộc các láng giềng tăng cường năng lực quân sự để đối phó.

Báo cáo năm nay của SIPRI đặc biệt ghi nhận sự vươn lên của Hàn Quốc trong vai trò nước sản xuất vũ khí quan trọng trên thế giới, chủ yếu là để tự trang bị cho quân đội của mình nhưng đồng thời cũng đã bắt đầu xuất qua nhiều nước khác trong vùng và ngoài vùng.

Vào năm 2016, ngành công nghiệp vũ khí Hàn Quốc chiếm giữ đến 2,2% doanh thu của 100 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu trên thế giới.

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên rõ ràng đã khiến chính phủ Hàn Quốc gia tăng đáng kể chi phí quân sự của mình và đặt hàng cho ngành công nghiệp vũ khí trong nước. Theo số liệu của SIPRI, tỷ lệ chi tiêu của chính phủ Hàn Quốc dành cho quốc phòng trong năm 2016 thuộc hàng cao nhất thế giới.

Từ sản xuất cho nhu cầu trong nước, Hàn Quốc đã nhanh chóng chuyển qua cung cấp cho các nước khác, với mục tiêu là trở thành một nhà cung cấp vũ khí quan trọng trên thế giới.

Theo số liệu chính thức, xuất khẩu vũ khí của Hàn Quốc trong năm 2006 chỉ đạt 253 triệu USD, nhưng qua năm 2016 đã đạt 2,5 tỷ USD. Các loại tên lửa, pháo phản lực, tàu ngầm và máy bay chiến đấu của Hàn Quốc được đặc biệt ưa chuộng tại vùng Đông Nam Á, Đông Âu và Nam Mỹ.

Theo SIPRI, 7 tập đoàn vũ khí Hàn Quốc hiện thuộc số 100 hãng sản xuất vũ khí hàng đầu trên thế giới. Nổi bật là Tập đoàn Công Nghiệp Hàng Không Hàn Quốc (KAI) xếp hạng thứ 48. Đây là nhóm đã phát triển loại phi cơ huấn luyên siêu âm T-50 Golden Eagle với hãng Lockheed Martin của Hoa Kỳ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại