Mỹ, Anh, Ukraine và một loạt thành viên trong Liên minh châu Âu (EU) đã phản đối gay gắt về đường ống này kể từ khi nó được công bố lần đầu tiên vào năm 2015, cảnh báo rằng dự án này sẽ làm tăng tầm ảnh hưởng của Moscow lên châu Âu.
Đường ống dài 1.200 km được hoàn thành vào tháng 9 năm ngoái và đang chờ chứng nhận cuối cùng. Mặc dù đường ống này chưa đi vào hoạt động, nó đã đóng vai trò là cái gai lớn giữa các đồng minh truyền thống trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Nga và phương Tây.
Theo các chuyên gia, điều này là một chiến thắng lớn cho Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Bà Kristine Berzina, thành viên cấp cao của Quỹ Marshall Đức ở Mỹ, một trung tâm nghiên cứu phi đảng phái, cho biết Moscow được hưởng lợi từ những tranh cãi về đường ống này. Bà nói với CNN: "Mọi thứ về đường ống Nord Stream 2 đều là thắng lợi cho Nga. Nếu mục đích của Nga là phá vỡ sự đoàn kết trong EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đường ống này là một phương tiện tuyệt vời".
Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Ảnh: Nord Stream 2
Trong nhiều năm, cả Nga và Đức đều khẳng định Nord Stream 2 chỉ đơn thuần là vấn đề kinh doanh và không liên quan đến chính trị.
Nhưng tại miền Trung và Đông châu Âu, nơi các đường ống dẫn khí đốt từ Nga đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất điện và sưởi ấm, vấn đề lại mang tính chính trị hơn là an ninh năng lượng. Trong khi giá khí đốt tự nhiên đã gần cao kỷ lục, nhiều người lo ngại sự leo thang căng thẳng có thể gây thêm thiệt hại cho người tiêu dùng châu Âu.
Và mặc dù Nga phủ nhận việc dùng năng lượng để gây áp lực, Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã chỉ trích Moscow vì góp phần vào cuộc khủng hoảng giá khí đốt ở châu Âu bằng cách cắt giảm nguồn cung.
Mỹ và châu Âu đang chuẩn bị cho khả năng Nga có thể vũ khí hóa hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu để trả đũa bất kỳ lệnh trừng phạt nào. Chính quyền Tổng thống Joe Biden thường xuyên thảo luận với một số nước châu Âu, Trung Đông và châu Á về việc đẩy mạnh sản xuất khí hóa lỏng sang châu Âu trong trường hợp Nga tấn công Ukraine dẫn đến tình trạng thiếu khí đốt.
Thông tin này được nhiều quan chức Mỹ tiết lộ với đài CNN.
Ảnh: Nord Stream 2 AG.
Với tư cách là khách hàng khí đốt lớn nhất của Nga, Đức không muốn sử dụng Nord Stream 2 để gây áp lực lên Moscow. Chưa đầy 2 tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht phản đối việc kéo Nord Stream 2 vào cuộc xung đột.
Tuy nhiên, khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây leo thang vì Ukraine, tuyên bố này đã bị Đức lẳng lặng hủy bỏ. Dưới áp lực của Mỹ, tuần trước Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Baerbock thừa nhận Nord Stream 2 có thể nằm trong 1 loạt lệnh trừng phạt nhắm vào Nga vì liên quan đến Ukraine.
Cùng lúc, Mỹ phần nào giảm bớt sự phản đối nhắm vào Nord Stream 2. Vào đầu tháng này, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu bác bỏ đạo luật của Thượng nghị sĩ Ted Cruz về việc trừng phạt các thực thể có liên quan đến Nord Stream 2. Chính quyền Tổng thống Biden cho rằng các lệnh trừng phạt liên quan đến đường ống sẽ làm suy giảm nỗ lực của Mỹ trong việc ngăn chặn mối đe dọa từ Nga.
Hiện tại, Nga cần Ukraine vì một lượng lớn khí đốt nước này bán cho châu Âu vẫn phải thông qua lãnh thổ của Ukraine. Nord Stream 2 không đi qua Ukraine và nhờ nó, Nga sẽ dễ dàng cô lập Kiev hơn.