Vụ Iran bắn hạ UAV do thám Mỹ: Các bên đã chạm “giới hạn đỏ”?

Đình Nam |

Nguy cơ đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran đang cận kề hơn bao giờ hết, khiến cả thế giới lo lắng kêu gọi các bên kiềm chế.

Liên quan đến vụ Iran bắn hạ máy bay do thám không người lái (UAV) của Mỹ vào tối qua (20/6), các bên liên quan hôm nay (21/6) lớn tiếng đổ lỗi cho nhau về sự khiêu khích, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lập tức tuyên bố Iran đã phạm “sai lầm” lớn và chuyển thông điệp tới Iran qua Oman rằng Mỹ có thể tấn công quốc gia vùng Vịnh này bất cứ lúc nào.

Trong khi đó, Iran tuyên bố Mỹ đã khiêu khích khi xâm phạm không phận nước này. Nguy cơ đối đầu quân sự giữa Mỹ và Iran đang cận kề hơn bao giờ hết, khiến cả thế giới lo lắng kêu gọi các bên kiềm chế.

Chỉ ít giờ sau thông tin Iran tuyên bố bắn hạ máy bay không người lái, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi đó là sai lầm lớn của Iran: “Iran đã phạm sai lầm lớn. Máy bay không người lái của Mỹ thời điểm đó vẫn ở vùng biển quốc tế. Chúng tôi có những bằng chứng cụ thể. Iran đã phạm sai lầm tồi tệ”.

Một nguồn tin tiết lộ, Tổng thống Trump đã phê chuẩn lệnh tấn công vào một số mục tiêu của Iran như hệ thống rađar và bệ phóng tên lửa của Iran ngay sau vụ việc, song sau đó đã nhanh chóng rút lại lệnh tấn công.

Còn hãng tin Reuters cho biết, ngay trong đêm qua, Tổng thống Mỹ đã gửi một thông điệp, trung gian qua Oman, cảnh báo có thể tấn công Iran bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, trong thông điệp, ông Trump nhấn mạnh, ông không muốn có chiến tranh với Iran và chỉ mong muốn đối thoại.

Phản ứng trước thái độ của Mỹ, lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố, sẽ chỉ nghe thông điệp của Tổng thống Mỹ mà không chấp nhận “bất kỳ hình thức đối thoại nào”.

Cùng ngày, Iran cũng cho biết, họ có bằng chứng “không thể tranh cãi” cho thấy máy bay không người lái Mỹ bị Tehran bắn hạ đã xâm phạm không phận của nước này. Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Iran, Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araghchi đã trao đổi với Đại sứ Thụy Sĩ Markus Leitner về bằng chứng mà Iran có được.

Ông Araghchi còn tiết lộ, một số bộ phận của máy bay không người lái này đã được trục vớt từ lãnh hải của Iran. Ông cũng hối thúc các lực lượng Mỹ “tôn trọng không phận và hải phận của Iran cũng như tuân thủ hoàn toàn các quy định quốc tế”.

Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng đã kêu gọi Liên Hợp Quốc bắt tay vào điều tra vụ việc, để khẳng định các tuyên bố của Mỹ liên quan đến vấn đề là không đúng.

Tuy nhiên, cũng giống như Mỹ, sau vụ việc, Iran tuyên bố không muốn có chiến tranh, đồng thời cảnh báo các lực lượng Mỹ không nên có biện pháp thiếu thận trọng nào ở khu vực. Tehran sẽ không do dự, kiên quyết bảo vệ lãnh thổ nước này trước bất cứ hành động gây hấn nào.

Căng thẳng Mỹ - Iran liên tục bị đẩy lên cao, ngày càng nghiêm trọng hơn. Người phát ngôn Liên Hợp Quốc, ông Stephan Dujarric hôm qua (20/6) kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa:

“Tổng thư ký Liên Hợp quốc Guterres đang rất quan tâm đến sự việc. Ông ấy cảnh báo bất kỳ dấu hiệu leo thang căng thẳng nào, kêu gọi tránh một cuộc xung đột lớn ở khu vực. Tôi nghĩ điều quan trọng là tất cả các bên kiềm chế tối đa và tránh mọi hành động có thể dẫn đến xung đột. Tuy nhiên, sự thật cần phải được tìm ra”.

Trước những diễn biến phức tạp tại vùng Vịnh, mốt số nước cũng đã có những hoạt động nhằm chuẩn bị đối phó với các nguy cơ xấu có thể xảy ra. Ấn Độ đã điều tàu chiến đến vùng Vịnh để tiến hành các chiến dịch đảm bảo an ninh hàng hải.

Phía Ấn Độ cho biết, mục đích của động thái này là “trấn an các tàu treo cờ Ấn Độ hoạt động quá cảnh tại vùng Vịnh Persian và Vịnh Oman, sau các sự cố an ninh hàng hải trong khu vực.

Hiện hãng hàng không United Airlines của Mỹ cũng đã thông báo ngừng các chuyến bay từ Newark, bang New Jersey,Mỹ đi Mumbai, Ấn Độ sau khi đánh giá về độ an toàn của chuyến bay liên quan tới các diễn biến mới tại vùng Vịnh./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại