Sự việc máy bay trinh sát IL-20, với 15 thành viên phi hành đoàn, bị bắn hạ trong đêm 17/9 không phải là thảm kịch tồi tệ nhất đối với Nga trong 3 năm tiến hành chiến dịch quân sự tại Syria.
Tuy nhiên, có lẽ đây là trường hợp khó lý giải nhất cho tới nay. Nguyên nhân không phải là do lỗi kỹ thuật, như vụ rơi máy bay vận tải An-26 hôm 6/3, khiến 32 người thiệt mạng. Ở đây, tên lửa đất-đối-không S-200 của phòng không Syria đã bắn hạ chiếc IL-20.
Sáng 18/9, Bộ Quốc phòng Nga đưa ra lời lý giải chính thức đầu tiên cho thảm kịch, trong đó kiên quyết quy trách nhiệm cho Không quân Israel, cáo buộc lực lượng này đã dùng chiếc IL-20 làm lá chắn trong cuộc không kích do 4 chiến đấu cơ F-16 Israel tiến hành.
Tel Aviv đã bác bỏ cáo buộc trên nhưng để lại cho giới chỉ huy Nga nhiều câu hỏi liên quan đến việc bên nào phải chịu trách nhiệm thực sự cho vụ "đồng minh bắn nhầm" này.
Theo nhà phân tích Pavel K. Baev của tổ chức tư vấn Jamestown Foundation (JF), điều khiến cho "trò chơi đổ lỗi" này ngày càng phức tạp hơn đó là 4 bước lùi của Nga trong 3 năm can thiệp quân sự tại Syria.
Mô phỏng máy bay IL-20 của Nga bị phòng không Syria bắn nhầm. Nguồn: Military Freaks
Bước lùi đầu tiên diễn ra một ngày trước khi tên lửa S-200 bắn trúng chiếc IL-20M. Khi vụ việc xảy ra, chiếc IL-20 đang thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo trên bầu trời tỉnh Idlib do phiến quân kiểm soát.
Đặc biệt, vào thời điểm đó, lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad đang chuẩn bị tiến hành một đợt tấn công lớn vào Idlib – nơi nhiều nhóm nổi dậy, trong đó có tàn dư của al-Qaeda, đã rút lui về. Tuy nhiên, kế hoạch này sau đó bất ngờ bị hủy bỏ.
Các nhà bình luận Nga đã phải tốn rất nhiều công sức để lý giải cho sự thay đổi này. Lý do được đưa ra là cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Sochi sau cuộc gặp thượng đỉnh 3 bên không thu được kết quả gì ở Tehran.
Ông Baev nhận định, có vẻ như, theo quan điểm chiến lược của Tổng thống Putin, mối quan hệ đối tác chiến lược với Thổ Nhĩ Kỳ quan trọng hơn nhiều so với "một chiến thắng khác" ở Syria.
Ông Shoigu tuyên bố "Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vụ bắn hạ IL-20 và sự hy sinh của phi hành đoàn". Xử lý ảnh: Thi Anh
Bước lùi thứ hai là những tác động tới mối quan hệ giữa Nga với Israel. Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, trong đó nhấn mạnh rằng Israel phải chịu toàn bộ trách nhiệm cho thảm kịch IL-20 và cảnh báo về "những biện pháp đáp trả tương xứng", có vẻ quyết liệt đến mức vô lý.
Tuyên bố này đã làm dấy lên một làn sóng "yêu nước" tức thời và một làn sóng chống Israel trên các mạng xã hội và các hãng truyền thông chính thức của Nga. Ông Putin đã phải đưa ra tuyên bố để làm dịu đi những phản ứng quá khích.
Tướng Amikam Norkin, Tư lệnh Không quân Israel, đã tới Moscow để cung cấp báo cáo tổng quát về vụ IL-20, mục đích rõ ràng là làm sáng tỏ những cáo buộc liên quan tới cuộc không kích của Israel. Tuy nhiên, nhiều người Nga không mấy bận tâm tới các thông tin kỹ thuật này.
Sự hòa giải miễn cưỡng với Israel đã làm bộc lộ những thiếu sót lớn trong chiến dịch hỗ trợ quân sự của Nga đối với chính quyền al-Assad, và đây chính là rào cản thứ 3 đối với Moscow trong quá trình can thiệp vào Syria.
Các cố vấn quân sự Nga cần đảm bảo rằng hệ thống phòng không Syria sẽ hoạt động tương thích với chiến dịch không quân của Moscow. Tuy nhiên, vụ IL-20 đã để lộ ra vấn đề rằng, không hề có sự kết nối giữa các tổ hợp tên lửa Syria và căn cứ không quân Khmeimim, nơi phi đoàn máy bay của Nga được triển khai.
"Khả năng yếu kém của lực lượng Syria không có gì là lạ, nhưng "sai lầm ngớ ngẩn" của bộ chỉ huy quân sự Nga trong việc kiểm soát không phận xung quanh căn cứ chủ lực của mình thì khó mà giấu giếm cho được" - Ông Baev viết.
Có lẽ là nhằm khắc phục những điểm yếu nghiêm trọng trong năng lực phòng không của Syria mà hôm 29/9, Moscow tuyên bố sẽ cung cấp các tổ hợp S-300 cho Damascus.
Theo vị chuyên gia, bên được lợi nhất trong vụ tranh cãi xung quanh thảm kịch IL-20 chính là Iran, bởi họ luôn tìm cách khơi mào xung đột giữa Nga-Israel và tăng cường sự kiểm soát đối với chính quyền al-Assad.
An-124 Ruslan vận chuyển S-300 tới Syria. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga.
Bước lùi thứ 4 của Nga là sự thất bại của Moscow trong việc gây áp lực lên các chính sách của Mỹ tại Syria. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với toàn vẹn lãnh thổ Syria đến từ bờ đông sông Euphrates, khu vực mà Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), do người Kurd dẫn đầu và được Mỹ hậu thuẫn, kiểm soát.
Tuy nhiên, cuộc tập trận của các lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại căn cứ al-Tanf hồi đầu tháng 9 đã ngăn cản các lực lượng Nga có thêm bất cứ bằng chứng mới nào theo hướng trên.
Việc Mỹ đe dọa tấn công tên lửa để đáp trả chiến dịch tấn công của quân al-Assad vào Idlib có vẻ là nhân tố lớn khiến ông Putin phải cân nhắc khi quyết định hủy bỏ chiến dịch này.
Ngoài ra, sự hiện diện của nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ - do tàu USS Harry S. Truman dẫn đầu tại Địa Trung Hải – đã tăng thêm sức nặng răn đe cho lời đe dọa của Mỹ trước các kế hoạch hung hăng của quân al-Assad và nhắc nhở Moscow rằng Hải quân Nga chỉ là một lực lượng nhỏ trên chiến trường này.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Pavel K. Baev