Vụ Houthi bắn hạ F-15: Lộ nhiều tình tiết bất thường, sự thật bị thêu dệt khủng khiếp

QS |

Theo ông Mizokami, trong vụ việc Houthi bắn hạ F-15, có rất nhiều phía, kể cả những phía không liên quan trực tiếp, đều đang thêu dệt nên nhiều câu chuyện.

Cuộc nội chiến ở Yemen có vẻ đã làm thiệt hại một tiêm kích F-15 do Mỹ sản xuất. Vài ngày trước, lực lượng nổi dậy Houthi công bố đoạn video, trong đó họ tuyên bố đã bắn hạ một chiến đấu cơ Panavia Tornado, tuy nhiên sau đó thông tin được thay đổi, chiếc máy bay xấu số trở thành F-15.

Đáp lại, chính phủ Saudi thông báo họ đã thiệt hại một "máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi" do lỗi kỹ thuật.

Theo nhà phân tích Kyle Mizokami, hiện khó có thể biết được thực hư trong vụ việc này, bởi các bên đều đang thêu dệt câu chuyện của riêng mình.

Thông tin nhiễu loạn

Trước đó, ngày 8/1, truyền thông Saudi Arabia đưa tin, một "máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi" của Không quân Hoàng gia Saudi đã thiệt hại tại Yemen.

Đại tá Turki Al-Malki, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Các lực lượng Liên quân Ả Rập, cho biết phi hành đoàn 2 người trên máy bay đã được cứu thoát an toàn. Khi xảy ra vụ việc, họ đang thực hiện nhiệm vụ "hỗ trợ thực thi công lý tại Yemen".

Phía Saudi thông báo chiếc máy bay phát sinh "lỗi kỹ thuật", còn dưới đây là đoạn video từ phía Houthi:

Hình ảnh được cho là tiêm kích F-15 liên quân trúng đạn tên lửa của phiến quân Houthi

Saudi không tiết lộ chiếc máy bay thiệt hại là loại nào. Chỉ biết rằng, Saudi Arabia là quốc gia đang nắm trong tay một trong những lực lượng không quân lớn nhất và mạnh nhất trên thế giới (dựa trên các con số trên giấy tờ).

Tính riêng các loại máy bay chiến đấu 2 chỗ ngồi thì họ hiện có 87 tiêm kích đa nhiệm F-15SA (do Mỹ sản xuất) và 81 máy bay tấn công Panavia Tornado IDS (của châu Âu).

Gần như cùng lúc với thời điểm chính phủ Saudi đưa ra thông báo trên, lực lượng nổi dậy Houthi tuyên bố họ đã bắn hạ một máy bay chiến đấu của liên quân trên bầu trời thủ đô Sana’a của Yemen.

Phía Houthi ngay lập tức tung tin đó là một chiếc Tornado – mẫu máy bay tấn công thời Chiến tranh Lạnh, được thiết kế để oanh tạc các mục tiêu nằm phía sau chiến tuyến đối phương.

Vụ Houthi bắn hạ F-15: Lộ nhiều tình tiết bất thường, sự thật bị thêu dệt khủng khiếp - Ảnh 2.

Máy bay chiến đấu Tornado IDS của Không quân Hoàng gia Saudi. Ảnh: Getty

Vấn đề trở nên rối rắm hơn khi hình ảnh mà Houthi tung lên mạng xã hội lại cho thấy chiếc máy bay trúng tên lửa đất-đối-không có vẻ là F-15.

Động cơ của chiếc F-15 bùng sáng trong đoạn video quay bằng camera hồng ngoại khi phi công trên chiếc máy bay kích hoạt chế độ đốt sau, có lẽ là phản ứng khi hệ thống cảnh báo tên lửa phát tín hiệu. Chiếc F-15 đã bắn pháo sáng mồi bẫy trước khi bị một vật thể đánh chặn từ phía dưới.

Không lâu sau đó, Houthi lên tiếng "chữa thông tin". Al masirah – cơ quan ngôn luận chính thức của lực lượng này – tuyên bố chiếc máy bay bị bắn hạ là F-15.

Tuy nhiên, sự phức tạp chưa dừng ở đó. Một đoạn video được đăng tải lại trên You Tube lại sử dụng hình ảnh chiếc Su-24M Fencer của Nga (gần giống với Tornado) bị Không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vào tháng 11/2015.

Ông Mizokami cho rằng, phía đã thêm những hình ảnh đó vào đoạn video không phải là lực lượng Houthi.

Su-24 Nga bị F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi năm 2015

Vũ khí nào bắn hạ F-15?

Một vấn đề khác được đặt ra là: Nếu chiếc máy bay bị bắn hạ thì nó đã bị bắn hạ như thế nào? Theo trang mạng Aviationist, đoạn video của Houthi được quay bằng camera ảnh nhiệt cố định FLIR Systems ULTRA 8500, loại thường lắp đặt trên trực thăng cảnh sát.

Phần tháp tròn của hệ thống có thiết bị theo dõi tự động, vì thế nó không mấy khó khăn khi theo dõi chiếc máy bay chiến đấu đang lao vun vút trên bầu trời. Điều đáng nói ở đây là Houthi không hề ngần ngại bộc lộ rằng họ đang sử dụng công nghệ của người Mỹ.

Theo một website tin tức hàng không khác, có nhiều đồn đoán rằng chiếc F-15 do hệ thống tên lửa đất-đối-không SA-2 "Guideline" bắn hạ.

Song, ông Mizokami cho rằng, nhận định này có phần không chắc chắn, bởi SA-2 là vũ khí dẫn đường bằng radar, trong khi F-15 đã phóng pháo sáng mồi bẫy trước khi bị bắn trúng – đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy viên phi công trên máy bay biết rõ mình đang bị ngắm bắn bởi một tên lửa dẫn đường bằng hồng ngoại.

Vụ Houthi bắn hạ F-15: Lộ nhiều tình tiết bất thường, sự thật bị thêu dệt khủng khiếp - Ảnh 4.

Tên lửa đất-đối-không SA-2 "Guideline". Ảnh: Getty

Cũng có tin đồn khác là Houthi đã chiếm giữ được các tên lửa đất-đối-không dẫn đường bằng radar R-27T và R-73 (do Nga sản xuất) từ tay lực lượng không quân Yemen, sau đó lắp đặt chúng trên các xe bán tải.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của ông Mizokami, thông tin này xuất phát từ website Southfront, trong khi không thấy được đề cập ở bất cứ trang tin nào khác. Mặc dù vẫn có khả năng Houthi lắp đặt tên lửa diệt máy bay lên xe bán tải nhưng hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ đã làm việc này và cái chính là thông tin trên chưa đủ mức độ tin cậy.

Rút cuộc F-15 hay Tornado là kẻ "bỏ mạng"?

Mọi việc càng trở nên lạ lùng hơn. Sau khi để thế giới xôn xao vì tin tức "máy bay chiến đấu bị bắn hạ" trong 2 ngày, trang tin Al Masirah của Houthi bất ngờ loan tin Không quân Houthi đã triển khai một "hệ thống đất-đối-không mới" ra chiến trường và chính hệ thống này đã đánh chặn cả 2 chiếc Tornado và F-15 trong cùng một ngày.

Al Masirah cho hay, hệ thống tên lửa mới đã bắn hạ chiếc Tornado và gây hư hại cho chiếc F-15.

Theo ông Mizokami, tuyên bố này nghe có vẻ thuyết phục hơn: Chiếc Tornado có lẽ đã rơi xuống và bị phá hủy hoàn toàn, nhưng chiếc F-15 có vẻ chỉ bị hư hại nhẹ, bởi sau khi trúng tên lửa, nó vẫn tiếp tục bay và có khả năng đã đến được sân bay của quân đồng minh. Phía Saudi không nhất thiết phải đưa ra báo cáo chi tiết về một chiếc máy bay chỉ bị hư hại nhẹ.

Ông Mizokami cho rằng, trong vụ việc này, rất nhiều phía, kể cả những phía không liên quan trực tiếp, đều đang thêu dệt nên nhiều câu chuyện để tư lợi.

Saudi chỉ thừa nhận rằng họ đã thiệt hại một chiếc máy bay vào ngày hôm đó do "trục trặc kỹ thuật" và không đả động đến bất cứ tình huống giao tranh nào. Houthi thì tuyên bố họ đã bắn hạ một chiếc máy bay và làm hư hại một chiếc khác, nhưng lại không nói rõ họ đã làm được điều đó như thế nào.

Trong khi đó, một số website tin tức đang tự biên tự diễn câu chuyện của họ, thêu dệt nên những gì đã xảy ra, còn một số nhân vật giấu mặt trên You Tube lại tìm cách làm rối ren tình hình khi đăng tải một đoạn video về vụ bắn hạ của Houthi, nhưng lại lồng hình ảnh vụ Su-24 Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ vào năm 2015.

Theo vị chuyên gia, đây là cuộc chiến tranh đang diễn ra vào thời đại Internet, vì vậy, sẽ phải mất khá nhiều thời gian mới có thể bóc trần được sự thật.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Kyle Mizokami

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại