Vụ hơn 500 giáo viên mất việc: Huyện cứ "nhét" chỉ tiêu về buộc trường ký hợp đồng

T.Nguyên |

Đột ngột bị chấm dứt hợp đồng, hàng trăm giáo viên bần thần cầu cứu, phó chủ tịch huyện nói không có cách nào khác. Tỉnh Đắk Lắk phải họp khẩn tìm giải pháp.

200 giáo viên đang hợp đồng dạy các môn không thuộc diện phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017 mới được UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) thông báo chấm dứt hợp đồng vào chiều 9/3. Hơn 400 giáo viên hợp đồng khác sẽ thi tuyển vào tháng 3/2018, nhưng chỉ có 83 người được chọn theo chỉ tiêu, số còn lại buộc chấm dứt hợp đồng.

Theo đó, tổng cộng hơn 500 giáo viên bị mất việc mà chưa biết đi đâu, làm gì để sống.

Giáo viên cầu cứu

Là một trong những giáo viên nhận thông báo chấm dứt hợp đồng, cô Nguyễn Hiền Diệu (giáo viên Trường THCS Ngô Mây, Krông Pắk, Đắk Lắk) nói với báo Tuổi trẻ, cô đã có 7 năm giảng dạy, nay đột ngột dừng công việc thì ai sẽ trả lại thanh xuân và những năm tháng trên bục giảng cho những người như cô.

Cô Diệu bần thần không biết sẽ làm gì mưu sinh, gia đình sẽ sống bằng cái gì.

"Chẳng lẽ chúng tôi đi làm thuê và ai sẽ thuê chúng tôi trong thời điểm này?... Không thể đá đổ chúng tôi một cách nhanh chóng như vậy được. Ai đó hãy đòi lại công bằng cho giáo viên chúng tôi!", cô Diệu nói trên Tuổi trẻ.

Cô giáo Nguyễn Thị Nhật Loan (trường THCS Ea Yông, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk) ký hợp đồng dạy môn Mĩ thuật cho trường này từ tháng 8/2011 đến thời điểm nhận thông báo hôm 9/3.

Nữ giáo viên này bày tỏ trên báo Dân trí: "Tôi muốn họ phải công bằng với chúng tôi vì nếu cắt hợp đồng thì chúng tôi sẽ đi đâu về đâu, những năm chúng tôi cống hiến cũng không được ghi nhận. Con gái tôi mới được 20 tháng tuổi mà giờ họ không cho đi làm thì tôi chưa biết làm gì để nuôi con đây…".

Thậm chí, theo thuật lại của báo Vietnamnet, có giáo viên đã thốt lên với phóng viên: Các anh chị cứu em với, cứu những giáo viên bọn em ở đây với!

Hiệu trưởng: Trên huyện cứ "nhét" chỉ tiêu về

Hiệu trưởng một Trường THCS trên địa bàn Krông Pắk thông tin trên báo Tuổi trẻ, nhà trường căng thẳng vì tình trạng thừa giáo viên. Ông nói rằng bản thân không hiểu căn cứ nào mà nhiều năm qua "ở trên huyện cứ "nhét" chỉ tiêu về buộc trường ký hợp đồng lao động.

Nhiều giáo viên ở những bộ môn mà nhà trường đã dư nhưng vẫn đưa về, việc sắp xếp lịch dạy hết sức khó khăn...".

Trách nhiệm tuyển dụng dư hàng trăm giáo viên thuộc về ai?

Tờ Lao động dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ cho hay, huyện Krông Pắk đã cho hợp đồng ngoài chỉ tiêu với 526 giáo viên, bổ nhiệm thừa 32 phó hiệu trưởng.

Báo Vietnamnet dẫn kết luận của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, ông Nguyễn Sỹ Kỷ (Phó Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2016) và ông Y Suôn Byă (Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2021) là 2 người được xác định đã ký tuyển dụng.

Trong đó, ông Kỷ chỉ đạo ký tuyển dụng hơn 400 trường hợp, ông Y Suôn Byă ký hơn 100 trường hợp.

Về việc tuyển dụng dư thừa giáo viên, một lãnh đạo Huyện ủy Krông Pắk nói với nguồn trên, trước năm 2011, việc tuyển dụng, bổ nhiệm phải được báo cáo huyện và được sự thông qua của Ban Thường vụ Huyện ủy. Thế nhưng, khi có quy định mới thì chủ tịch huyện được giao tự quyết việc tuyển dụng, bổ nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp.

Tin từ Sài Gòn giải phóng cho biết, ông Nguyễn Sỹ Kỷ đã bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk ra quyết định cảnh cáo về mặt Đảng do không thực hiện theo tinh thần kết luận của thanh tra tỉnh về tuyển dụng thừa giáo viên. Trường hợp ông Y Suôn Byă cũng nằm trong diện kiểm tra.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk Ngô Thị Minh Trinh khi trao đổi với báo Dân trí đã bày tỏ, huyện đã kéo dài thời gian để bố trí cho các giáo viên nhưng "vẫn không còn cách nào khác".

Bà nói: "Những người trong biên chế cũng còn tinh giản huống chi là hợp đồng nên rất mong báo chí hãy chia sẻ với huyện nhà".

Vụ hơn 500 giáo viên mất việc: Huyện cứ nhét chỉ tiêu về buộc trường ký hợp đồng - Ảnh 1.

Phòng GD&ĐT huyện Krông Pắk. Ảnh: Infonet

Tỉnh Đắk Lắk họp khẩn

Hôm nay (11//3), dù là ngày nghỉ nhưng UBND tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức họp khẩn để tìm giải pháp quanh sự việc gây xôn xao dư luận này.

Bà Ngô Thị Minh Trinh (Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk) cho biết trên báo Người lao động, đến trưa cùng ngày, cuộc họp vẫn đang diễn ra, chưa có kết quả cuối cùng.

Bộ GD&ĐT vào cuộc, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị kịp thời có giải pháp

Ông Hoàng Đức Minh (Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT) thông tin, Cục đã trực tiếp xác minh làm rõ sự việc này. Ông Minh viện dẫn Nghị định số 115/2010/NĐ-CP và cho biết việc tuyển dụng giáo viên thuộc quyền hạn của địa phương, cụ thể là huyện Krông Pắk.

Vị này khẳng định đã yêu cầu Sở GD&ĐT tinh Đắk Lắk báo cáo chi tiết sự việc, sau đó Cục sẽ có văn bản đề nghị giải quyết bảo đảm quyền lợi của các giáo viên.

Theo báo Sài Gòn Giải phóng, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có công văn gửi Liên đoàn Lao động tỉnh, Sở GD& ĐT, Công đoàn Giáo dục tỉnh đề nghị các cơ quan liên quan sớm có giải pháp bố trí việc cho giáo viên theo hướng tiếp nhận tối đa các giáo viên vào làm việc ở địa bàn tỉnh.

Với những giáo viên không bố trí được giảng dạy cần đảm bảo hỗ trợ đời sống, giúp họ tìm việc làm mới phù hợp, hỗ trợ kinh phí để số giáo viên mất việc đi học nghề để ổn định cuộc sống cho bản thân và gia đình...

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại