Khảo sát "sai sự thật"?
Vụ học sinh Trần Chí Kiên, lớp 2A4 bị gãy xương đùi tại trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội vào ngày 1/12/2016 với nhiều thông tin trái chiều đang được dư luận quan tâm trong thời gian qua.
Đáng chú ý là những trình bày của Ban Giám hiệu nhà trường luôn "thay đổi theo thời gian" càng khiến dư luận đặt dấu hỏi.
Trao đổi với PV vào chiều 17/2, cô giáo Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp cháu Kiên đã bày tỏ sự bức xúc về những thông tin "sai sự thật" trong phiếu khảo sát của giáo viên trường tiểu học Nam Trung Yên.
Theo cô Nhung, trong "Báo cáo sự việc cần xem xét" có chữ ký của Hiệu trưởng Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu phó và Chủ tịch công đoàn ghi:
"Ngày 12/12/2016, bố cháu Kiên có đến trường trao đổi với cô giáo Nhung mong muốn cô giáo chủ nhiệm và nhà trường khảo sát tìm nguyên nhân cháu Kiên bị ngã để gia đình có hướng điều trị phù hợp.
Việc làm phiếu khảo sát cô Nhung đã tư vấn cho cấp ủy, BGH và nhà trường tiếp thu ý kiến của gia đình, thống nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô Hương chỉ đạo các cô giáo có liên quan làm rõ việc này".
Về việc này, theo cô Nhung: "Nếu Ban Giám hiệu nói tôi là người đã tư vấn cho cấp ủy và nhà trường thì là sai sự thật. Tôi thực sự cảm thấy rất bất ngờ về tính khách quan của bản báo cáo này.
Phiếu khảo sát nhà trường nói với học sinh và giáo viên là "làm phục vụ cho thanh tra tháng 3 của phòng GD&ĐT về công tác an toàn, an ninh trường học".
Buổi trưa hôm lấy phiếu khảo sát, tôi và một giáo viên không tham gia trông bán trú ở trường nên đã đi về.
Khi các giáo viên được mời lên để lấy phiếu khảo sát họ cũng rất ngỡ ngàng và nhiều người còn không biết chuyện gì đang xảy ra chỉ biết có một học sinh bị ngã chứ không biết ngã thế nào.
Còn việc lấy phiếu khảo sát thì tôi hoàn toàn bị động vì khi tôi đang ở lớp thì cô Hương (hiệu phó) và một giáo viên chủ nhiệm cũ của học sinh tới lớp và khảo sát. Tôi nghĩ tôn trọng việc ban giám hiệu lấy ý kiến để khách quan.
Ngày hôm sau tôi được điều động đi đến các lớp với vai trò là đoàn viên thanh niên và hiệu trưởng muốn khảo sát học sinh về việc muốn an toàn, an ninh trường học, phục vụ cho việc thanh kiểm tra vào tháng 3 chứ không phải vì mục đích về vụ tai nạn liên quan đến em Kiên".
Cô Trần Thị Thu Nhung.
Theo cô Nhung, ngay cả khi các giáo viên được mời lên làm phiếu khảo sát họ cũng chỉ được thông báo giống như học sinh.
Nội dung của phiếu khảo sát cũng chỉ xoay quanh vấn đề giáo viên có thường xuyên nhắc nhở học sinh an toàn khi vui chơi, học sinh chơi ở đâu? Chơi với ai? Có thấy ô tô vào trường trong giờ ra chơi hay không?...
"Xung quanh vụ việc này, bản thân tôi thấy rất bức xúc. Học sinh ngã gãy chân nhưng tôi lại là người biết cuối cùng. Khi học sinh bị ngã, đưa vào sơ cứu tôi ở ngay phòng hội đồng nhưng không ai tìm tôi.
Khi tôi đi xuống dưới thì thấy đúng học sinh của mình đang trên taxi cùng với cô ở phòng y tế và bác bảo vệ đưa đi viện.
Trong báo cáo có ghi đồng chí Hòe giáo viên lớp 1A5 có báo lại ban giám hiệu là học sinh Trần Chí Kiên bị ngã.
Điều này không đúng sự thật vì đồng chí Hòe không phải là người báo cáo vì khi tôi biết học sinh của mình có chuyện, tôi xuống phòng giám hiệu thì cô Hòe mới đến và lúc đó mới biết sự việc", cô Nhung cho hay.
Phiếu khảo sát.
Chia sẻ quanh câu chuyện này, cô Nhung cho biết: Hiện nay tập thể giáo viên rất tâm tư vì bị dư luận hiểu nhầm và họ sẵn sàng đứng lên nói đúng sự thật. Để xảy ra sự việc như này bản thân cô thấy có trách nhiệm với học sinh của mình.
Ảnh hưởng đến tâm lý giáo viên, học sinh
Cô Nguyễn Thanh Tú, một giáo viên khác của Trường Tiểu học Nam Trung Yên cho biết, kết quả khảo sát 100% học sinh cũng như giáo viên của nhà trường là không có ôtô nào đi vào trường trong thời gian cháu Kiên xảy ra tai nạn không phản ánh đúng sự thật.
Cô Nguyễn Thanh Tú.
"Khi phát phiếu khảo sát thì hầu như giáo viên và học sinh trong trường không hề biết có vụ tai nạn khiến em Kiên bị gãy xương đùi.
Ngoài ra việc khảo sát đưa cho giáo viên vào buổi trưa, nhiều giáo viên như tôi không bán trú, không có mặt tại trường thì không biết về khảo sát này.
Khu xảy ra tai nạn ở vị trí sân sau là nhà để xe, cấm học sinh chơi ở khu đó. Vụ tai nạn chỉ có bảo vệ và cô giáo hiệu trưởng và hiệu phó biết", cô Tú chia sẻ.
Đồng quan điểm đó, cô Vũ Thị Mừng cũng cho hay, những thông tin mà Hiệu trưởng và Hiệu phó nhà trường cung cấp về việc khảo sát là không đúng sự thật, gây ảnh hưởng tới tâm lý của học sinh, giáo viên.
Cô Vũ Thị Mừng.
"Hiện cơ quan công an đã vào cuộc điều tra từ nhân chứng, lái xe... từ đó nhanh chóng kết lại vụ việc tại đây để mang lại tâm lý học tập và làm việc cho học sinh và giáo viên chúng tôi", cô Mừng bày tỏ.
Trước đó, trong chiều nay, khi phóng viên đến trường, đề nghị được gặp, trao đổi về các vấn đề giáo viên nêu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên Tạ Thị Bích Ngọc cho biết, không ở trường và bận nên không đồng ý gặp, trả lời.
Ngoài ra, Hiệu phó nhà trường cũng cho hay, do bận họp nên không tiếp phóng viên.