Vụ hàng chục học sinh không được dự khai giảng: Liệu có bất bình thường?

An An/VOV.VN |

Hãy để chuyện đi muộn và bị đứng ngoài cổng trường trong lễ khai giảng là bài học cho các em ngày hôm nay. Có như thế các em mới có trách nhiệm với bản thân và dần lớn lên.

Trong buổi sáng 5/9, gần 23 triệu học sinh cả nước hân hoan chờ đợi bởi đây là buổi khai giảng trực tiếp đầu tiên sau 2 năm bị gián đoạn do đại dịch Covid-19.

Ngày khai trường hàng năm luôn là ngày mà mỗi học sinh đều háo hức, thì năm nay lại càng trở nên mong đợi hơn bao giờ hết bởi sau 2 năm các em phải đón khai giảng qua màn hình máy tính. Lễ khai giảng trực tiếp năm nay không chỉ là dịp để các em gặp lại bạn bè, thầy cô mà còn gửi thông điệp là các em đã được trở lại môi trường học tập, vui chơi bình thường.

Có lẽ vì thế, sáng nay nhiều em đã dậy từ rất sớm và đến trường trước khai giảng cả tiếng đồng hồ. Niềm vui khai trường của con cũng là của những ông bố, bà mẹ. Ngoài nhắc con những thứ cần thiết mang theo từ chiều hôm trước, nhiều “xe ôm” cũng dậy sớm để cùng con đến trường.

Lễ khai giảng năm nay, thời tiết ở Hà Nội và nhiều nơi khá ủng hộ. Nhìn chung các trường tổ chức khai giảng gọn nhẹ nhưng vẫn đảm bảo được không khí rộn ràng, trang nghiêm của một ngày lễ trọng đại đối với cả thầy và trò.

Vụ hàng chục học sinh không được dự khai giảng: Liệu có bất bình thường? - Ảnh 1.

Hàng chục học Trường THPT Tô Hiến Thành không được vào trường dự khai giảng (ảnh: Vietnamnet)

Cũng trong buổi khai giảng hôm nay, nhiều học sinh, gia đình cũng háo hức được một lần đến trường nhưng họ lại không bao giờ có được vì con họ là những đứa trẻ khuyết thiếu, không thể đi học. Niềm vui tưởng chừng đơn giản với bất cứ ai, nhưng với những gia đình của những đứa trẻ không may mắn mãi mãi chỉ là mơ ước.

Và, ở Trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa) cũng có hàng chục em không được dự khai giảng nhưng không phải vì lý do như trên mà do đến muộn bị nhà trường khóa cổng, đành phải ra về trong tiếc nuối. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiến Thành trả lời trên Vietnamnet, nhà trường từ xưa đến nay đã có đầy đủ nội quy, quy chế. Theo đó, đến giờ quy định, nhà trường sẽ đóng cổng, không cho học sinh vào nữa. Còn ông Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho biết chưa nắm bắt được thông tin trên. Sau khi nghe phản ánh, ông sẽ cho kiểm tra ngay, nếu đúng sự việc như vậy sẽ họp Ban giám đốc và sẽ có chấn chỉnh.

Vụ việc này đang được dư luận quan tâm và có nhiều ý kiến trái chiều. Một số người là phụ huynh của chính các em học sinh này và nhiều người khác cho rằng, buổi lễ khai giảng quan trọng đầu năm học mới, hơn nữa sau 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19, các em mong đợi đến chừng nào, nên cần có sự châm chước, nhà trường làm thế là quá cứng nhắc.

Trước hết, có thể nói, chúng ta đang may mắn hơn những cha mẹ của những đứa trẻ khuyết thiếu thiếu rất nhiều vì có những đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển hoàn toàn bình thường. Nhưng với nhiều người, lại phung phí sự may mắn đó khi đang nuông chiều và làm thay, xin hộ cho con nhiều thứ. Đơn cử, từ chuyện thương con học hành vất vả, cha mẹ sẵn sàng làm giúp việc nhà cho con, khiến nhiều đứa trẻ không biết làm bất cứ việc gì ngoài là “mọt sách” và dần trở thành những con robot trong cuộc sống.

Không những thế, có nhiều đứa trẻ, từ khi mới bắt đầu học mẫu giáo, lớp 1 đã được cha mẹ “chạy” vào các trường điểm, lớp chọn. Tệ hại hơn còn xảy ra chuyện mua điểm, mua thành tích cho con. Câu chuyện các ông bố, bà mẹ là quan chức mua điểm thi Đại học cho con ở hàng loạt tỉnh như Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình… đến nỗi phải vào tù, tới nay vẫn khiến dư luận thảng thốt.

Sự nuông chiều, bao bọc quá đà của nhiều cha mẹ đang khiến những đứa trẻ bình thường mất đi khả năng phấn đấu và tự chủ trong cuộc sống.

Trở lại chuyện học sinh Trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa) đến muộn, không được vào dự lễ khai giảng, có lẽ là điều hết sức bình thường nhưng vì sự nuông chiều con của nhiều cha mẹ hiện nay đã khiến sự việc trở nên bất thường, tới mức có khá nhiều người quan tâm và có những ý kiến trái chiều.

Với một học sinh, trước khi học kiến thức, thì việc tuân thủ các quy định trong nhà trường là điều cần thiết, đôi còn còn quan trọng hơn cả việc học chữ. Buổi khai giảng quan trọng đối với các em, nhưng trên hết là học sinh thì phải chấp hành quy định của nhà trường. Nếu người lớn vin vào bất cứ lý do nào đó để nuông chiều các em, thì các lần khác, các em sẽ có rất nhiều lý do cho việc đi muộn, tiếp đến sẽ là những vi phạm và sai lầm khác lớn hơn.

Vì thế, hãy để chuyện đi muộn và bị đứng ngoài cổng trường trong lễ khai giảng là bài học cho các em ngày hôm nay. Có như thế các em mới có trách nhiệm với bản thân và dần lớn lên.

Con em chúng ta là những đứa trẻ bình thường cả về thể chất và tinh thần, hãy bớt nuông chiều để các con được tự lớn “khỏe mạnh”. Điều đơn giản nhưng là ước mơ tột cùng không bao giờ thành hiện thực của những người cha, người mẹ có những đứa con kém may mắn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại