Vụ gian lận thi cử: Phụ huynh “chạy điểm” cũng cần bị xử lý, dù là ai

ĐẶNG CHUNG |

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu những phụ huynh dùng tiền chạy điểm cho con không bị công khai và xử lý, sẽ là không công bằng với những thí sinh học thật, thi thật.

Ở Mỹ, phụ huynh chạy điểm có thể ngồi tù

Được nhìn nhận là “nghiêm trọng và tinh vi”, vụ án gian lận thi cử ở Sơn La đang dần được sáng tỏ, với việc hàng loạt cán bộ bị khởi tố, thí sinh gian lận bị trả lại điểm thật.

Trước đó, đã có hàng trăm thí sinh ở Hà Giang, Hòa Bình cũng được các cán bộ tham gia phục vụ kỳ thi THPT quốc gia 2018 nâng điểm.

Có thí sinh được nâng từ điểm liệt, thành thủ khoa. Trong số những thí sinh này, không ít em là con, cháu của quan chức tại các địa phương.

Thời điểm cơ quan chức năng ở Việt Nam công bố những sai phạm trong đường dây chạy điểm vào đại học, thì tại Mỹ, dư luận xã hội cũng rúng động vì việc chạy điểm vào các trường đại học danh tiếng như Georgetown, Yale, Stanford.

Các phụ huynh Mỹ - là những nhân vật nổi tiếng - dùng tiền để mua điểm cho con đều nhanh chóng bị đưa ra ánh sáng. Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khởi tố các bậc phụ huynh gian lận với hành vi đưa hối lộ. Khoảng 50 nhân vật nổi tiếng phải ra hầu tòa vì hành vi chạy điểm cho con.

Vụ gian lận thi cử: Phụ huynh “chạy điểm” cũng cần bị xử lý, dù là ai - Ảnh 1.

Hàng chục người giàu và nhân vật nổi tiếng của Mỹ đã phải ra hầu tòa vì "chạy điểm" cho con vào trường đại học. Ảnh: Reuters

Trong đó có Felicity Huffman, nổi tiếng với vai diễn trong loạt phim đình đám "Desperate Housewives". Trước khi ra tòa, Huffman phải nộp 250.000 USD tiền bảo lãnh tại ngoại. Lori Loughlin, ngôi sao của phim Full House cũng phải nộp 1 triệu USD mới được tại ngoại hầu tra.

Andrew Lelling - một luật sư tại Boston - cho biết trên Reuters, những người liên quan đến đường dây chạy điểm vào các trường đại học Mỹ, nếu bị kết án, người chủ mưu và cả phụ huynh đều có thể bị phạt đến 20 năm tù.

Danh sách phụ huynh Việt Nam "chạy điểm" vẫn trong bóng tối

Những ngày qua, tại Việt Nam, dư luận xã hội có nhiều tranh cãi về việc nên hay không công khai danh sách thí sinh được nâng, sửa điểm. Vì lo sợ thí sinh bị tổn thương, ảnh hưởng đến tâm lý và tương lai, ngành giáo dục cân nhắc việc công bố danh sách của những thí sinh này.

Nhiều ý kiến cho rằng, có thể cân nhắc việc công khai thí sinh gian lận , nhưng với những phụ huynh “chạy điểm”, “mua điểm” cho con, nhất định phải công khai và bị xử lý.

“Khi đọc những thông tin về việc thí sinh ở Sơn La được nâng tới 26,55 điểm, tôi và nhiều phụ huynh khác thực sự giận dữ. Số điểm đó có thể quyết định số phận của con chúng tôi và bao nhiêu thí sinh khác.

Người dân Sơn La từ lâu đã râm ran về đường dây chạy điểm ở tỉnh. Con em nông dân, nhà nghèo chẳng có cơ để chạy được đâu.

Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm làm rõ động cơ sửa bài, nâng điểm. Có hay không việc phụ huynh nhờ quyền lực và tiền để mua điểm cho con?

Chúng tôi đấu tranh không phải chỉ để đưa ra một số cán bộ sai phạm, mà phải tìm ra phụ huynh nào chạy điểm và xử lý nghiêm để răn đe”- chị N.T.H (phụ huynh có con tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, một trong những người tích cực tìm manh mối, cung cấp thông tin cho báo chí về nghi án bất thường trong điểm thi của Sơn La) kiến nghị.

Nêu quan điểm về sự việc này, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT - nhấn mạnh: “Cơ quan điều tra cần làm rõ những người được can thiệp điểm là con ai, có bao nhiêu con quan chức dính líu đến bê bối này?

Nếu xác định có việc phụ huynh bỏ tiền ra mua, nhờ vả cán bộ nâng điểm thi cho con mình, thì đây rõ ràng là tham nhũng, đưa – nhận hối lộ.

Vụ việc gian lận thi cử ở một số địa phương như Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng quyền lợi của hàng triệu thí sinh. Nếu cơ quan chức năng không xử lý triệt để, vẫn e dè, có vùng cấm, sẽ rất khó lấy lại niềm tin của học sinh và phụ huynh cả nước”.

Video: Nguyễn Hà

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại