Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) tỉnh Hà Giang đã hoàn tất cáo trạng truy tố đối với 5 bị can trong vụ gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.
Các bị can này gồm: Vũ Trọng Lương (SN 1978, nguyên Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục); Nguyễn Thanh Hoài (SN 1969, nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Các bị can Triệu Thị Chính (SN 1968, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, Đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang nhiệm kỳ 2016-2021); Phạm Văn Khuông (SN 1959, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang); và Lê Thị Dung (SN 1969, nguyên cán bộ Phòng an ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang) bị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Quá trình điều tra xác định, sau khi kết thúc kỳ thi THQT năm 2018, Nguyễn Thanh Hoài (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục – Phòng KT&QLCLGD) nói với cấp phó của mình là Vũ Trọng Lương về việc cần nâng điểm cho một số “trường hợp đặc biệt”.
Lương đồng ý và nói cần phải nghiên cứu thêm phần mềm quản lý kỳ thi của Bộ GD&ĐT. Sau khi quét và chấm thử trên phầm mềm bài thi trắc nghiệm của Bộ, Lương sang phòng làm việc của Hoài nói cho Hoài biết là Bộ GD&ĐT “chỉ yêu cầu gửi file Excel thì có thể xử lý nâng điểm được”.
Đây chính là kẽ hở chết người mà Bộ GD&ĐT đã tạo ra khiến cho hàng loạt địa phương lợi dụng để sửa điểm trong kỳ thi này.
Nguyễn Thanh Hoài khi nghe đọc quyết định khởi tố.
Theo khai nhận của Hoài và Lương, có tổng số 57 người nhờ nâng điểm cho 107 thí sinh (qua trung gian và trực tiếp từ phụ huynh). Cách thực hiện việc nâng điểm môn trắc nghiệm được Lương thao tác gồm:
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án chính thức các đề thi, Lương tải đáp án chuyển sang file lưu trong máy tính có chứa phần mềm chấm thi trắc nghiệm do cơ quan giao cho Lương quản lý và sử dụng phục vụ cho kỳ thi.
Sau đó, Lương chuyển kết quả bài làm của thí sinh thể hiện trên ảnh quét phiếu trả lời trắc nghiệm (tệp ảnh gốc) sang file Ecxel được lập trong máy tính.
Lương sửa dữ liệu đáp án trong bài thi của thí sinh bằng cách copy (sao chép) đáp án đúng đã được Lương tải về, để paste (dán) đáp án đúng vào 309 bài thi các môn trên 249 ảnh gốc phiếu trả lời trắc nghiệm (dữ liệu quét bài thi gốc) của 107 thí sinh trước khi sao lưu bài thi vào đĩa CD1 gửi cho Bộ GD&ĐT.
Để chắc ăn, Lương nói với Hoài rằng số thí sinh đã được nâng điểm rất cao, khi thông báo điểm sợ Bộ GD&ĐT kểm tra nên cần sửa chữa bài thi của các thí sinh đã nâng điểm cho phù hợp với kết quả trong đĩa CD1 đã được gửi cho Bộ.
Hoài đồng ý với đề xuất trên và đưa cho Lương chìa khóa phòng chứa bài trắc nghiệm kèm chìa khóa mở hòm bài thi trắc nghiệm để Lương vận chuyển bài thi trắc nghiệm của thí sinh về trụ sở Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang thực hiện việc sửa bài thi.
Theo danh sách công bố kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, có 318 bài thi của 114 thí sinh được nâng điểm. Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra có đủ cơ sở kết luận Vũ Trọng Lương đã tác động vào bài làm của 107 thí sinh với 309 bài thi các môn được nâng điểm.
Về con số chênh lệch giữa 114 thí sinh với 318 bài thi (theo kết quả chấm thẩm định của Bộ) và 107 thí sinh với 309 bài thi (theo kết quả điều tra), Công an tỉnh Hà Giang khẳng định thực tế “chỉ có” 107 thí sinh được nâng điểm với 309 bài thi các môn.
Trong đó, thí sinh được nâng cao nhất lên đến 29,95 điểm (4 môn). Thí sinh được nâng ít nhất là 2,2 điểm (1 môn).
Đối với hành vi của Phạm Văn Khuông và Triệu Thị Chính (cả hai là Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang), Khuông đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con trai để có thể tốt nghiệp và đạt nguyện vọng vào trường Đại học Y Thái Bình.
Khuông nói với Hoài: “Nhờ chú quan tâm đến cháu”; “Anh chỉ lo con anh trượt tốt nghiệp, phải xem tất cả các môn thi cho con anh”.
Vài ngày sau, Chính gọi điện cho Khuông để hỏi số báo danh của con trai Khuông. Kết quả, số báo danh 05000284 của con trai Khuông được nâng 13,3 điểm của 3 môn thi trắc nghiệm. Phạm Văn Khuông cũng là phụ huynh duy nhất bị lộ mặt trong số các phụ huynh có con được nâng điểm.
Đối với hành vi của Lê Thị Dung (Phòng An ninh chính trị nội bộ - Côn an tỉnh Hà Giang), do có mối quan hệ thân thiết, Dung đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh, thậm chí Dung còn nhờ Hoài xem xét nâng điểm cho cả những bài thi môn Ngữ văn (không phải là môn thi trắc nghiệm).