Phan Sào Nam - Nguyên Chủ tịch VTC Online là một cái tên không còn quá xa lạ với cộng đồng kinh doanh trong nước.
Trên báo chí, Phan Sào Nam từng được khắc hoạ là một doanh nhân trẻ có phong cách lãng tử với quần jeans, áo phông, tóc dài bồng bềnh, ưa mạo hiểm, bụi bặm, phóng khoáng và còn được đặt biệt danh là "hoàng tử bóng đêm" với những cuộc họp thâu đêm hay những email được gửi vào 2-3 giờ sáng.
Năm 2009 - chỉ 1 năm sau khi VTC Online được thành lập, trong vai trò lãnh đạo của mình, Phan Sào Nam đã có một quyết định vô cùng liều lĩnh khi quyết định mở văn phòng đại diện và công ty con tại 10 thị trường trên thế giới.
Quyết định có phần này của ông Nam đã không đem lại kết quả như mong đợi mà chỉ khiến cho bức tranh toàn cảnh kinh doanh của VTC Online càng thêm đen tối khi đến năm 2011, số văn phòng này chỉcòn 4 thị trường, công ty đã mất một số tiền không nhỏ.
Tuy nhiên, trong đánh giá của Phan Sào Nam, mặc dù kế hoạc thất bại nhưng công ty có được một đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm làm việc quốc tế và tìm được thị trường tốt để tập trung đầu tư. "Điều này không thể đong đếm được bằng tiền".
Đến năm 2012, Phan Sào Nam tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận sau khi thương vụ đầu tư trị giá 10 triệu USD từ Quỹ DWS Vietnam Fund thông qua Công ty Quản lý quỹ Duxton có trụ sở tại Singapore đầu tư vào VTC Online.
Khi đó, chia sẻ với báo giới, Phan Sào Nam nhận định, Quỹ Duxton đánh giá cao chiến lược mà VTC Online đang làm, trong đó đánh giá cao về phát triển Social Media gồm có VTC Game, goPlay, goClip, goMusic, goNews, giao tiếp gồm myGo, goTalk, goForum và giáo dục.
Phan Sào Nam (SN 1979) từng là Chủ tịch HĐQT công cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC Online).
Sau khi nhận được khoản tiền này, lãnh đạo VTC Online đã đặt mục tiêu giảm 50% doanh thu trong năm 2012, nhưng lại tăng trưởng về lợi nhuận gấp 4 lần so với năm 2011 và cam kết sẽ đạt được mức lợi nhuận 500 tỷ đồng vào năm 2015.
Khi ấy, doanh nhân có biệt danh là "hoàng tử bóng đêm" cũng bày tỏ tham vọng: "Tôi chủ trương tái cấu trúc lại doanh thu của VTC Online để có được nguồn lợi nhuận tốt nhất, dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần trong năm nay (2012)".
Tuy nhiên, dường như những tham vọng lớn đó của Phan Sào Nam chỉ là miếng bánh vẽ trên giấy khi suốt trong quá trình lãnh đạo của Nam, VTC Online hoạt động khá bết bát, thua lỗ, thậm chí Công ty Kiểm toán KPMG còn đưa ra nhận định: "Những yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty".
Theo đó, năm 2012, DWS Vietnam Fund rót 10 triệu USD vào VTC Online nhưng sau 3 năm đầu tư, vào tháng 9/2015, quỹ này chỉ còn định giá khoản đầu tư vào VTC Online ở mức 2,15 triệu USD. Lúc đó, từ mức định giá 51,3 triệu USD trước khi nhận đầu tư, VTC Online chỉ còn giá trị khoảng 11 triệu USD.
Doanh thu của công ty này cũng liên tục giảm qua các năm, từ mức 1.731 tỷ của năm 2012. Năm 2014, doanh thu thuần của công ty này đạt mức 836 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn vượt cả doanh thu, đạt mức 844 tỷ đồng, khiến VTC Online lỗ gộp 7,4 tỷ đồng.
Lợi nhuận trong các năm 2012 và 2013 chỉ đạt lần lượt 17 và 22 tỷ đồng. Đến năm 2014, sau khi trừ chi phí và các khoản lỗ khác, VTC Online lỗ tới 102 tỷ đồng.
Tiếp đến năm 2015 cũng là một năm làm ăn bết bát của doanh nghiệp này khi dưới "trướng" của Phan Sào Nam. Dù không còn thua lỗ nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 7,7 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh, doanh thu năm 2016 đạt 1.829 tỷ đồng, tăng 118% so với năm 2015, chủ yếu là do doanh thu game online, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế thu về cả năm 2016 chưa đến 10 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2015.
Đây cũng là năm VTC Online bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của ông ty Kiểm toán KPMG.
Trong báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2016, tại ngày 31/12/2016, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn trên 40 tỷ đồng (1/1/2016: 81,8 tỷ đồng). Công ty cũng có các khoản vay lớn cần tái tài trợ trong vòng 12 tháng kế tiếp trị giá 55,1 tỷ đồng (1/1/2016: 97 tỷ đồng).
Tính đến hết ngày 31/12/2016, tổng tài sản của VTC Online ở mức 377 tỷ đồng, giảm 32% so với năm 2015. Vốn chủ sở hữu ở mức 229 tỷ đồng; nợ phải trả ở mức 148 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2016, theo KPMG, VTC Online có các cổ phiếu mà các cổ đông có quyền yêu cầu Công ty mua lại một phần hoặc toàn bộ tại một thời điểm bất kỳ trong tương lai.
Giá mua tùy thuộc vào số lượng cổ phiếu được yêu cầu mua lại và thời điểm mà các cổ đông này yêu cầu công ty mua lại cổ phiếu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính thanh khoản và yêu cầu đối với tài chính của công ty.
Hiện tại, trên trang web của doanh nghiệp VTC Online chỉ ghi nhận 3 thành viên Ban điều hành, mà không có thông tin về Phan Sào Nam.
Phan Sào Nam là mắt xích quan trọng trong vụ Cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá bị bắt về hành vi tổ chức đánh bạc.
Phan Sào Nam và đồng bọn trước đó đã thành lập chung một công ty với danh nghĩa nhập khẩu thiết bị công nghệ, nhưng thực chất tổ chức đánh bạc trá hình với quy mô lớn qua mạng để thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.