Vụ chim khổng tước quý hiếm thất lạc: Nhiều người đến xin nhận về

Thành Công (TH) |

Không chỉ có một sư thầy ở miền Tây lên Thảo Cầm Viên Sài Gòn để xin nhận lại chim khổng tước mà đã xuất hiện thêm nhiều người nữa đến nhận là chủ nhân của chim.

Hiện con chim khổng tước (còn gọi là chim công) quý hiếm thất lạc đang được chăm sóc ở Thảo Cầm Viên Sài Gòn. Theo nhân viên của Thảo Cầm Viên, đây là chim công mái và đang được tạm thời nuôi cách ly khoảng 1 tuần sau đó mới cho nhập đàn.

Sức khỏe của chim khổng tước hiện đã bình thường.

Sau khi con chim quý bị thất lạc này được phát hiện kiệt sức, lạc vào nhà dân trên đường Trần Quốc Thảo (phường 7, quận 3) hôm 26/10 thì phía Thảo Cầm Viên đã đến tiếp cận, bắt chim đưa về chăm sóc.

Đến hôm 27/10 thì một sư thầy trụ trị của một ngôi chùa ở Vĩnh Long đã lên Thảo Cầm Viên Sài Gòn xin nhận lại chim.

Sư thầy cho hay, trong chùa có nuôi 4 con chim công và cách đây khoảng 2 tháng đã bị trộm bắt mất 3 con. Khi xem hình ảnh con chim công mà Thảo Cầm Viên Sài Gòn bắt được, vị sư thầy chắc chắn đó là chim của chùa bị mất và đã rất mừng, lập tức lên xin nhận về.

Theo tờ Vietnamnet, công an xã Thanh Đức (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) đã kiểm tra và xác nhận vụ mất trộm chim khổng tước tại chùa An Sơn (xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).

"Nhà chùa trình báo, trong khuôn viên chùa có tất cả 4 con chim công được nuôi, trị giá mỗi con khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, kẻ gian chỉ bắt trộm 3 con, còn 1 con chim công mái bay ra ngoài nên bọn chúng không bắt được", nguồn trên dẫn lời trưởng công an xã Thanh Đức.

Vụ chim khổng tước quý hiếm thất lạc: Nhiều người đến xin nhận về - Ảnh 1.

1 con chim công còn sót lại tại chùa An Sơn. Ảnh: Báo Vĩnh Long.

Thế nhưng, không chỉ có một mình sư thầy đến nhận chim khổng tước, mà trong ngày 27/10 đã có đến vài nhóm người cũng tìm đến Thảo Cầm Viên nhận là chủ nhân của chim.

Hiện lãnh đạo Thảo Cầm Viên Sài Gòn chưa quyết định trao chim cho ai vì chưa chứng minh được chủ nhân thật sự. Việc này đã được báo cáo lên phía kiểm lâm để làm rõ.

Chim khổng tước thuộc giống công xanh Việt Nam. Chúng nằm trong sách đỏ thuộc nhóm 1B và phân bố ở Nam Trung Bộ.

(Tổng hợp)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại