Vụ CĐV Quảng Ninh "bịt mồm" phản đối: VPF đã sai!

Ngô Trà |

Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá Việt Nam, cổ động viên một câu lạc bộ bày tỏ sự phản đối với Ban tổ chức bằng cách... kê ghế ngồi ngoài sân và câm lặng xem bóng đá.

1. Những ai có mặt trên Mỹ Đình vào ngày 13/10 năm ngoái, dự khán trận đấu giữa ĐTQG Việt Nam và Thái Lan hẳn còn nhớ ấn tượng về cổ động viên Thái Lan cổ vũ cho đội bóng của mình suốt trận đấu ấy.

Đến tận bây giờ, sự ám ảnh về âm thanh của chỉ khoảng hơn nghìn con người, nhưng đồng thanh hát vang, reo hò suốt trận đấu vấn ám ảnh những người dưới sân, ngay góc khán đài A được nhuộm xanh buổi tối hôm ấy.

Những tiếng hô "We're Thailand", "We support Thailand", "Ố lề ô lế ồ, Ố lề ô lế ô", cùng những bài hát vẫn cứ vang mãi trong đầu, đến tận hôm nay.

Vụ CĐV Quảng Ninh bịt mồm phản đối: VPF đã sai! - Ảnh 1.

 Cổ động viên Thái Lan trên khán đài sân Mỹ Đình.

Với những cổ động viên Thái Lan hôm ấy, xem đội nhà thi đấu, hay cổ động, tiếp sức cho các tuyển thủ trên sân không phải là nghĩa vụ, nó là niềm vinh dự, là tự hào, là tận hưởng, là những giây phút tự đưa mình thăng hoa theo nhịp lăn của trái bóng trên sân, từng pha ăn mừng của cầu thủ.

Chẳng riêng cổ động viên Thái Lan trên Mỹ Đình hôm ấy, ở đâu trên thế giới cũng thế cả.

Và chẳng ở đâu trên thế giới này, người hâm mộ bóng đá lại tự "bịt mồm" mình, ngồi ngoài sân trước trận đấu của đội nhà để phản đối Ban tổ chức cả. 

Tự tước đi niềm vui, sự tận hưởng của bản thân, không khí tưng bừng để tiếp lửa cho đội bóng mình yêu quý, ngưỡng mộ để "ăn vạ" không bao giờ là đúng cả.

Nói theo cách nôm na mà trên mạng xã hội người ta hay dùng, đó là "Tự mình uống thuốc độc, xong ngồi chờ người khác chết".

2. Từ Maracana, Signal Iduna Park hay Delle Alpi - những "chảo lửa" của bóng đá thế giới, cho đến cổ động viên của làng Triều Khúc - xứ Basque giữa lòng Hà Nội ở HPL, giải bóng đá phủi trứ danh Hà Nội, chẳng ở đâu người ta lại dùng dàn âm thanh công suất lớn để cổ vũ bóng đá cả.

Bóng đá cũng như tình yêu, người ta không thể nhờ người khác đá, rồi mình ăn mừng bàn thắng, cũng như không thể đi xem đá bóng mà nhờ người khác cổ vũ. 

Bật loa để cổ vũ đội nhà, khác gì nhờ bạn thân đi tỏ tình, hoặc nhờ ghi âm lời tỏ tình, rồi đến nơi bật lên cho bạn gái nghe.

Vụ CĐV Quảng Ninh bịt mồm phản đối: VPF đã sai! - Ảnh 2.

 Cổ động viên Triều Khúc tại HPL-S3.

Bản thân những cầu thủ đá bóng dưới sân, chắc chắn muốn nghe chính mồm người hâm mộ hô vang tên mình, gào thét theo những đường bóng tấn công, vỡ òa với bàn thắng, chợt câm lặng khi nhận bàn thua, chứ chẳng ai muốn nghe dàn âm thanh rống lên lời cổ vũ từ khán đài cả.

Sông Lam Nghệ An là một thí dụ. Đội bóng đi đến đâu thi đấu, đều có được khối lượng cổ động viên cực kỳ đông đảo. 

Họ không cần đến sự hỗ trợ của những dàn âm thanh công suất cao, bởi sự nhiệt tình, máu lửa của họ đã là quá đủ để khuấy động mọi sân vận động, mọi trận đấu của đội nhà.

3. Có nhiều ý kiến cho rằng VPF đã sai khi không ban hành lệnh cấm từ đầu mùa, mà đến giữa mùa mới "lăn đùng" ra cấm. Đúng là VPF đã sai.

VPF sai vì chủ quan, đến nằm mơ cũng không thể nghĩ được rằng người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại có thể sáng tạo đến mức độ dùng loa, dàn âm thanh công suất cao để làm "công cụ hỗ trợ" cho việc cổ vũ bóng đá.

Vụ CĐV Quảng Ninh bịt mồm phản đối: VPF đã sai! - Ảnh 3.

Cổ động viên Than Quảng Ninh mùa trước còn được tôn vinh.

Mà quả tình, cũng ít ai có thể nghĩ được rằng hội cổ động viên Than Quảng Ninh - những người mới mùa giải trước thôi còn được tôn vinh là hội cổ động viên tốt nhất V-League phải cần "dụng cụ hỗ trợ" mới cổ vũ cho đội nhà được, còn không thì thà câm lặng.

Thiết nghĩ, VPF nên chủ động sửa sai, bằng cách truyền đạt cho các hội cổ động viên vẫn còn ý định dùng "dụng cụ hỗ trợ" mới cổ vũ được rằng đây là bóng đá, không phải xiếc tạp kỹ, Sơn Đông mãi võ hay chương trình ca nhạc tấu hài - dù rằng V-League cũng có đôi khi giống thế thật!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại