Vụ cãi vã giữa người bán mít và bác xe ôm: Nguyên nhân khiến nhiều người "chột dạ"

Ngân Hà |

Chỉ vì lời chê bai thiếu căn cứ của bác xe ôm dành cho người bán mít, giữa hai người đã xảy ra vụ tranh cãi to tiếng gay giữa đường phố.

Trận cãi vã và sự mất mặt chỉ vì lỡ chê...quá lời

Chê bai người khác một cách quá quắt và hợm hĩnh không bao giờ có tác dụng tôn cao bản thân mình lên mà luôn có tác dụng ngược lại.

Hãy nhớ "vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn", vì thế nếu không muốn mất mặt trước đám đông như người xe ôm trong câu chuyện này, hãy luôn cư xử nhã nhặn, lịch sự.

"Vừa chiều đi ra bến xe, mình gặp một bác soạn mít ra đó bán. Bác ấy bảo mít này ngon lắm rồi, sau đó cắt một chút, để lộ mấy múi mít ra "quảng cáo" cho người mua xem.

Khổ nỗi, gặp ngay bác xe ôm ở gần đó, chắc do hôm nay đang rảnh rỗi, không có khách, nhìn thấy quả mít thì đến nhìn nhìn rồi "phán" rằng quả mít này múi mỏng, không ngon.

Điều đáng nói là, bác xe ôm cứ đứng chê một hồi rất lâu, chê lên chê xuống không tiếc lời. Đến nỗi người bán mít không chịu được nữa, nổi nóng và hai bác cãi vã to tiếng với nhau.

Vụ cãi vã giữa người bán mít và bác xe ôm: Nguyên nhân khiến nhiều người chột dạ - Ảnh 1.

Cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai người đàn ông lớn tuổi chỉ vì một câu nói

Sau một hồi tranh cãi nảy lửa, chưa có dấu hiệu "hạ nhiệt" thì bác bán mít tức tối lắm, quyết định cầm con dao bổ dôi qua mít ra để chứng minh cho người lái xe ôm biết rằng quả mít này ngon, múi chín vàng ươm và đầy đặn.

Mọi người xung quanh ngay từ đầu khi thấy hai người đàn ông cãi vã đã hiếu kì đứng xem khá đông. Mặc mọi người can ngăn, bảo thôi bán cho người ta, nhưng ông bán mít vẫn nhất quyết không chịu.

Chấp nhận không bán, bác ấy chỉ muốn bổ ra để chứng minh cho người xe ôm thấy rằng mít của mình ngon đúng như quảng cáo và để khẳng định lời chê bai đó là vô căn cứ.

Và kết quả là, sau khi bổ ra, quả nhiên trái mít này múi rất dày, chín vàng và ngọt vô cùng".

Câu chuyện nhỏ do Bùi Duy Khôi, sinh năm 1998, hiện đang sống và làm việc tại Hưng Yên chia sẻ bất ngờ nhận được cả chục nghìn lượt quan tâm của cộng đồng mạng chỉ sau một thời gian ngắn.

Vụ cãi vã giữa người bán mít và bác xe ôm: Nguyên nhân khiến nhiều người chột dạ - Ảnh 2.

Nhiều người tò mò trước cái kết của câu chuyện. Liên hệ với Duy Khôi, cậu cho biết: "Sau khi biết mình sai, người lái xe chỉ im lặng và nhanh chóng "thoát thân". 

Khi ấy bác bán mít cũng toan chuẩn bị mang quả mít đã được bổ đôi về nhà, thì bất ngờ có một anh lái xe buýt chạy đến hỏi mua cả quả.

Anh ấy còn dặn dò người bán mít nên kiềm chế cơn nóng giận, chứ bán hàng mà nóng tính vậy là hỏng hếtMay là vẫn còn những người đẹp trai như anh cứu vãn cái cuộc đời toàn những kẻ chỉ thích "chọc ngoáy" người khác!"

Bài học về cách ứng xử khôn khéo và bản lĩnh

Được biết, câu chuyện xảy ra vào khoảng 5 giờ chiều ở bến xe Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên. Tình cờ đi ngang qua, cậu bạn Duy Khôi đã chứng kiến toàn bộ diễn biến câu chuyện.  

"Ban đầu, bác bán mít vẫn nhịn không nói gì ngoài một, hai câu kiểu: "Không phải múi mỏng đâu, trông thế kia mỏng cái gì..."

Thế nhưng người lái xe ôm vẫn chê bai liên tục bằng từ ngữ rất khó nghe. Do đó, người bán quyết định bổ quả mít mặc cho nhiều người có mặt khi ấy đồng loạt can ngăn

Khi sự đã rồi thì mọi người định mua mỗi người một miếng giúp cho bác ấy, nhưng anh lái xe buýt lại mua giúp cả quả luôn" - Duy Khôi kể lại.

Vụ cãi vã giữa người bán mít và bác xe ôm: Nguyên nhân khiến nhiều người chột dạ - Ảnh 3.

Chê (hay phản biện) vốn là một hành động tích cực, nhưng chê cũng phải cho đúng và cho trúng, nếu quá đà thì sẽ thành bệnh và trở nên tiêu cực. (Ảnh minh họa)

Câu chuyện khiến nhiều người "chột dạ" liên tưởng đến một căn bệnh mà không ít người gặp phải, chỉ có điều đôi khi chúng ta không nhận ra.

Có lẽ do bản năng tự nhiên của con người bình thường, chúng ta thường luôn cho mình là đúng, muốn chứng tỏ cho mọi người biết mình là người sành sỏi, thích khuyên bảo người khác.

Khi không bằng lòng, bực tức về vấn đề gì của người khác, nhiều người thường có thói quen chê bai, đem những khuyết điểm của người khác để chỉ trích mà không cần biết đúng sai.

Tuy nhiên, hãy cố gắng học cách kiểm soát hành vi và lời nói của mình, nhìn mọi việc từ nhiều khía cạnh, có như thế chúng ta mới nhìn nhận mọi việc khách quan hơn.

Một lời nói bất cẩn có thể gây ra mối bất hòa, như trong trường hợp của người lái xe và bác bán mít kể trên. Sự chê bai ác ý đã khiến giữa họ nảy sinh cuộc tranh cãi không đáng có.

Nghiêm trọng hơn, một lời nói cay nghiệt còn có thể làm hỏng cả một cuộc đời. Trong khi đó, một lời nói đúng lúc có thể giải tỏa sự căng thẳng. Một lời yêu thương có thể hòa giải mọi bất hòa.

Vụ cãi vã giữa người bán mít và bác xe ôm: Nguyên nhân khiến nhiều người chột dạ - Ảnh 4.

Khi bị người khác chỉ trích, chê bai, cần tránh đi những phản ứng tiêu cực. Nên có sự ứng xử khôn khéo để những người xung quanh đánh giá cao vẻ đẹp trong tính cách của bạn (Ảnh minh họa)

Vì vậy, đừng bao giờ vội vàng chê bai hay chỉ trích một ai đó. Hãy lắng nghe một cách chân thành để thấu hiểu những gì người khác muốn bày tỏ, trước khi phát biểu ý kiến của mình.

Muốn loại bỏ thói xấu này, mỗi người phải tự trang bị cho mình kỹ năng sống, cách nhìn nhận vấn đề thật khách quan. Quan trọng hơn, phải học cách kiềm chế cái tôi, không thể để cái tôi quá lớn.

Còn đối với những "nạn nhân" của "bệnh" chê bai, cũng đừng vội "xù lông" và hành động một cách bộc phát, nóng vội.

Cho dù bạn thân thiện và cư xử đúng mực thế nào, bạn sẽ luôn phải đối mặt với những người không ưa mình và tìm cách "dìm" bạn đến hết mức có thể.

Giữ bình tĩnh, đừng chấp cứ những tranh cãi vặt vãnh, bạn sẽ chứng tỏ được mình hơn họ về bản lĩnh sống và kinh nghiệm ứng xử.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại