25/4: Ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh thông tin trên kênh VTC 14:
"Nhiều khi, được cái nọ thì phải mất cái kia. Tôi không thể đặt một nhà máy thép ở đây mà biển ở xung quanh lại có nhiều cá, nhiều tôm.
Đương nhiên, mình cố gắng... làm theo quy định hiện hành, đạt được tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước.
... Tại sao em không hỏi anh, hồi xưa chỗ này 1 năm trồng một vụ lúa bây giờ không trồng được 1 vụ nào nữa... thành nhà máy rồi mà còn trồng lúa chi nữa.
Nhiều khi, mình không được cả hai, mình phải lựa chọn, tôi muốn bắt cá bắt tôm hay là tôi muốn xây một cái ngành thép hiện đại".
25/4: Tờ Tuổi trẻ dẫn lời ông Chu Xuân Phàm:
“Tôi công nhận việc xả thải là ít nhiều có ảnh hưởng đến môi trường, nước xả thải là nước ngọt khi xả thải ra hòa lẫn với nước biển chắc chắn làm thay đổi môi trường, cá tôm ít đi là điều đương nhiên.
Trước khi xây dựng dự án này thì công ty phải xin phép Nhà nước VN. Nhiều khi được cái nọ mất cái kia, đây là tôi nói thật lòng.
Hôm nay nhà nước mình muốn cho ngư dân đánh bắt ở đây hay là chọn cái nhà máy thép ở đây, đương nhiên Nhà nước phải có sự cân nhắc.
... Hồi xưa, khi giải phóng mặt bằng đã tính phương án hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá chuyển sang nghề khác rồi, sao cứ phải đánh bắt quanh vùng biển này.
Công ty khi xây dựng nhà máy ở đây có hậu quả ô nhiễm nghiêm trọng đến con cháu mình hay không là vấn đề cần quan tâm. Trách nhiệm của công ty, của tập đoàn mình cố gắng làm theo quy định của VN.
Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm Thủ tướng cũng không giải quyết được…”.
23/4: Báo điện tử Trí Thức Trẻ dẫn lại lời ông Chu Xuân Phàm:
"Có cái ống xả thải này là đúng. Bên chúng tôi đã xin ý kiến và có báo cáo trong đánh giá tác động môi trường. Không phải công ty làm ống chui hay làm ống rởm hay gì đâu.
Cái này đã được cấp thẩm quyền phê duyệt rồi. Công ty không làm cái gì xấu.
Việc cấp phép thì tôi không nhớ rõ thời gian nhưng công ty đã làm theo đúng quy trình cả.
Không được cho phép, công ty không dám xây đâu. Dự án lớn nhất toàn quốc làm sao mà làm lộn xộn được. Mặc dù nước thải đã được công ty xử lý và đạt tiêu chuẩn, nhưng vẫn phải cố gắng đưa ra ngoài xa xa tý để không ảnh hưởng ngay đến sinh thái của bờ biển.
Bởi nước biển là nước mặn, mà nước xả thải thì nước lọc không phải nước mặn, nếu xả thải ngay ra bờ biển thì sinh thái, các ngư dân gần đó cũng bị ảnh hưởng.
Mình xả nước ngọt xuống hòa lẫn với nước biển thì sinh thái chỗ cửa xả thải đó cũng bị ảnh hưởng.
Vậy nên, mình không muốn ảnh hưởng đến môi trường nên đã làm cho xa ra. Công ty làm đường ống, tốn kém nhưng bắt buộc phải thế. Nếu làm đường ống chỉ 10 hay 20m xả ra đó thì ảnh hưởng ngay".
22/4: Tờ Tiền Phong thuật lại lời ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận An toàn Vệ sinh Môi trường - Công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh:
"Toàn bộ số liệu về môi trường nước được trạm báo về máy hằng ngày. Tất cả đều đạt các chỉ số an toàn rồi mới được cho ra biển.
... Ống xả thải này là đường ống cuối cùng sau khi gom nước từ các điểm về. Đường ống này có đường kính 1m, kéo dài 1,5km ra thẳng ngoài biển và nằm ở tầng đáy. Ống xả này được sự cho phép của Bộ TN&MT Việt Nam".
Hệ thống kênh mương xử lý nước thải của Formosa - Ảnh: Văn Định/ Tuổi trẻ
22/4: Tờ Vietnamnet dẫn lời ông Khâu Nhân Kiệt:
"Có việc nhập về lượng lớn chất tẩy rửa, vì khi hoạt động một thời gian dài, phải có chất tẩy rửa để tẩy đường ống, tránh tình trạng tắc nghẽn.
Tuy nhiên, chúng tôi không dùng nguyên chất axit mà có pha với nước. Hơn nữa, chất tẩy sau khi rửa đường ống, đều được xử lý qua hệ thống mới cho thải ra biển.
... Bên Formosa mong muốn và hi vọng các cơ quan nhà nước ở Việt Nam khi có sự cố phát sinh cần vào cuộc nhanh chóng, kịp thời để giải quyết, và xử phạt những ai làm sai, giải quyết mối nghi ngờ cho tập đoàn Formosa".
Clip trích phát biểu của ông Chu Xuân Phàm, trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội, với phóng viên Tuổi Trẻ - Nguồn: Tuổi Trẻ
Ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại Công ty Formosa Hà Tĩnh nói trên VTC 14. (nguồn: VTC 14)
(Tổng hợp)