Vụ cá chết: Khi Lãnh đạo lựa chọn MINH BẠCH

Bùi Hải |

Thời điểm những chuyên gia Đức, Mỹ, Israel được mời đến để đánh giá độc lập nguyên nhân cá chết, dù chưa có kết quả, thì người dân đã thấy họ “gần” Chính phủ của mình hơn một chút, nhờ một cầu nối.

Cầu nối ấy có tên MINH BẠCH.

Hơn bao giờ hết, người dân Việt Nam mong chờ những thông tin MINH BẠCH về vụ biển bị nhiễm độc, để tiếp tục mưu sinh và phát triển.

Hơn bao giờ hết, Chính phủ cần MINH BẠCH để củng cố lòng tin của dân chúng, và làm bệ đỡ để phát huy năng lực lãnh đạo, điều hành đất nước.

Trong vụ cá chết, hướng đi MINH BẠCH ấy cụ thể hóa từ sự lựa chọn nói một cách trực diện những yếu kém của mình.

Theo cách nói của Người phát ngôn Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, yếu kém ấy được điểm danh:

“Bộ ngành, địa phương còn lúng túng khi phối hợp xử lý; việc xác định nguyên nhân với căn cứ khoa học còn chậm, chưa có giải pháp kịp thời, hiệu quả; công tác khắc phục và ổn định đời sống nhân dân chưa đáp ứng yêu cầu… làm cho người dân bức xúc, hoang mang”.

“Chúng ta rà soát tất cả các cơ sở, kể cả cơ sở Formosa, không loại trừ ai”kết luận của Thủ tướng, một lần nữa nhấn mạnh yếu tố MINH BẠCH.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường. Ảnh: VGP.

Nói như TS Trần Bắc Hải, một người Việt sống nhiều năm ở Úc, một đất nước có chỉ số MINH BẠCH cao, thì việc Chính phủ mời chuyên gia nước ngoài đánh giá độc lập nguyên nhân cá chết, là việc làm rất thông minh.

Nó gửi đến người dân một thông điệp: Chắc chắn thông tin sẽ được MINH BẠCH, không có chuyện vừa đá bóng vừa thổi còi thế nào cũng được.

Sau khi khóa họp cuối cùng của QH đương nhiệm kết thúc, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng đã tâm sự riêng với chúng tôi bên lề một cuộc hội thảo:

“Các cậu cứ nhìn lại mà xem: Rất lâu rồi, chúng ta mới có nhiều cá nhân hành động như vậy trong bộ máy lãnh đạo mới. Họ đúng là những tư lệnh. Thế nên, tôi kỳ vọng nhiệm kỳ này, với hướng đi MINH BẠCH, sẽ để lại dấu ấn tốt, thậm chí khác biệt”.

Trong buổi gặp mặt thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2006 – 2011 và 2011 -2016, một trong những điều quan trọng đầu tiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cam kết, chính là MINH BẠCH.

Ông khẳng định: Chính phủ sẽ xây dựng một Chính phủ đoàn kết, kỷ cương, minh bạch và quyết liệt chống tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin trong nhân dân.

Khi ông Đinh La Thăng rời Bộ Giao thông, đã có không ít cái chép miệng (thậm chí là nước mắt trong buổi chia tay): “Bao giờ ghế nóng ngành Giao thông sẽ có một ông Thăng thứ hai?”.

Nhưng có lẽ chẳng phải chờ đợi lâu.

Tuy kiệm lời, nhưng qua phát ngôn ngay những ngày đầu thị sát của mình, chúng ta đã có thể dự đoán tân Bộ trưởng Lê Quang Nghĩa là một tư lệnh hành động và mong muốn MINH BẠCH.

“Chúng tôi sẽ tiết kiệm từng đồng tiền thuế của nhân dân”; “Hiện nay, trong cái khó khăn này vẫn lòi ra tư tưởng tranh thủ, có một tí phong bì, cái nọ cái kia mới làm là không được. Tôi yêu cầu cần chấm dứt, không thể có tư tưởng đó xảy ra" – ông Nghĩa nói.

Khoảng trống phía sau nhiệm kỳ của bộ trưởng hành động Bùi Quang Vinh, tưởng sẽ mênh mông, nhưng tân bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã tuyên bố chắc nịch: “Sẽ cố gắng làm ít nhất bằng anh Vinh, còn nếu có vượt thêm chút ít, mong anh vui vẻ, thông cảm”.

Ông Dũng đã thể hiện thái độ MINH BẠCH của chính mình khi cam kết: “Đã nói, đã hứa thì phải làm, làm là phải được, còn được thì cũng phải được đàng hoàng”.

Khi ông Đinh La Thăng nói với một Phó cục trưởng Hải quan TP.HCM: “Việc bé như cái móng tay mà không xong. Ông làm Phó Cục trưởng như thế thì bao giờ lên Cục trưởng được”, có một số người không đồng tình.

Tôi thì lại cho rằng, thái độ ấy của Bí thư Thăng rất minh bạch và sòng phẳng.

> Mời xem những bài viết cùng tác giả TẠI ĐÂY

Trước đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có phương châm cực kỳ MINH BẠCH và hiệu quả khi phong hàm:“Đại tá đánh thắng Đại tá thì phong Đại tá, Thiếu tướng đánh thắng Thiếu tướng thì phong Thiếu tướng, mà Đại tướng đánh thắng Đại tướng của địch thì phong Đại tướng…”.

Nếu việc “bằng cái móng tay” không giải quyết xong, thì nên đi học làm… nail (làm móng chân móng tay) chứ “tội gì” gánh vác các việc lớn.

Đáng tiếc là ở trong các đường dây “Tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gọi tên, vẫn có không ít người sức chỉ đủ cầm vỉ ruồi, vẫn có cơ hội vác đại đao hại dân, hại nước.

Khi Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí chọn cách: Trực tiếp họp và đưa ra kết luận rất quyết đoán: Chủ quán café Xin chào không phạm tội kinh doanh trái phép, ông đã cho thấy mình là một tư lệnh hành động và thượng tôn sự MINH BẠCH.

Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh yêu cầu cách chức ngay hạt trưởng hạt kiểm lâm để rừng Sơn Trà bị phá; Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang yêu cầu cách chức, khởi tố chủ tịch xã Hoàn Trạch (huyện Bố Trạch) vì tham nhũng sổ đỏ của dân; Hai công an bị đình chỉ vụ khởi tố oan chủ đầm tôm Nguyễn Thị Ánh Ngọc…

Rất lâu rồi, người dân mới thấy xuất hiện những chuyển biến dồn dập, quyết liệt như thế.

Những thông tin quyết liệt và sòng phẳng càng nhiều, thì chỉ số MINH BẠCH của bộ máy công quyền càng cao.

Tony Fernandes, ông chủ hãng hàng không giá rẻ có lượng hành khách lớn nhất Châu Á AirAsia là người đã hóa giải thành công “cơn khủng hoảng thế kỷ” khi máy bay QZ8501 của hãng chở 162 người mất tích mà không tìm thấy bất cứ nguyên nhân nào.

Tony không từ chức và hãng hàng không đã được cứu thoát nhờ tài xử lý khủng hoảng truyền thông tuyệt vời của ông: Nhân văn, gần gũi, đối mặt và không lùi bước.

Tony đúc rút: “Bài học lớn nhất mà tôi học được trong việc xử lý bất kỳ sự việc nào chính là tính minh bạch. Người lãnh đạo cần phải đối mặt và chịu trách nhiệm. Họ không thể trốn tránh”.

Lựa chọn MINH BẠCH, đối diện và chịu trách nhiệm, hy vọng nhiều nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ làm được nhiều điều cho nhân dân trong một nhiệm kỳ đầy thách thức nhưng cũng không ít cơ hội này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại