TAND Cấp cao tại TP.HCM dự kiến ngày 12/6 sẽ xét xử giám đốc thẩm vụ án liên quan ông Lương Hữu Phước - người nhảy lầu tự tử tại TAND tỉnh Bình Phước hôm 29/5.
Trước đó, ngày 5/6, Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ký quyết định kháng nghị vụ án Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ này.
Kháng nghị cho rằng bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Phước và bản án sơ thẩm của TAND TP Đồng Xoài chưa làm rõ nhiều vấn đề như lời khai của Lâm Tươi (người điều khiển xe máy va chạm với ông Phước), chưa giám định tốc độ xe người này.
Do đó, TAND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị theo hướng hủy cả hai bản án của hai cấp để điều tra, xét xử lại theo thủ tục chung.
Bà Lê Thị Tư (vợ ông Phước) cũng có đơn đề nghị giám đốc thẩm tuyên chồng bà không phạm tội.
Tại buổi họp báo sáng 30/5 do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước tổ chức, lãnh đạo tòa Bình Phước cho rằng HĐXX hoàn toàn công tâm, vô tư, khách quan và dựa trên nguyên tắc tôn trọng chứng cứ để ra phán quyết.
Các kịch bản có thể xảy ra sau phiên giám đốc thẩm
Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM), trường hợp HĐXX giám đốc thẩm nhận thấy kháng nghị có căn cứ, sẽ ban hành bản án giám đốc thẩm theo hướng chấp nhận kháng nghị giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại TP.HCM.
Theo đó, toà sẽ hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã xét xử đối với vụ án này, giao hồ sơ lại cho toà án cấp sơ thẩm giải quyết lại từ đầu.
Bên cạnh đó, Hội đồng giám đốc thẩm còn có quyền không chấp nhận kháng nghị, giữ nguyên bản án phúc thẩm. Trong trường hợp này, bản án sơ thẩm, phúc thẩm có hiệu lực và sẽ được thi hành theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
Hoặc toà có thể hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của tòa sơ thẩm hoặc tòa phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
Hội đồng giám đốc thẩm cũng có thể tuyên hủy bản án sơ thẩm, phúc thẩm và đình chỉ vụ án. Khi đó, ông Lương Hữu Phước sẽ được xác định là không phạm tội và được tiến hành bồi thường theo quy định.
Trường hợp toà tuyên sửa lại bản án sơ thẩm, phúc thẩm, tùy vào việc Hội đồng giám đốc thẩm sửa lại bán án như thế nào mà sau đó xác định số phận pháp lý của ông Lương Hữu Phước.
Cuối cùng, Hội đồng giám đốc thẩm còn có thẩm quyền đình chỉ xét xử giám đốc thẩm. Trong trường hợp này, bản án sơ thẩm, phúc thẩm có hiệu lực nên sẽ được thi hành theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
Điều 388. Thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm
1. Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
2. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giữ nguyên bản án, quyết định đúng pháp luật của Tòa án cấp sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm bị hủy, sửa không đúng pháp luật.
3. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.
4. Hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án.
5. Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.
6. Đình chỉ xét xử giám đốc thẩm.
Theo nội dung vụ án, khoảng 11h ngày 15/1/2017, sau khi uống rượu tại nhà ông Phạm Văn Tuấn (khu phố Phước An, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài), ông Phước ra về. Khoảng 13h cùng ngày, ông Trần Hữu Quý gọi điện kêu ông Phước quay lại nhà ông Tuấn đổi lại dép đã mang nhầm.
Ông Phước sau đó điều khiển mô tô quay lại thì được rủ đi karaoke. Đến ngã tư Sốc Miên, ông Phước phát hiện ông Quý không đội mũ bảo hiểm nên chở người này về nhà lấy.
Khi cả hai đến gần trước nhà ông Quý ở khu phố Suối Đá (phường Tân Xuân), ông Phước dừng xe bên lề phải theo chiều đi của mình để ông Quý vào nhà lấy nón. Song, ông Quý không đồng ý.
Sau đó, ông Phước tiếp tục rẽ trái qua đường, nhưng không bật đèn xi nhan. Khi đến phần đường dành cho xe đi ngược chiều thì bị xe mô tô do anh Lâm Tươi điều khiển đâm trúng.
Tai nạn khiến ông Phước và ông Quý bị thương. Hai ngày sau, ông Quý không may tử vong.
TAND TP.Đồng Xoài xử sơ thẩm lần 1 đã tuyên phạt ông Phước 3 năm tù về tội "Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
Không đồng tình với bản án, ông Phước sau đó kháng cáo kêu oan.
Xử phúc thẩm lần 1, TAND tỉnh Bình Phước tuyên huỷ án sơ thẩm với nhận định "chưa làm rõ nhiều vấn đề, kết tội chưa có cơ sở".
Tại phiên toà sơ thẩm lần 2, TAND TP.Đồng Xoài đánh giá ông Phước "qua đường không quan sát, không nhường đường xe ngược chiều gây tai nạn", vẫn tuyên phạt 3 năm tù.
Sáng 29/5, TAND tỉnh Bình Phước xử phúc thẩm lần 2 đã tuyên bác kháng cáo của ông Phước, giữ nguyên mức án 3 năm tù.
Chiều cùng ngày, ông Phước đến tòa này nhảy từ trên lầu 2 xuống đất, tử vong.