Không thể đặt ra trách nhiệm hình sự với nữ hộ sinh
Vụ việc anh Phùng Giang Sơn (28 tuổi, quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội) tố Bệnh viện đa khoa Ba Vì trao nhầm con trai cho gia đình sau khi vợ anh sinh đang nhận được sự chú ý của dư luận xã hội.
Trao đổi với PV, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Hà Nội) cho rằng, có thể nói đây là một sự việc hy hữu, vô cùng đáng tiếc cho hai bên gia đình, bệnh viện do xuất phát từ lỗi vô ý của các nữ hộ sinh Bệnh viện đa khoa Ba Vì.
Nguyên nhân của sự việc, theo luật sư Cường có thể do một số yếu kém của y tế tuyến dưới, cách quản lý mẹ và bé còn sơ sài, chưa có kỹ thuật định danh cụ thể...
Tuy nhiên, luật sư Cường nói, sự việc xảy ra không chỉ làm ảnh hưởng đến tinh thần của những người trong cuộc mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hạnh phúc gia đình của họ, mối quan hệ họ hàng ruột thịt...
Đặc biệt, tình mẫu tử là tình cảm thiêng liêng và được bồi dưỡng qua một thời gian khá dài, do đó việc trao trả lại con sẽ gặp phải những khó khăn nhất định và tạo nỗi buồn cho người làm cha làm mẹ lẫn con trẻ.
Bên cạnh đó, sự việc này còn mang đến vụ khiếu kiện, thủ tục hành chính kéo dài, ảnh hưởng tới uy tín danh dự của bệnh viện.
Bệnh viện đa khoa huyện Ba Vì nơi xảy ra sự việc.
Vị luật sư nhìn nhận, trong vụ việc này, giả thiết về việc các nữ hộ sinh đánh tráo con hoặc có hành vi cố tình trao nhầm hoàn toàn không thể xảy ra mà chỉ là sự vô ý.
Do vậy, trách nhiệm hình sự chắc chắn không thể đặt ra mà chỉ phát sinh trách nhiệm và việc bồi thường về dân sự.
"Nhưng quan trọng hơn trong lúc này, sự việc cần được giải quyết về mặt tình cảm giữa 2 gia đình nhằm hòa giải, đưa các cháu về đúng với bố mẹ đẻ", luật sư Cường nêu.
Bệnh viện có trách nhiệm bồi thường cho 2 gia đình
Về trách nhiệm của bệnh viện trong sự việc này, luật sư Cường nêu rõ, khi có kết quả điều tra xác minh của cơ quan có thẩm quyền đối với hành vi trao nhầm con, tùy theo tính chất, hậu quả, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người gây ra có thể bị xử lý.
Theo đó, nếu hành vi trao nhầm con do lỗi vô ý, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà cá nhân vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý kỷ luật và bệnh viện phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ Điều 597 BLDS 2015, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình đã bị trao nhầm con.
Cụ thể, ngoài thiệt hại về vật chất, việc trao nhầm con giữa 2 gia đình đã gây tổn thất tinh thần rất lớn cho cả 2 bên.
Những sang chấn về tâm lý không thể đong đếm được nên để đảm bảo quyền lợi, các bên có quyền thỏa thuận để được bồi thường theo quy định.
Khu vực khoa sản.
Mức bồi thường tổn thất về tinh thần do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Nếu không thương lượng, thỏa thuận được với nhau về những tổn thất trong sự việc này thì các bên có quyền yêu cầu tòa án xác định thiệt hại và xác định người có trách nhiệm phải bồi thường những thiệt hại đó cho gia đình nạn nhân theo quy định pháp luật về dân sự.
Các khoản thiệt hại mà gia đình bị trao nhầm con có thể yêu cầu bồi thường bao gồm thiệt hại về vật chất (chi phí giám định ADN, chi phí xác minh, làm lại giấy tờ hộ tịch...)
Luật sư Cường nói thêm, sau khi thỏa thuận, tiến hành bồi thường, bệnh viện có quyền yêu cầu cá nhân người có lỗi là các nữ hộ sinh được xác định trao nhầm trẻ phải bồi thường lại cho bệnh viện.
Chị Vũ Thị Hương cùng cháu M.
Nếu không thống nhất, có thể khởi kiện nhờ tòa phân xử
Luật sư Đặng Văn Cường nêu rõ, trong vụ việc này, cả hai gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng đứa trẻ bị nhầm lẫn không khỏi bị sốc, bàng hoàng trước thông tin đứa con chăm sóc nuôi dưỡng, dành hết tình cảm bấy lâu nay lại không phải đứa trẻ do mình sinh ra.
Theo luật sư, dù có thể không phải con đẻ của mình, nhưng công sức, tình cảm mà gia đình này đã dành cho đứa trẻ không khác gì con đẻ của mình nên bản năng làm mẹ, làm cha đã hun đắp thành tình cảm gắn bó với đứa trẻ mà không dễ gì dứt bỏ được.
Hồ sơ bệnh án của hai cháu bé.
Do đó, để giải quyết vụ việc này cần có thời gian và sự thuyết phục của đôi bên cũng như các cấp chính quyền và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Việc cha mẹ nuôi chưa đồng ý giao con cho cha mẹ đẻ cũng có lý do của họ, việc này cần phải có thời gian và sự cảm thông.
"Tuy nhiên, các gia đình nên hòa giải, thống nhất để tìm tiếng nói chung, giải quyết về mặt tình cảm. Chúng ta nên mở lòng ra, bỏ qua mọi thứ để trao trả con cho nhau càng sớm càng tốt, tránh gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý của các cháu", luật sư Cường nêu.
Luật sư nêu rõ, trong vụ việc này, cả hai gia đình đều là bị hại, do đó, cần tôn trọng pháp luật sau khi có kết quả giám định ADN chính xác của cơ quan có thẩm quyền.
Tuy nhiên, nếu sau một thời gian động viên, thuyết phục, giải thích, vào cuộc của chính quyền mà cha mẹ nuôi kiên quyết không trả lại con cho cha mẹ đẻ thì cha mẹ đẻ có thể khởi kiện tới toà án để yêu cầu xác định cha, mẹ cho con.
Đồng thời đề nghị tòa án buộc cha mẹ nuôi phải trả lại đứa con cho cha mẹ đẻ theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tòa án sẽ căn cứ vào lời khai của các bên, căn cứ vào kết quả giám định ADN, các tài liệu chứng cứ khác có liên quan để xác định cha mẹ đẻ thực sự của cháu bé và buộc người đã nuôi dưỡng dưỡng, chăm sóc mà không phải cha mẹ của cháu phải trả lại cho cha mẹ đẻ.
Khi vụ án kết thúc, nếu các bên vẫn không tự thỏa thuận được thì tòa án sẽ tuyên bản án để giải quyết vụ án.
Người thắng kiện sẽ căn cứ vào bản án để yêu cầu cơ quan thi hành án cưỡng chế thi hành nội dung bản án mà tòa án đã quyết định.
Khi đó cơ quan thi hành án dân sự có thể buộc người đang nuôi dưỡng, chăm sóc đứa trẻ mà không phải là cha mẹ đẻ phải trả lại đứa trẻ cho cha mẹ đẻ.
Ngoài ra, nếu một trong hai gia đình không thi hành bản án, người đó có thể bị xử lý vi phạm hành chính. Thậm chí, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự liên quan hành vi chống đối bản án.
Luật sư Ngô Hương Giang (Hà Nội) chia sẻ thêm, đây là vụ kiện đòi nuôi con do lỗi Bệnh viện trao nhầm lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam.
Theo nữ luật sư, trước đây, hầu hết các vụ trao nhầm hay thất lạc con, kể cả con ở nước ngoài, sau khi được phát hiện, các bên đều thỏa thuận thành công chứ chưa cần phải ra đến tòa án.
Luật sư nói có thể bần cùng, bất đắc dĩ lắm mới phải thực hiện việc ra tòa còn với góc độ tình cảm, nhân văn, hai gia đình hãy ngồi lại với nhau, dùng tình cảm, tình thương yêu con để giải quyết.