Biện pháp cứu hộ là tổ chức khoan, tạo khe hở bằng cách dùng các ống vách thép có đường kính 1,5m làm lồng trùm lại trụ bê tông, sau đó xử lý hết phần đất trong lồng ống, rồi dùng cần cẩu rút cọc bê tông chứa cháu bé lên. Sau đó, lực lượng công binh sẽ dùng máy cắt chuyên dụng để cắt cọc bê tông, đưa cháu bé ra ngoài.
Huy động nhiều phương tiện, máy móc phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn. Ảnh: VOV
Các lực lượng đã khẩn trương làm việc không ngừng nghỉ trong đêm và đặt quyết tâm nhổ cọc bêtông ngay trong đêm nhưng chưa thể thực hiện được. Nguyên nhân một phần là do điều kiện địa chất, địa tầng và thiết bị phải điều từ nơi khác đến nên không chủ động được.
Lực lượng cứu hộ làm xuyên đêm giải cứu bé trai 10 tuổi. Ảnh: Báo Giao thông
Như vậy đến lúc này, công tác cứu hộ đang thực hiện đến giai đoạn nào, Thượng tá Trần Đình Công, Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9, cho biết các lực lượng có mặt tại hiện trường đã chạy đua với thời gan để thực hiện các phương án cứu nạn đã thống nhất trước đó.
Do đây là vụ tai nạn rất hi hữu, điều kiện cứu hộ vô cùng khó khăn và ngặt nghèo nhưng dù chỉ còn tia hi vọng mong manh, các lực lượng vẫn sẽ nỗ lực đến cùng để cứu nạn cháu bé trong thời gian sớm nhất, có thể trong sáng nay (3/1).
Như VTV News đã đưa tin, trước đó, khoảng 11h30, ngày 31/12, bé Thái Lý Hào Nam (10 tuổi) cùng các bạn trong xóm vào công trình cầu Rọc Sen (đường tỉnh lộ 857, xã Phú Lợi) để nhặt sắt. Lúc đi qua công trình đang thi công, bé Nam lọt xuống trụ bê tông (đường kính 25cm, rỗng bên trong, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35m). Các em đi cùng hô hoán để người lớn ứng cứu nhưng bất thành.
Tại thời điểm xảy ra sự cố công trường ngừng làm việc và nhân công đang nghỉ trưa. Ngay sau khi phát hiện sự việc, Ban chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, Sở GTVT, Ban Quản lý dự án, Tư vấn giám sát, nhà thầu thi công; chính quyền địa phương, lực lượng y tế và các lực lượng cứu hộ khác đến hiện trường.