Vụ bé trai bị bạo hành lúc trần truồng: Ngông cuồng thế là cùng!

Phạm Dũng |

Bạn đọc cho rằng các cơ quan tố tụng cần nhanh chóng điều tra, truy tố và xét xử kẻ bạo hành trẻ em để răn đe.

Gần đây, mạng xã hội đang lan truyền video người phụ nữa bạo hành, đánh đập một đứa trẻ trong tình trạng bé không mặc quần áo. Sự việc gây bức xúc trong dư luận và nhiều người khẳng định hành vi này cần phải lên án gay gắt.

Về vụ bạo hành ở KP3, phường An Phú Đông (quận 12) bạn đọc Huỳnh Thị Kim Thơm bức xúc: "Quá phẫn nộ. Lúc báo mới đăng clip, nhìn vào hình ảnh run rẩy của bé thấy xót xa, căm phẫn lắm, pháp luật cần phải xử đúng tội, đủ sức răn đe".

Bạn đọc Nguyễn Song Giang nêu ý kiến: " Trẻ con còn nhỏ mồ côi tội tình gì mà hành hạ cháu dã man vậy. Không có tấm lòng yêu thương trẻ thì đừng nhận chăm sóc trẻ con".

Bạn đọc Ngọc Anh nói: "Chứng cứ đã rõ, nhân chứng, vật chứng đã rõ. Clip cũng đã thể hiện tính côn đồ, dã man của bà Lê Thị Diễm Trang. Các cơ quan tố tụng cần nhanh chóng điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhanh để răn đe. Mức án của những kẻ bạo hành trẻ em phải thật nghiêm khắc để những kẻ có tư tưởng bạo hành trẻ phải e sợ".

Vụ bé trai bị bạo hành lúc trần truồng: Ngông cuồng thế là cùng! - Ảnh 1.

Lê Thị Diễm Trang đánh bé trai bằng chổi dã man

Theo Luật sư Lưu Tấn Anh Toàn (Giám đốc Công ty Luật Lưu Vũ), bạo lực trẻ em là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em.

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc làm tổn hại đến sự phát triển toàn diện của trẻ em.

Tùy vào tỷ lệ thương tích, đối tượng bạo hành có thể bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Vụ bé trai bị bạo hành lúc trần truồng: Ngông cuồng thế là cùng! - Ảnh 2.

Lê Thị Diễm Trang đã có dấu hiệu cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người dưới 16 tuổi, người không có khả năng tự vệ. Trong trường hợp này, cha cháu bé cần đưa cháu đi giám định tỉ lệ thương tật và trình báo công án vụ việc để công an phối hợp điều tra và giải quyết theo quy định.

Tùy vào mức độ hành vi và hậu quả thì người có hành vi vi phạm sẽ phải chịu chế tài thích đáng.

Hơn nữa, khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định: "Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết."

"Đối với tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này thì khi đó phải có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại mới tiến hành khởi tố vụ án. Do đó, trong trường hợp này cần giám định cho cháu bé và người bố cần trình báo sự việc tới công an.

Nếu giám định tỷ lệ thương tích mà thuộc các Khoản 2,3,4,5 Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) thì khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm mà không cần bị hại hoặc người đại diện của bị hại yêu cầu"- luật sư Lưu Tấn Anh Toàn chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại