Vụ bắt Thứ trưởng Bộ Công Thương: Xuyên Việt Oil vẫn nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng trăm tỷ?

Chi Chi TH |

Ngoài nợ thuế hơn 1.500 tỷ đồng, Xuyên Việt Oil còn hàng trăm tỷ đồng chưa chuyển vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định.

Có bao nhiêu người bị bắt trong vụ Xuyên Việt Oil?

Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an thụ lý, điều tra vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" xảy ra tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.

Liên quan đến vụ án này, nhiều quan chức, lãnh đạo công ty đã bị bắt giam. Cụ thể:

Ngày 21/12, Cơ quan ANĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương. Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải bị điều tra về tội Nhận hối lộ. Cùng ngày, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại Bộ Công thương đối với thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng được thi hành.

Ngày 19/12, Cơ quan ANĐT Bộ Công an cũng đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Lê Duy Minh, nguyên Cục trưởng Cục thuế TP.HCM (nay là Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM) để điều tra về tội Nhận hối lộ quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Vụ bắt Thứ trưởng Bộ Công Thương: Xuyên Việt Oil vẫn nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng trăm tỷ?- Ảnh 1.

Những người đã bị bắt giam liên quan đến vụ án ở Xuyên Việt Oil. Ảnh: Người lao động


Trước đó, ngày 14/12, Bộ Công an cho biết đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Lê Đức Thọ (sinh năm 1970; cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bến Tre) để điều tra về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" quy định tại Điều 358 Bộ luật Hình sự.

Hồi tháng 9 năm nay, Bộ Công an cũng đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với: Mai Thị Hồng Hạnh (sinh năm 1979, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil) và Nguyễn Thị Như Phương (sinh năm 1992; Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil).

Hai bị can trên bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.

Xuyên Việt Oil nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu bao nhiêu tiền?

Công ty TNHH Thương mại vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil có trụ sở chính tại 465-467 Hai Bà Trưng, P. Võ Thị Sáu, Q.3 TP.HCM, là 1 trong số gần 40 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn trên cả nước, được quyền xuất nhập khẩu xăng dầu. Công ty Xuyên Việt Oil đã bị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép xuất, nhập khẩu xăng dầu từ ngày 11/8/2023.

Sau khi bị rút giấy phép, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu doanh nghiệp này gửi bản chính giấy phép kinh doanh về Bộ Công Thương và chuyển nộp toàn bộ số tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước. Doanh nghiệp cũng phải gửi bản sao chứng từ chuyển nộp tiền về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

Tuổi Trẻ cho hay, cuối năm nay, Cục Thuế TP.HCM đã công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế đợt 2 năm 2023. Trong đó, Xuyên Việt Oil đứng đầu danh sách với số nợ thuế "khủng": 1.529 tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế bảo vệ môi trường là trên 1.244 tỷ đồng.

Ngoài nợ thuế hơn 1.500 tỷ đồng, đến 31/3/2023, Xuyên Việt Oil còn 219,9 tỷ đồng chưa chuyển vào Quỹ Bình ổn giá xăng dầu theo quy định (số liệu do báo Tiền Phong cung cấp).

Vụ bắt Thứ trưởng Bộ Công Thương: Xuyên Việt Oil vẫn nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu hàng trăm tỷ?- Ảnh 2.

Một cây xăng của Xuyên Việt Oil. Ảnh: TPO


Ngay từ kỳ giám sát tháng 1/2020 của cơ quan hải quan và tài chính, Công ty Xuyên Việt Oil đã có số nợ ngân sách nhà nước hơn 89,57 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường. Trong vòng 3 năm sau đó, số nợ thuế của công ty này tăng phi mã, lên gấp gần 20 lần. 

Xuyên Việt Oil lý giải về tình trạng nợ thuế, nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu của mình là do thực tế đứt gãy nguồn cung xăng dầu tại TPHCM năm 2022 và sự thay đổi đột ngột chính sách tín dụng của ngân hàng khiến công ty không cân đối kịp nguồn tài chính để nộp các khoản thuế tới hạn theo quy định.

Trước khi bị bắt, bà Mai Thị Hồng Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil còn khá "tự tin" khi cho báo Tiền Phong hay rằng số nợ thuế của Xuyên Việt Oil không phải là quá lớn nếu nhìn vào số tài sản là bất động sản mà công ty đang sở hữu. 

Tuy nhiên, sau khi các lãnh đạo công ty bị bắt, việc bao giờ doanh nghiệp này có thể hoàn trả số nợ thuế và số nợ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vẫn là dấu hỏi.

Theo nguồn tin của Lao Động, hiện nay, các cơ quan chức năng cũng đang xác minh, điều tra về vụ việc này. Đồng thời làm rõ việc Xuyên Việt Oil sau khi bị thu hồi giấy phép hoạt động thì sẽ chuyển nộp số tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước và nợ thuế bảo vệ môi trường là bao nhiêu. Trường hợp không thu hồi được thì cần làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Tại kết luận thanh tra được Bộ Công Thương thực hiện hồi đầu năm 2022 đã chỉ ra nhiều điều bất thường tại Công ty Xuyên Việt Oil.

Cụ thể, một trong những điều kiện quan trọng để Xuyên Việt Oil có được giấy phép làm đầu mối là đáp ứng về hệ thống phân phối, bên cạnh các quy định về cầu cảng, kho chứa, phương tiện vận chuyển…

Để đủ điều kiện về hệ thống phân phối, có 37 đại lý bán lẻ của Công ty CP Đại Đồng Xuân được Công ty Xuyên Việt Oil kê khai thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ - con. Cụ thể là Xuyên Việt có góp vốn trên 50% vào Công ty Đại Đồng Xuân.

Thế nhưng, cũng chính trong ngày Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Công ty Xuyên Việt Oil và Công ty CP Đại Đồng Xuân đã ký kết văn bản huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và tại thời điểm huỷ bỏ, “hai bên chưa thực hiện bất cứ quyền và nghĩa vụ nào của hợp đồng đã ký kết”.

“Điều này là không đúng quy định”, Bộ Công Thương khẳng định đồng thời kết luận Công ty Xuyên Việt chưa đáp ứng điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (có tối thiểu 40 tổng đại lý hoặc đại lý hoặc thương nhân nhượng quyền bán lẻ xăng dầu).

Năm 2021, công ty này không đăng ký hệ thống phân phối với Bộ Công Thương. Trong quá trình thanh tra, doanh nghiệp bị phạt hành chính tới 4 hành vi, trong đó có việc không đăng ký hệ thống phân phối; không đáp ứng điều kiện hệ thống phân phối; gian lận trong kê khai đại lý…

Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại