Vụ bà Phương Hằng: Luật sư kiến nghị xác định lại tư cách tham gia tố tụng của nhà báo Đức Hiển

Tân Châu |

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà báo Nguyễn Đức Hiển (Phó tổng biên tập báo Pháp luật TPHCM) cho rằng, thân chủ của ông là người bị hại chứ không phải người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan. Động thái này được đưa ra sau khi Tòa án có quyết định mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử bà Nguyễn Phương Hằng và 4 đồng phạm.

Chiều 31/8, luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TPHCM, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Đức Hiển), trong vụ án bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty Đại Nam, Bình Dương) và 4 đồng phạm, sắp sửa bị đưa ra xét xử tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, đã có kiến nghị gửi HĐXX phiên tòa sơ thẩm và thẩm phán Nguyễn Đức Nam, người sẽ là chủ tọa phiên tòa vào ngày 21/9 tới đây.

Vụ bà Phương Hằng: Luật sư kiến nghị xác định lại tư cách tham gia tố tụng của nhà báo Đức Hiển - Ảnh 1.

Luật sư Nguyễn Thành Công (giữa), trong một lần tham gia bào chữa tại tòa án.

Theo kiến nghị, luật sư của nhà báo Nguyễn Đức Hiển nêu, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 3790/2023/ QĐXXST-HS ngày 28/8/2023 của TAND TPHCM, ông Hiển được xác định là Người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong khi lẽ ra phải là Bị hại.

Luật sư Nguyễn Thành Công dẫn quy định tại khoản 1 Điều 62 BLTTHS năm 2015 có nêu rằng: cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra và thiệt hại này là khách thể trực tiếp của tội phạm, thì cá nhân đó được xác định là bị hại trong vụ án.

Cũng theo kiến nghị, qua tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án, xác định rất rõ ông Hiển là một trong số các cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về tinh thần (uy tín, danh dự cá nhân), do hành vi phạm tội của bà Nguyễn Phương Hằng gây ra.

Vụ bà Phương Hằng: Luật sư kiến nghị xác định lại tư cách tham gia tố tụng của nhà báo Đức Hiển - Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển (Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TPHCM).

Việc ông Hiển bị xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân thông qua các phát ngôn chứa đựng thông tin bịa đặt, sai sự thật của bà Nguyễn Phương Hằng đã được khẳng định trong rất nhiều tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cũng như trong cáo trạng, kết luận giám định ngày 31/5/2022 của Sở TT-TT tỉnh Bình Dương và Sở TT-TT TPHCM...

Theo đó, luật sư Nguyễn Thành Công kiến nghị HĐXX, chủ tọa phiên tòa xác định tư cách tham gia tố tụng của ông Nguyễn Đức Hiển là bị hại trong vụ án.

Như Tiền Phong đã đưa tin, ngày 21/9, TAND TPHCM sẽ xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Phương Hằng (Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, tỉnh Bình Dương) và 4 đồng phạm, cùng tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Tòa đã triệu tập ông Huỳnh Uy Dũng (chồng bà Nguyễn Phương Hằng), ông Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ), bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ); bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ) cùng chồng là Lê Công Vinh (cựu cầu thủ bóng đá), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đinh Thị Lan, bà Lê Thị Giàu, bà Trương Thị Việt Hà, Nguyễn Đình Kim đến tòa với tư cách là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.

Cáo trạng vụ án nêu, lợi dụng sức ảnh hưởng cá nhân, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục tổ chức các buổi livestream để nói về nhiều nội dung chưa được kiểm chứng và phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín cá nhân, xúc phạm nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các cá nhân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại