"Vụ án nào liên quan đến mua bán người cũng để lại những băn khoăn, trăn trở"

Nguyễn Hiền/VOV.VN |

"Vụ án nào liên quan đến mua bán người cũng để lại các băn khoăn, trăn trở của người làm công tác điều tra. Đặc biệt, các vụ án liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái", Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng Buôn bán người, Cục Cảnh sát hình sự chia sẻ.

Tình trạng buôn bán người năm 2022 có diễn biến vô cùng phức tạp. Trong đó, nổi lên là tình trạng, một số bé gái từ 14-16 tuổi do ảnh hưởng dịch COVID-19, học trực tuyến nên thường xuyên lang thang trên mạng, bị các đối tượng lừa đảo, dụ dỗ bỏ nhà, sau đó bị bán vào các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí. Số liệu 9 tháng năm 2022 cho thấy, Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an đã phát hiện, triệt phá gần 80 vụ, trong đó làm rõ và xác định được khoảng 180 đối tượng, giải cứu được 220 nạn nhân liên quan đến hành vi mua bán người. Phóng viên VOV phỏng vấn Thượng tá Đinh Văn Trình, Phó trưởng phòng Buôn bán người, Cục Cảnh sát hình sự về những diễn biến mới của tội phạm buôn bán người năm 2022.

Vụ án nào liên quan đến mua bán người cũng để lại những băn khoăn, trăn trở - Ảnh 1.

Thượng tá Đinh Văn Trình

Tội phạm buôn người có sự dịch chuyển

PV : Ông đánh giá thế nào về tình trạng buôn bán người diễn ra trong năm 2022?

Thượng tá Đinh Văn Trình : Tình hình buôn người trong những năm gần đây, đặc biệt trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp và có sự chuyển hướng của tội phạm.

Cụ thể, năm 2022, sau khi Việt Nam khống chế được dịch bệnh, các hoạt động đi lại thông thương, giao lưu, hợp tác quốc tế, cũng như hoạt động kinh doanh mở cửa bình thường. Do vậy, hoạt động buôn người có những diễn biến liên quan đến tình trạng này.

Thứ nhất, số người không có công ăn việc làm do ảnh hưởng của COVID-19 tăng cao, nhu cầu di cư tìm kiếm việc làm tăng lên. Căn cứ vào sự di cư đó, tội phạm mua bán người đã dụ dỗ, lôi kéo được rất nhiều người.

Thứ hai, tại một số nước có chung đường biên giới với Việt Nam như Campuchia, Myanmar, xuất hiện tình trạng một số đối tượng trong nước kết nối với một số người chủ ở các nước này, tổ chức lôi kéo người lao động không được đào tạo cơ bản sang hoạt động trong các loại hình dịch vụ nhạy cảm, kinh doanh bất hợp pháp, kinh doanh lừa đảo trên mạng.

Rất nhiều người không làm được việc, không đạt được chỉ tiêu bị đánh đập, bị bán cho chủ khác. Nhiều người trong số đó, bị chính các đối tượng buôn người đe dọa, cưỡng ép gọi điện về nhà, hoặc chính các đối tượng này gọi về khống chế người thân nộp tiền chuộc với số tiền lớn từ 3.000-10.000 USD.

Bên cạnh đó, tình hình tội phạm trong nội địa diễn biến rất phức tạp. Do không ra nước ngoài được, các đối tượng trong nước đã tìm kiếm, lôi kéo phụ nữ, trẻ em gái tầm tuổi 15-16 tuổi bỏ học, mải chơi hay lang thang trên mạng để lừa gạt “việc nhẹ lương cao”, hoặc đi du lịch,... Sau đó bị các đối tượng ép tham gia vào các dịch vụ nhạy cảm như massage, hay bán dâm.

Còn một hình thức nữa, nhiều phụ nữ bị các đối tượng lừa gạt đưa ra nước ngoài để bán vào các cơ sở hoạt động mại dâm sát biên giới Việt Nam. Liên quan đến việc đưa phụ nữ sang nước ngoài tìm kiếm việc làm, hoặc lợi dụng chính sách cho nhận con nuôi, môi giới hôn nhân có yếu tố nước ngoài để bán trẻ con, phụ nữ Việt Nam ra nước ngoài làm con nuôi. Bên cạnh đó, tình hình mua bộ phận cơ thể người, diễn biến hết sức phức tạp.

Gần đây, xuất hiện cả tình trạng, tìm kiếm người lao động ở vùng sâu xa, sau đó bán, hoặc chuyển giao cho các chủ tầu đánh cá đi ra ngoài xa đánh cá, nhiều người bị cưỡng ép lao động, đánh đập như khổ sai.

PV : Trong năm 2022, Cục Cảnh sát Hình sự đã phối hợp với các địa phương xử lý tội phạm này như thế nào?

Thượng tá Đinh Văn Trình : Chỉ tính trong 9 tháng năm 2022, Cục Cảnh sát Hình sự đã phối hợp, chỉ đạo các đơn vị địa phương tổ chức các chuyên đề phòng chống tội phạm mua bán người, qua đó đã đấu tranh, triệt phá được nhiều băng nhóm tội phạm.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm đã phát hiện, triệt phá gần 80 vụ, trong đó đã làm rõ và xác định được khoảng 180 đối tượng liên quan đến mua bán người, giải cứu được hơn 220 nạn nhân.

Chúng tôi mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người từ ngày 1/7-30/9. Ngay trong đợt cao điểm này, chúng tôi đã triệt phá được 49 đường dây, băng nhóm, bắt giữ 78 đối tượng, giải cứu được 120 nạn nhân. Chỉ tính riêng đợt cao điểm tấn công trấn án tội phạm qua các năm, năm 2022, số vụ phát hiện, bắt giữ tăng 47% so với năm 2021 (năm 2021 phát hiện 37 vụ, năm 2022 là 49 vụ).

Vụ án nào liên quan đến mua bán người cũng để lại những băn khoăn, trăn trở - Ảnh 2.

Nhóm người tháo chạy khỏi casino ở Campuchia.

Bên cạnh đó, cơ cấu về tội phạm buôn bán người cũng khác nhau. Trước đây, 80-90% vụ án mua bán người đưa sang Trung Quốc hoặc 1 số nước lân cận, năm nay tập trung "thị trường" Campuchia. Năm 2022, chúng ta phát hiện 17 vụ mua bán người, một số vụ án khác liên quan đến mua bán người nhưng chúng ta xử lý bằng tội danh khác vì phải căn cứ theo quy định của pháp luật. Ví như, tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép, hay cưỡng ép người khác ở lại nước ngoài trái phép.

Chúng ta cũng đã điều tra, xử lý được hơn 10 vụ mua bán người trong nội địa. Trong đó, các đối tượng lợi dụng việc lên mạng internet lừa gạt, dụ dỗ trẻ em gái dưới 16 tuổi bán vào các cơ sở dịch vụ karaoke, mại dâm.

Bên cạnh đó, điều tra xử lý được một số đường dây, băng nhóm tội phạm lợi dụng việc một số chị em sinh con ngoài ý muốn, hoặc vì lý do gì đó không muốn nuôi con, để mua lại những đứa trẻ này bán cho người hiếm muộn. Đây là tình trạng cực kỳ phức tạp, mà chúng tôi vừa điều tra, phá án phối hợp các địa phương xử lý được 5 vụ.

Khái niệm “việc nhẹ lương cao” là mồi nhử vô cùng hấp dẫn

PV : Việc phá những vụ mua bán người gặp những khó khăn gì, và tại sao chúng ta càng phá thì tình trạng này càng nhiều và tinh vi hơn?

Thượng tá Đinh Văn Trình : Thứ nhất, nhu cầu tìm kiếm việc làm của người Việt Nam sau khi chúng ta khống chế được COVID-19 là nhu cầu có thật, đặc biệt là ở vùng sâu, xa, vùng có trình độ dân trí thấp. Do vậy, việc các đối tượng lừa đảo, đưa ra khái niệm “việc nhẹ lương cao” tại các đô thị lớn, hoặc ở nước ngoài là mồi nhử vô cùng hấp dẫn.

Chính vì vậy, nhiều người đã bằng con đường di cư hợp pháp, hoặc bất hợp pháp nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng trên mạng mà không gặp gỡ trực tiếp. Trong khi đó các đối tượng lừa đảo này cũng không để lại thông tin thật. Sau khi hứa hẹn, các đối tượng đã hỗ trợ, cung cấp đường đi, hướng dẫn cho nạn nhân tự đi, tự vượt biên trái phép mà không trực tiếp đi cùng họ.

Rất nhiều nạn nhân, sau khi xuất cảnh trái phép đã có vi phạm về xuất cảnh, nên rất sợ bị xử lý. Và trong quá trình trở thành nạn nhân, họ đã bị các đối tượng cầm đầu khống chế, dụ dỗ, thậm chí là lôi kéo, tiếp tay cho các đối tượng phạm tội cưỡng bức lao động bằng cách rủ bạn bè, người thân tham gia vào đường dây này để hưởng lợi, và giảm bớt áp lực do bị cưỡng bức.

Nguy hiểm nhất, các đối tượng cầm đầu dùng mạng xã hội để lôi kéo nên nhiều nạn nhân sau khi được giải cứu họ không biết đối tượng lừa mình là ai. Bởi, sau khi lừa đảo được, người cầm đầu đường dây đã xóa hết thông tin trên mạng.

Cùng với đó, trong hợp tác quốc tế giữa chúng ta và các nước khác cũng còn nhiều vấn đề. Trong đó, quan điểm về người di cư, tìm kiếm việc làm, và căn cứ xác định nạn nhân giữa các quốc gia còn nhiều khác biệt.

Phần lớn các nạn nhân của chúng ta, sau khi xuất cảnh trái phép đều với nhu cầu đi tìm kiếm việc làm. Thông tin ban đầu chúng ta tìm được, các đối tượng đã hỗ trợ nạn nhân đi tìm kiếm việc làm, nhưng sang đến nước thứ 2, hoặc thứ 3 thì bị bán vào các cơ sở hoặc đưa vào cơ sở cưỡng bức lao động. Lúc đó, nạn nhân không biết mình đang ở đâu, và bị thu giữ toàn bộ phương thức liên lạc, không được phép liên hệ với bất cứ ai. Cho nên việc các cơ quan điều tra trong nước tiếp cận với những người được xác định là nạn nhân rất khó. Khi chúng ta cung cấp thông tin cho phía bạn để giải cứu không đầy đủ thông tin nên rất khó khăn….

Vụ án nào liên quan đến mua bán người cũng để lại những băn khoăn, trăn trở - Ảnh 3.

Một thiếu nữ người H'Mông bị bán sang Trung Quốc ở nhà bảo hộ cho các nạn nhân buôn người ở Lào Cai.

PV : Việc phá vụ án mua bán người như ông vừa nói là hết sức khó khăn. Ông có thể điểm lại một vụ án có tính chất phức tạp trong năm 2022?

Thượng tá Đinh Văn Trình : Vụ án nào liên quan đến mua bán người cũng để lại các băn khoăn, trăn trở của người làm công tác điều tra. Đặc biệt, các vụ án liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái.

Qua nghiên cứu, đánh giá, cũng như qua công tác điều tra cơ bản của lực lượng cảnh sát hình sự, đặc biệt đối với phòng Mua bán người của Cục Hình sự, đều xác định có rất nhiều trẻ em gái dưới 16 tuổi trong thời gian dịch bệnh, từ năm 2019 không được đi học trực tiếp, phải học trực tuyến.

Thời gian này, các em rảnh rỗi thời gian, lên mạng giao lưu, kết bạn với những người không quen biết. Chính từ đây, các em bị kết nối với các đối tượng xấu, được rủ rê, lôi kéo đi chơi, tìm việc làm hỗ trợ gia đình. Khi ra khỏi gia đình, các em bị khống chế bán vào các cơ sở nhạy cảm, nhiều em bị ép thành gái mại dâm.

Trước tình hình đó, chúng tôi phối hợp công an Ninh Bình, Bắc Giang, Hà Nội và một số địa phương khác, xác minh làm rõ một đường dây mua bán người dưới 16 tuổi bằng thủ đoạn này. Qua một thời gian theo dõi, đầu năm 2022, chúng tôi phối hợp bắt giữ được 6 đối tượng và giải cứu được 4 nạn nhân.

Sau khi được giải cứu các em rất mặc cảm, không dám trở về địa phương và còn đứng ra bênh vực các đối tượng vì các em còn rất non nớt.

Các em cứ tưởng các đối tượng thực hiện lời hứa, có “việc nhẹ, lương cao”, nhưng khi làm gái mại dâm các em bị các đối tượng khống chế, đánh đập, đe dọa không dám khai báo.

Từ việc điều tra thân thiện, phối hợp nhiều tổ chức, ban ngành sau một thời gian dài, các em mới cung cấp các thông tin chính xác để chúng tôi tiếp tục điều tra. Từ điều tra chuyên án này, chúng tôi thấy rằng, thủ đoạn này tương đối phổ biến, và xảy ra ở nhiều địa phương khác nhau. Sau đó, chúng tôi xin ý kiến lãnh đạo Cục, lãnh đạo Bộ, từ đó tham mưu cho lãnh đạo Bộ, Cục có điện chỉ đạo tới công an các địa phương trực tiếp rà soát các cơ sở dịch vụ nhạy cảm có sử dụng trẻ em gái dưới 16 tuổi.

Chúng tôi đã tiến hành tổ chức các buổi hội thảo đúc rút kinh nghiệm và hướng dẫn địa phương xử lý vụ việc như này. Với cách làm như thế, đến giờ này, trong năm 2022 chúng tôi đã phát hiện 16 vụ mua bán người trong nội địa với thủ đoạn tương tự như thế.

PV : Ông có lời khuyên gì để người dân tránh trở thành nạn nhân của tội phạm buôn bán người?

Thượng tá Đinh Văn Trình : Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan đơn vị truyền thông, các Bộ, ngành tuyên truyền rất nhiều về thủ đoạn và nguyên nhân xảy ra tội phạm.

Trong quá trình điều tra, chúng tôi thấy nổi lên một thủ đoạn đó là “việc nhẹ lương cao”, đây là một miếng mồi, nhất là đối với người đang trong lứa tuổi lao động 16-35 tuổi bị hấp dẫn. Chúng tôi khẳng định rằng, tất cả công việc mang khái niệm “việc nhẹ lương cao”, mọi người đừng nên tin. Trước khi đi tìm kiếm việc làm ở đâu, mọi người nên lưu ý tìm hiểu kỹ, nhất là biết người mình đang tiếp chuyện, mời gọi là ai thì nên đến gặp trực tiếp.

Cùng với đó, tham vấn các cơ quan chuyên môn, như Sở Lao động Thương binh và xã hội, đặc biệt gọi qua đường dây nóng 111- đường dây hỗ trợ, tư vấn về bảo vệ trẻ em và mua bán người.

PV : Xin cảm ơn ông!./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại