Trong vụ án được gọi là buôn lậu “siêu xe” gây xôn xao dư luận này, kết luận điều tra, cáo trạng còn rất nhiều nội dung, tình tiết chưa được làm rõ…
Theo kết luận điều tra, từ đầu năm 2011 đến cuối năm 2012, Nguyễn Quang Vinh và đồng phạm làm thủ tục nhập khẩu xe ô tô cho 64 Việt kiều hồi hương; trong đó có 54 trường hợp được thuê mướn đứng tên nhập khẩu không đúng quy định nên đã phạm vào tội “Buôn lậu”.
Các loại ô tô nhập về đều thuộc là các thương hiệu đắt đỏ như Rolls Royce, Bentley, Porsche và một số “siêu xe” khác. Định giá tài sản 54 xe ô tô và 12 mô tô là 356,2 tỷ đồng.
Nếu không được miễn, các loại thuế của số ô tô trên sẽ là 159,8 tỷ đồng.
Tại Cơ quan CSĐT, 3 bị can Nguyễn Quang Vinh, Trần Phước Thạnh, Trần Thái Nguyên thừa nhận hành vi sai phạm. Riêng bị can Nguyễn Giang Lam kêu oan, khẳng định không vi phạm pháp luật .
Cáo trạng số 37/VKS-P3, ngày 18/1/2018 của VKSND TP. Hồ Chí Minh đã truy tố các bị can Trần Phước Thạnh, Nguyễn Quang Vinh, Trần Thái Nguyên, Nguyễn Giang Lam về tội “Buôn lậu” theo điểm a, khoản 4, Điều 188; truy tố bị can Bùi Khắc Hà về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Quá trình giải quyết vụ án, TAND TP. Hồ Chí Minh nhận thấy có nhiều vấn đề chưa được làm rõ nên vừa ra Quyết định số 87/2018/HSST-QĐ ngày 6/4/2018 “trả hồ sơ điều tra bổ sung”.
Theo HĐXX, “các bị can Trần Phước Thạnh, Nguyễn Quang Vinh, Trần Thái Nguyên, Nguyễn Giang Lam, Bùi Khắc Hà thực hiện hành vi trước khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực.
Căn cứ nội dung điều luật quy định thì các bị can Trần Phước Thạnh, Nguyền Quang Vinh, Trần Thái Nguyên, Nguyễn Giang Lam bị khởi tố, truy tố theo Điều 153 Bộ luật Hình sự là không đúng quy định của pháp luật”.
Quyết định nêu rõ: Luật sư Trần Hải Đức bào chữa cho bị can Nguyễn Giang Lam kiến nghị trả hồ sơ điều tra bổ sung theo nội dung Kiến nghị số 01A-04/HS-2018 ngày 3/4/2018.
Từ đó, Tòa trả hồ sơ cho VKSND TP. Hồ Chí Minh để điều tra bổ sung 4 vấn đề: Thứ nhất, xác định lại điều luật truy tố đối với các bị can trong vụ án.
Thứ hai, xác định rõ các trường hợp bị can Nguyễn Giang Lam mua vé máy bay, đóng dấu kiểm chứng xuất, nhập cảnh khống; tổ chức tour du lịch cho Việt kiều đi để hợp thức hóa hồ sơ nhập lậu? Thứ ba, đề nghị làm rõ số tiền Nguyễn Giang Lam hưởng lợi bất chính là bao nhiêu trong vụ án? Thứ tư, làm rõ số lượng xe mô tô của các cá nhân nêu trong cáo trạng.
Đây là vụ án được Báo Công lý có loạt bài phản ánh những dấu hiệu oan sai.
Như Công lý đã thông tin, trong quá trình giải quyết vụ án gây xôn xao dư luận này, nhiều chuyên gia pháp lý hàng đầu có ý kiến cho rằng cần giải quyết thận trọng khách quan.
Nguyên Chánh tòa Toà Hình sự TANDTC Đinh Văn Quế nhận định: Trong vụ án, các bị cáo chỉ lợi dụng chính sách để làm dịch vụ nhằm hưởng lợi.
Quá trình điều tra trước đây, Cơ quan CSĐT chỉ mới chứng minh hành vi “mua bán tiêu chuẩn nhập xe ô tô của Việt kiều”, chứ chưa chứng minh được việc buôn lậu ô tô như thế nào.
Xung quanh vụ án, ông Nguyễn Hữu Hạ (SN 1945, cựu phóng viên chiến trường B, cán bộ TTXVN đã nghỉ hưu) liên tục gửi đơn đến các cấp lãnh đạo, các cơ quan bảo vệ pháp luật kêu oan cho con trai là Nguyễn Giang Lam. Ông Hạ cho rằng, chủ thể buôn lậu vẫn chưa được làm rõ và chưa bị xử lý.
Ngoài ra, ông khiếu nại việc con trai ông là cựu sỹ quan an ninh, nhân thân tốt, liên tục kêu oan nhưng lại bị CQĐT tạm giam từ tháng 3/2014 đến nay, trong khi 2 bị cáo đầu vụ là Vinh và Nguyên bất ngờ được hưởng “tại ngoại điều tra”.
Từ đó, ông đề nghị các cơ quan tố tụng thay đổi biện pháp ngăn chặn với Nguyễn Giang Lam để chờ phán quyết có hiệu lực của Tòa án.
Báo Công lý sẽ thông tin thêm về vụ án khi có tình tiết mới.