Từ ngày 24-1 đến ngày 7-2, TAND tỉnh Trà Vinh tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Chi nhánh Trà Vinh ( Agribank Trà Vinh ). Các bị cáo: Nguyễn Hữu Lộc (58 tuổi), Trần Vũ Dũng (46 tuổi, cùng nguyên chủ tịch HĐQT Công ty CP Aquafeed Cửu Long), Nguyễn Hồng Nam (49 tuổi), Đỗ Thái Hòa (42 tuổi, nguyên tổng, phó tổng giám đốc của Aquafeed Cửu Long), Bùi Thị Tuyết Mai (55 tuổi, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp thủy sản) cùng bị truy tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Nhóm 3 bị cáo Nguyễn Văn Trực (60 tuổi, nguyên phó giám đốc phụ trách Agribank Trà Vinh ), Nguyễn Quốc Hoàn (55 tuổi) và Cao Văn Phong (41 tuổi, nguyên trưởng, phó Phòng Tín dụng Agribank Trà Vinh), cùng bị truy tố về tội "Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng ".
Theo cáo trạng, ngày 1-3-2011, bị cáo Trực ký hợp đồng tín dụng số 01AQ/HĐTD cho Công ty CP Aquafeed Cửu Long vay hạn mức 120 tỉ đồng nhưng chấp thuận giải ngân 100 tỉ đồng để thực hiện theo phương án kinh doanh là chế biến thức ăn thủy sản và nuôi cá tra thương phẩm.
Đồng thời vay có thế chấp tài sản gồm 3 hợp đồng thế chấp là toàn bộ dây chuyền máy móc, thiết bị, nhà xưởng, kho, nguyên liệu và thành phẩm… với tổng tài sản thế chấp khoảng 69 tỉ đồng.
Điều kiện giải ngân là phía công ty chỉ được rút vốn phù hợp với tiến độ thu mua nguyên liệu, hàng hóa tồn kho.
Để được ngân hàng giải ngân, 2 bị cáo Lộc và Dũng bàn bạc lập hợp đồng khống mua bán nguyên liệu không giao hàng nhưng có chuyển tiền để sử dụng hóa đơn khống làm thủ tục ngân hàng giải ngân rồi chuyển tiền cho Công ty Công nghiệp thủy sản, Công ty CP Biển Tây chiếm đoạt và trả nợ.
Từ ngày 9-3 đến ngày 29-12-2011, Agribank Trà Vinh giải ngân 100 tỉ đồng theo 45 giấy nhận nợ. Từ đây, Aquafeed Cửu Long chuyển cho Công ty Công nghiệp Thủy sản hơn 28 tỉ đồng và Công ty Biển Tây 26,1 tỉ đồng để chiếm đoạt.
Về tài chính, Công ty CP Aquafeed Cửu Long cho thấy nợ phải thu là gần 91,5 tỉ đồng, nợ phải trả là hơn 269,7 tỉ đồng, mất cân đối hơn 178,2 tỉ đồng nên không còn khả năng trả nợ cho Agribank Trà Vinh.
Tuy nhiên, trong phần tranh luận, các luật sư bào chữa cho nhóm bị cáo thuộc Công ty CP Aquafeed Cửu Long, thì tài sản thế chấp bao gồm tiền người dân nợ mua thức ăn, đặt cọc vùng nuôi, toàn bộ dây chuyền máy móc, thiết bị, nguyên liệu và thành phẩm, thức ăn... với tổng tài sản thế chấp cho đến ngày khởi tố vụ án là hơn 136 tỉ đồng (gồm 32 tỉ đồng ở 2 hợp đồng thế chấp nhà xưởng và máy móc thiết bị; công nợ trong dân 91 tỉ đồng và 13 tỉ tiền đặt cọc vùng nuôi).
Như vậy, vào thời điểm khởi tố vụ án, công ty có đầy đủ tài sản để là đảm bảo nợ vay ngân hàng, thông qua các hợp đồng thế chấp đã được đăng ký giao dịch đảm bảo, thiệt hại ngân hàng không xảy ra nên không đủ căn cứ quy kết các bị cáo tội hình sự.
Theo luật sư Hà Văn Thượng (bào chữa cho bị cáo Lộc), VKS lấy lời khai của 3 bị cáo: Hòa, Mai, Nam tại cơ quan điều tra cáo buộc bị cáo Lộc có hành vi phạm tội.
Nhưng trong phần tranh luận tại tòa, 3 bị cáo trên khẳng định Lộc không chỉ đạo, không điều hành sau khi Lộc đã thôi chức chủ tịch HĐQT.
Cũng theo cáo trạng, bị cáo Mai biết rõ việc hợp đồng bán nguyên liệu với Công ty CP Aquafeed Cửu Long là khống nhưng vẫn ký xuất 24 hóa đơn.
Sau đó, bị cáo Hòa dùng 24 hóa đơn này đưa vào ngân hàng để giải ngân và chuyển vào tài khoản của Công ty Aquafeed Cửu Long.
Tại tòa, bị cáo Lộc nói: "Suốt quá trình theo dõi tại phiên tòa, bị cáo Mai và Hòa luôn khẳng định tôi không chỉ đạo cho 2 bị cáo này lập các hợp đồng mua bán. 2 bị cáo này cũng khẳng định việc ký hợp đồng mua bán là công việc hàng ngày".
Ngoài ra, VKS cho rằng bị cáo Trực biết công ty đang kinh doanh thua lỗ vẫn xếp loại A, cho vay tín chấp. Về việc này, luật sư Trần Văn Tạo (bào chữa cho bị cáo Trực) cho rằng tại các báo cáo tài chính các năm 2009, 2010, 2011 có kiểm toán và cũng là các báo cáo tài chính do Công ty Aquafeed Cửu Long đã nộp cho cơ quan thuế, cũng như các tài liệu trong bộ hồ sơ vay vốn đều không có tài liệu nào thể hiện công ty đang kinh doanh thua lỗ.
Trong phần nói lời sau cùng tại tòa vào chiều 7-2, nhiều bị cáo đã kêu oan. Bị cáo Lộc nói rằng mình không phạm tội, xin HĐXX xem xét vụ án và minh oan cho bị cáo.
Bị cáo Trực thừa nhận, ngay từ đầu về mặt pháp luật, tố tụng thì bị cáo không có điều kiện tiếp cận. Do vậy, bị cáo làm nhiệm vụ của mình chủ yếu dựa trên các văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
"Vấn đề tranh cãi giữa luật sư và VKS, tới giờ phút này, bị cáo cũng không nghiên cứu được chỗ nào là sai, chỗ nào đúng. Bản thân bị cáo thấy rằng mình đã làm đúng quy trình nhưng với vai trò của VKS cho rằng bị cáo có tội.
Bị cáo mong rằng những vấn đề đó, HĐXX sẽ xem xét về mặt chủ quan, khách quan…". Còn bị cáo Mai cho rằng mình bị oan sai, không chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Theo HĐXX, tòa sẽ tiến hành nghị án và dự kiến tuyên án vào chiều 9-2.