Các nghi phạm bị bắt giữ trong vụ ám sát Tổng thống Haiti. Ảnh: AP.
Nếu không được giải quyết “ổn thỏa”, bất ổn nghiêm trọng có thể xảy ra tại Haiti. Trước những lo ngại đó, giới chức Haiti đã đề nghị Mỹ và Liên Hợp Quốc hỗ trợ an ninh cũng như tiến hành điều tra vụ ám sát.
Với việc những nghi phạm đầu tiên bị bắt giữ là công dân Colombia và Mỹ, hai quốc gia này đã ngay lập tức cử các chuyên gia tình báo tới Haiti để hỗ trợ điều tra, theo đề nghị của nước sở tại. Người phát ngôn chính phủ Mỹ Ned Price cho biết:
“Mỹ đang tham vấn với giới chức Haiti và các đối tác quốc tế để hỗ trợ người dân Haiti. Để đáp lại đề nghị của chính phủ Haiti về việc hỗ trợ an ninh và điều tra; chúng tôi sẽ cử các nhân viên cấp cao từ Cục Điều tra Liên bang (FBI) và Bộ An ninh Nội địa tới thủ đô Poóc-tơ Pranh-xơ (Port au Prince) càng sớm càng tốt để đánh giá tình hình và đưa ra sự hỗ trợ”.
Phía Colombia khẳng định, sẽ cung cấp mọi thông tin cần thiết liên quan tới vụ ám sát Tổng thống Haiti.
Theo một số nguồn tin từ quân đội và cảnh sát quốc gia Colombia, nhiều nghi phạm người Colombia trong nhóm các tay súng thực hiện vụ ám sát đã đến Haiti từ quốc gia láng giềng Dominicana và ở Haiti hơn một tháng trước khi thực hiện vụ ám sát.
Còn theo tờ El Tiempo của Colombia, một trong số đối tượng này từng tham gia lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố thuộc quân đội Colombia và có 16 bức ảnh đăng trên Facebook cá nhân dường như được chụp tại Dominicana.
Hiện “thủ phạm thực sự” đứng đằng sau vụ việc vẫn chưa rõ và Haiti vẫn đang truy lùng những nghi phạm còn lại.
Vụ ám sát Tổng thống Haiti được giới chuyên gia đánh giá là diễn ra ở một thời điểm “nhạy cảm nhất”, được tính toán “kỹ lưỡng nhất”, khi đã tạo ra một khoảng trống quyền lực “chưa từng có” tại quốc gia Caribe này.
Hiện chưa rõ ai sẽ thay thế Tổng thống Haiti lãnh đạo đất nước 11 triệu dân này. Hiến pháp từ năm 1987 quy định người đứng đầu tòa án tối cao sẽ tiếp quản nếu tổng thống qua đời. Nhưng hiến pháp “sửa đổi” “chưa được công nhận” lại quy định người tiếp quản là thủ tướng.
Tháng trước, chánh án tòa án tối cao Haiti qua đời do Covid-19. Tuần trước, Tổng thống Moise bổ nhiệm ông Ariel Henry làm thủ tướng mới để thay thế ông Joseph.
Tuy nhiên, ông Henry lại chưa tuyên thệ. Ông Joseph đang phụ trách điều hành chính phủ và điều tra vụ ám sát, trên danh nghĩa là Thủ tướng Lâm thời. Nhưng ông Henry, người được phe đối lập ủng hộ nhiều hơn, tuyên bố không coi ông Joseph là thủ tướng hợp pháp.
Thêm vào đó, Quốc hội Haiti cũng không thể giải quyết do đã mãn nhiệm từ lâu, song chưa được bầu lại.
Trước bối cảnh này, hôm qua, Bộ trưởng Bầu cử Haiti Mathias Pierre đã yêu cầu Mỹ và Liên Hợp Quốc gửi lực lượng tới hỗ trợ an ninh tới bảo vệ những cơ quan quan trọng, sân bay cũng như cảng biển. Cũng theo ông Pierre, yêu cầu này cũng nhằm hướng tới 1 mục tiêu khác là giúp Haiti có thể tổ chức bầu cử Tổng thống và Quốc hội, dự kiến vào ngày 26/9 tới.
Trong khi, người phát ngôn của Liên Hợp Quốc Stéphane Dujarric, nhấn mạnh, các bên tại Haiti hiện nay cần phải đối thoại nhằm duy trì sự ổn định:
“Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Haiti, bà Helen La Lime đang duy trì liên lạc với các bên tại Haiti, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết hiện nay là đạt được một sự thỏa hiệp chính trị, để duy trì sự ổn định để vạch ra con đường phía trước. Giải pháp cho những thách thức của Haiti sẽ đến từ chính người dân nước này. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục sự hỗ trợ cho Haiti”.
Ngoài ra, ông Stéphane Dujarric cũng cảnh báo tình hình hiện nay tại Haiti sẽ cản trở những nỗ lực viện trợ nhân đạo cho người dân Haiti – một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng bạo lực giữa các băng đảng cũng như dịch bệnh.