Vụ 79 căn biệt thự xây không phép ở Phú Quốc: Hé lộ nguồn gốc đất

DUY NHÂN |

Nhiều thửa đất trước khi hình thành những căn biệt thự trong khu 79 căn biệt thự không phép ở Phú Quốc đã được trưởng ấp ký xác nhận nguồn gốc đất cá nhân để giao dịch chuyển nhượng...

Tại cuộc họp giao ban báo chí tỉnh Kiên Giang vừa qua, ông Phùng Quốc Bình - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang - xác định nguồn gốc đất tại khu biệt thự 79 căn xây không phép ở ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc , tỉnh Kiên Giang là đất nhà nước quản lý theo quyết định 904 năm 2007 của UBND tỉnh Kiên Giang.

Tuy nhiên, theo hồ sơ phóng viên có được, vào ngày 8-4-2008, ông Lâm Hùng Sơn (SN 1956, ngụ ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc) có đơn xin xác nhận nguồn gốc đất gửi UBND xã Dương Tơ và Ban nhân dân ấp Đường Bào.

Vụ 79 căn biệt thự xây không phép ở Phú Quốc: Hé lộ nguồn gốc đất - Ảnh 1.
Vụ 79 căn biệt thự xây không phép ở Phú Quốc: Hé lộ nguồn gốc đất - Ảnh 2.

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang và TP Phú Quốc chỉ đạo cưỡng chế 14 căn biệt thự không phép trong khu 79 căn ở ấp Đường Bào, xã Dương Tơ, TP Phú Quốc

Nội dung đơn xác nhận nguồn gốc đất, ông Sơn trình bày rằng vào năm 2007 ông có mua lại của bà Huỳnh Thị Miền và ông Chu Mạnh Chung một thửa đất 15.000m2, tọa lạc tại tổ 8, ấp Đường Bào, xã Dương Tơ. Trên đất có trồng đào và tràm bông vàng. Sau khi mua đất, ông Sơn canh tác liên tục không bị tranh chấp, đất có ranh giáp rõ ràng...

Tờ xin xác nhận nguồn gốc đất có kèm theo sơ đồ vị trí đất vẽ tay, thể hiện đất ông Sơn mua giáp lộ đấy, bên trái giáp đất ông Xàn, bên phải giáp đất ông Quân.

Vụ 79 căn biệt thự xây không phép ở Phú Quốc: Hé lộ nguồn gốc đất - Ảnh 3.
Vụ 79 căn biệt thự xây không phép ở Phú Quốc: Hé lộ nguồn gốc đất - Ảnh 4.

Hầu hết người dân đang sở hữu nhà trong khu biệt thự 79 căn vi phạm ở Phú Quốc đều mua lại qua 3-4 lần chủ

Ngày 22-4-2008, ông Nguyễn Văn Thao, Trưởng Ban nhân dân ấp Đường Bào, đã ký xác nhận nguồn gốc đất cho ông Sơn với nội dung: "Ông Lâm Hùng Sơn có mua của bà Miền với ông Chung thửa đất khoảng 15.000m2 là đúng sự thật". Dưới dòng xác nhận, ông Thao ký tên và đóng dấu vuông của Ban nhân dân ấp Đường Bào.

Ngày 31-10-2019, tại Phòng Công chứng số 2 tỉnh Kiên Giang, ông Lâm Hùng Sơn ủy quyền cho ông Đào Văn Quy (SN 1974; thường trú quận Bình Tân, TP HCM) đại diện, quản lý sử dụng, xin đăng ký quyền sử dụng đất... toàn bộ khu đất 15.000m2 nói trên.

Sau khi được ông Sơn ủy quyền, ông Quy đã chia nhỏ thửa đất bán cho nhiều người xây biệt thự.

Trong số đó có vợ chồng ông Nguyễn Văn Lâm (SN 1960; thường trú quận Tân Phú, TP HCM), một trong 14 hộ vừa bị cưỡng chế, phá dỡ 14 căn biệt thự vào ngày 18-9 vừa qua.

Theo văn bản thỏa thuận giữa ông Quy và ông Lâm ký kết vào ngày 6-11-2019, ông Quy chuyển nhượng cho ông Lâm phần đất 1.050 m2 nằm trong thửa đất 15.000m2 được ông Sơn ủy quyền với giá 1,1 tỉ đồng. Ông Quy cam kết đất này thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của ông, không có ai tranh chấp khiếu nại; không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý theo pháp luật. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ phía ông Lâm tiến hành các thủ tục đăng ký quyền sử dụng đất...

Ngay sau khi mua đất của ông Quy, ông Lâm và một số hộ dân tiến hành san lấp, xây biệt thự. Những hộ này cho biết, trong suốt quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng không thấy chính quyền địa phương nhắc nhở, không có ai đến tranh chấp gì.

"Suốt quá trình xây dựng và đưa vào sử dụng căn nhà, không có ai đến nhắc nhở tôi là đất nhà nước hay gì cả. Tôi chưa đăng ký quyền sử dụng đất nên cũng không xác định được loại đất gì. Đây là khu vực nông thôn nên việc xây cất không xin phép là bình thường. Sau khi xây dựng xong thì có người vào làm đường, kéo điện nên chúng tôi quá yên tâm. Cho đến tháng 8-2022 thì chúng tôi ngỡ ngàng khi cán bộ phường xuống lập biên bản vi phạm hành chính, cho rằng chúng tôi bao chiếm đất nhà nước để xây dựng trái phép"- ông Lâm trần tình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại